ĐBSCL kiến nghị liên kết ứng phó

ĐBSCL kiến nghị liên kết ứng phó
TP - Trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ, các địa phương ở ĐBSCL, trong quá trình tìm kiếm giải pháp ứng phó, đã kiến nghị vấn đề liên kết.
ĐBSCL kiến nghị liên kết ứng phó ảnh 1
Ông Nguyễn Thanh Sơn

Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn, cho biết: “UBND TP Cần Thơ đã có kiến nghị các bộ, ngành, chủ trì và phối hợp với các tỉnh, thành phố có liên quan sớm lập kế hoạch bảo vệ nguồn nước sông Hậu. Lập kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cho toàn vùng.

Trong đó, cần liên kết cả những việc cụ thể như, đầu tư và xây dựng bãi xử lý rác thải nguy hại chung cho cả vùng ĐBSCL. Thống nhất lựa chọn, xác định dự án công trình cấp bách mang tính liên vùng để tập trung đầu tư.

Các bộ, ngành trung ương tăng cường vai trò đầu mối đối với sự hợp tác giữa các địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế-xã hội của từng địa phương cũng như vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL. Trung ương và các địa phương phối hợp chặt chẽ, có giải pháp đấu tranh với các nước thượng nguồn về khai thác thủy điện trên sông Mekong”.

Khu neo đậu tàu thuyền

ĐBSCL kiến nghị liên kết ứng phó ảnh 2
Ông Bùi Công Bửu

Ông Bùi Công Bửu, Chủ tịch UBND Tỉnh Cà Mau: “Vùng biển Cà Mau là một ngư trường lớn của cả nước, có điều kiện khai thác quanh năm. Ngoài số lượng tàu cá trên 4.000 chiếc của tỉnh Cà Mau, còn có tàu cá của các tỉnh khác hoạt động khai thác tại vùng biển Cà Mau.

Tình hình biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến khó lường, đặt ra nhu cầu bức thiết đầu tư xây dựng hạ tầng và cung ứng dịch vụ nghề cá ở vùng biển bán đảo Cà Mau, nhằm đảm bảo an toàn khi gặp thiên tai.

Việc xây dựng các khu neo đậu tránh trú bão đang rất bức xúc. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Cà Mau có sáu khu neo đậu tránh trú bão, trong đó hai khu cấp vùng và bốn khu cấp tỉnh.

Đến nay, đã cơ bản đầu tư hoàn thành được khu neo đậu trú bão tại Sông Đốc, đang triển khai khu neo đậu Rạch Gốc. Khu neo đậu Cái Đôi Vàm và Khánh Hội (khu cấp tỉnh) đã phê duyệt dự án nhưng tỉnh không có vốn. Đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ vốn để thực hiện, trong năm 2009 đề nghị cho tạm ứng mỗi dự án 10 tỷ đồng”.

Giao thông liên vùng

ĐBSCL kiến nghị liên kết ứng phó ảnh 3
Ông Vương Bình Thạnh

Ông Vương Bình Thạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, kiến nghị: “Chính phủ cần tập trung đẩy nhanh tiến độ phát triển hoàn chỉnh hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL, kể cả đường bộ, đường sắt và đường thủy, vì đây là điểm yếu nhất của vùng. Giao thông liên vùng tốt để kịp thời hỗ trợ, ứng cứu, khi xảy ra biến đổi khí hậu”.

Ông Thạnh đề nghị chú trọng giao thông dọc theo bờ sông Hậu nối với Campuchia: “Sớm triển khai các dự án cầu Vàm Cống, đường tránh TP Long Xuyên, tuyến N1, gồm Phà Tân Châu - Hồng Ngự, đoạn Tân Châu - Tịnh Biên, cầu Tân An trên đường ra biên giới Vĩnh Xương, cầu Long Bình nối cửa khẩu Khánh Bình với Campuchia.

Nâng cấp đường tỉnh 956 thành quốc lộ tạo thành cửa ngõ đường bộ quan trọng nối với cửa khẩu quốc gia Khánh Bình; xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Cần Thơ-Châu Đốc để nối với Phnompenh”.

Điện cho nông thôn

ĐBSCL kiến nghị liên kết ứng phó ảnh 4
Ông Văn Hà Phong

Các nghiên cứu về biến đổi khí hậu cho biết, vùng nông thôn nghèo sẽ bị tác động mạnh nhất. Nguyên nhân là khả năng ứng phó hạn chế, đặc biệt khi cơ sở hạ tầng kỹ thuật quá yếu kém.

Ông Văn Hà Phong, Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Kiên Giang, đề nghị tăng nguồn vốn đầu tư đưa điện về nông thôn:

“Hiện nay, hàng năm ngân sách chỉ bố trí được 20 tỷ đồng đầu tư cho phát triển lưới điện là quá ít.

Các công ty điện lực vì mục tiêu kinh doanh, không nhiệt tình đầu tư đưa điện về vùng nông thôn. Điện ở nông thôn vừa thiếu vừa yếu, nơi đã có thì chủ yếu chỉ thắp sáng, không thể phục vụ sản xuất.

Đề nghị Chính phủ tăng cường hỗ trợ vốn ODA và chỉ đạo tập đoàn điện lực phát triển lưới điện nông thôn, vùng đồng bào dân tộc. Nông thôn tối tăm sẽ khốn khó trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu”.

Sáu Nghệ thực hiện

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.