ĐBQH đề nghị: Truy trách nhiệm hàng loạt nhà máy nghìn tỷ “đắp chiếu”

TP - Đề cập sự lãng phí, Ủy ban Kinh tế “điểm mặt” hàng loạt các dự án nghìn tỷ làm xong nhưng “đắp chiếu” hoặc đưa vào hoạt động thì thua lỗ triền miên. 

Ngày 29/7, báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016 trước Quốc hội (QH), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay, nợ công cao, áp lực trả nợ lớn. 

Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, tình trạng tham nhũng còn nghiêm trọng, lãng phí còn lớn. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.

Đề cập sự lãng phí, Ủy ban Kinh tế “điểm mặt” hàng loạt các dự án nghìn tỷ làm xong nhưng “đắp chiếu” hoặc đưa vào hoạt động thì thua lỗ triền miên. Điển hình là các dự án: Nhà máy Đạm Ninh Bình đầu tư 12.000 tỷ đồng nhưng mỗi năm hoạt động lỗ 2.000 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ, đầu tư 7.000 tỷ đồng và nhà máy Nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất, đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng nhưng đã phải tạm ngừng hoạt động; Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 trên 8.000 tỷ đồng vẫn chưa hoạt động sau 10 năm triển khai; Nhà máy bột giấy Phương Nam, đầu tư 3.000 tỷ đồng sau 10 năm phải bỏ hoang… “Đây là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm, bởi những dự án, công trình trên có quy mô lớn nhưng không thể đưa vào hoạt động, không tạo ra tăng trưởng, không tạo thêm việc làm, nộp ngân sách nhà nước, thua lỗ nặng nề và nguy cơ phá sản, tổn thất lớn đến tài sản Nhà nước”, Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) trăn trở trước thực trạng, trong khi hàng triệu người dân đang nhọc nhằn lao động mưu sinh hàng ngày, chỉ cần có thêm vài ba trăm ngàn đồng/tháng là có cơ hội cải thiện cuộc sống thì chỉ mấy dự án trên đã gây lãng phí đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Ông Tám đề nghị Chính phủ phải rà soát, kiểm tra để chấn chỉnh lại quá trình đầu tư, lấp những lỗ hổng trong quá trình đầu tư, đồng thời xác định rõ trách nhiệm pháp lý của quá trình thẩm định, phê duyệt đầu tư, trách nhiệm của tập thể đến đâu, trách nhiệm của cá nhân đến đâu.

Khẳng định lãng phí từ các dự án nghìn tỷ là rất lớn, ĐB Phan Văn Tường (Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ báo cáo đầy đủ để QH có những thông tin toàn diện về kết quả thực hiện chính sách pháp luật mà mình đã thông qua và làm cơ sở cho quyết định phân bổ ngân sách những năm tiếp theo.

Lý giải về thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng nguyên nhân do  việc chấp hành pháp luật chưa nghiêm, chất lượng dự án chưa tốt, việc kiểm soát quy mô, định mức, đơn giá còn chưa chặt chẽ, còn để xảy ra thất thoát lãng phí. Thời gian tới sẽ quán triệt thực hiện nghiêm các quy định về đầu tư công, trách nhiệm người đứng đầu và xử lý nghiêm minh các vi phạm. 

Bế mạc Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV

Chiều 29/7, phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ nhất QH khóa XIV, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, QH đã hoàn thành tốt đẹp chương trình làm việc. “QH trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị để cụ thể hóa thành chương trình hoạt động của cả nhiệm kỳ; đồng thời, yêu cầu các cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, có biện pháp tích cực giải quyết những vấn đề mà cử tri kiến nghị”, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói.   

                                                         Trường Phong

MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.