ĐBSCL sẽ sạt lở dữ dội

Sạt lở đất ở Hậu Giang
Sạt lở đất ở Hậu Giang
TPO - “Khi 11 đập ở Hạ lưu sông Mekong hoàn tất thì 100% cát, sỏi sẽ không còn về ĐBSCL. Khi đó, đoạn bờ biển nhiều cát ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng sẽ sạt lở dữ dội”, đó là cảnh báo của Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái sông ngòi đưa ra tại hội thảo “Tái cơ cấu nông nghiệp trong điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu” diễn ra tại Đồng Tháp vào sáng nay, 20/9.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, các đập ở Trung Quốc và các đập chi lưu (Lào và Thái Lan) là các đập có hồ chứa lớn, có khả năng tích nước trong mùa lũ và xả nước trong mùa khô để phát điện. Xét về lượng nước thì không có khả năng gây khô hạn cho ĐBSCL vì lượng nước đóng góp từ phần này so với lượng nước toàn lưu vực không lớn, chỉ chiếm 16%. Tuy nhiên, tác động của các đập Trung Quốc đối với ĐBSCL rất nghiêm trọng không phải về lượng nước mà về phù sa.

Theo số liệu của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) so sánh giữa 1992 và 2014 thì tổng lượng phù sa lơ lửng (bùn, sét) đã bị giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn, gây thiếu hụt phù sa, làm mất cán cân phù sa ở ĐBSCL dẫn đến sạt lở ở bờ biển ĐBSCL, nhất là đoạn bờ biển bùn từ Bạc Liêu vòng qua Hà Tiên.

Trong những năm đặc biệt khô hạn, các đập ở Trung Quốc và các đập chi lưu có thể gia tăng trữ nước, làm trầm trọng thêm tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Nhưng các đập này không có khả năng giải hạn cho ĐBSCL dù muốn, vì phần nước đóng góp vào lưu vực của các đập này chỉ 16% và khoảng cách quá xa.

Còn đối với 11 đập dòng chính dự kiến ở Hạ lưu vực sông Mekong (9 ở Lào và 2 ở Campuchia thì hiện nay chỉ mới có 2 đập Xayaburi và Don Sahong ở Lào đã khởi công nhưng chưa hoàn tất) sẽ có tác động rất nghiêm trọng đối với ĐBSCL cả về nước, phù sa, và thủy sản. Theo báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược năm 2010 của Ủy hội Mekong quốc tế (MRC) sau khi 11 đập này hoàn tất thì tải lượng phù sa lơ lửng của sông Mekong sẽ chỉ còn 42 triệu tấn/năm, tức 1/4 lượng trước năm 1994. Khi đó sạt lở sẽ dữ dội hơn.

Về lượng nước, 11 đập này là đập dâng (run of river) tích và xả nước trong ngày (tích khoảng 16 giờ, xả khoảng 8 giờ). Vì vậy trong những năm bình thường, các đập này không ảnh hưởng lắm về mực nước đối với ĐBSCL nhưng đối với những năm khô hạn thiếu nước thì các đập này phải tích cho đủ nước mới xả. Mỗi đập sẽ có khả năng tích từ 1,5 ngày đến 18 ngày, vì vậy nước sẽ về ĐBSCL rất muộn gây gia tăng khô hạn và xâm nhập mặn.

Ông phân tích tiếp, các số liệu về phù sa nói trên chưa tính đến cát, sỏi di chuyển ở đáy sông cho nên không biết các đập Trung Quốc đã chặn bao nhiêu cát, sỏi. Nhưng sự thiếu hụt cát, sỏi do các đập Trung Quốc chặn thì vài chục năm nữa mới cảm nhận được ở ĐBSCL vì cát sỏi di chuyển vài chục năm mới đến ĐBSCL. “Các nghiên cứu cho đến nay đều thống nhất rằng khi tất cả 11 đập ở Hạ lưu vực hoàn tất thì 100% cát, sỏi sẽ không còn về ĐBSCL. Khi đó, đoạn bờ biển nhiều cát ở vùng cửa sông Cửu Long từ Tiền Giang qua Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng sẽ sạt lở dữ dội. Ngoài ra, 100% cá trắng ở ĐBSCL sẽ không còn”, chuyên gia Thiện nói.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật nhà nước cho biết thêm, ĐBSCL đang phải đối mặt với hai thách thức toàn cầu, một thách thức khu vực và thách thức tại địa bàn. Cụ thể, đối với thách thức toàn cầu thì biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, mặn xâm nhập dẫn đến ĐBSCL là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị uy hiếp nghiêm trọng.

ĐBSCL sẽ sạt lở dữ dội ảnh 1

Khai thác cát trên sông Tiền. Ảnh: Hòa Hội

Trong khi đó, việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn (Trung Quốc), chủ yếu là xây các đập thủy điện đã biến dòng chảy liên tục theo trọng lực thành một chuỗi đập làm thay đổi sinh thái thủy văn, giữ lại một lượng nước và trầm tích trong các lòng hồ dẫn đến hệ lụy là ĐBSCL giảm lượng phù sa rất lớn. Đồng thời, làm thay đổi địa mạo lòng sông, đe dọa đến sự tồn tại của đồng bằng. Ngoài ra, thách thức tại địa bàn là sự khai thác cát tự nhiên trên sông một cách quá mức mà chính quyền không quản lý được.

MỚI - NÓNG