ĐBSCL: Thủy thần đang khoét đôi bờ

ĐBSCL: Thủy thần đang khoét đôi bờ
Nếu nghìn xưa “sông sâu bên lở bên bồi” thì nay ở ĐBSCL tình hình đã khác: “Sông sâu lở cả hai bờ”. Hàng vạn gia đình sống hai bên bờ sông đang như ở trước miệng hà bá.
ĐBSCL: Thủy thần đang khoét đôi bờ ảnh 1
Sạt lở bờ sông Cái Trâm cuốn chìm 3 căn nhà xây ở ấp 1, xã Trinh Phú (Kế Sách, Sóc Trăng)  ảnh: Cao Xuân Lương

Sông Tiền đoạn qua huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) rộng gần 1 km. Cuối tháng 7 năm nay, chúng tôi đặt chân đến xã Tân Bình và Tân Quới và nhận thấy một không khí lo âu bao trùm.

Ông Trương Văn Hùm, nhà sát bờ sông ở xã Tân Qưới kể: “Chúng tôi sống ở đây đã lâu nhưng chưa bao giờ thấy hiện tượng lạ lùng như năm nay. Đêm nằm nghe nước chảy như xói dưới lưng, nghe tiếng đất sụp lở ngoài sông ầm ầm không ngớt. Mới sáng qua tôi ra vườn thấy mất cả một khu đất mấy trăm mét vuông mà hôm trước còn xanh cây cối. Thật không hiểu chuyện gì đang xảy ra”.

Phó chủ tịch UBND xã Tân Bình - ông Hà Văn Hoàng đưa chúng tôi đi xem bờ sông sạt lở. Ông nói: “Đây không phải là sự sạt lở bình thường như xưa kia mà do phía tả ngạn xã An Phong mấy năm nay hình thành một bãi bồi, bà con gọi là “cồn mới nổi”, rộng 450 m, dài 2,3 km.

Mùa khô nó nổi hẳn lên trên mặt nước, dân xung quanh thường ra chơi, uống rượu, đá banh. Cái cồn làm cho sông đổi dòng, nước chảy thốc về phía xã chúng tôi, nhằm chính vào ấp Hạ. Nước chảy xói sâu lòng đất, tạo thành những hang ngầm lớn bên dưới làm sụp đất bên trên. Sạt lở đã tới con đường nhựa mà con đường ấy cũng là bờ bao chắn lũ”.

Khảo sát mới đây của Đoạn quản lí đường sông số 15, giữa sông Tiền khu vực xã Tân Bình và Tân Quới còn có một bãi bồi thứ 2 rộng khoảng 200 m, dài 600 m, với cao trình hiện nay khoảng 2,5 m và đang lớn rất nhanh.

Hai bãi bồi làm cho lòng sông bị thu hẹp, ép dòng nước chảy về bờ hữu với tốc độ lớn gây sạt lở mạnh, mỗi năm ngoạm vào đất liền từ 5 đến 15m. Sạt lở đang có xu hướng dịch chuyển về hạ lưu, đe dọa hơn 1.000 hộ dân, trong đó có 307 hộ đang cần di dời khẩn cấp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đình Tứ, cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp cho biết: Khu vực sạt lở tại Tân Bình và Tân Quới có chiều dài trên 2.800m.

Bên cạnh việc phải di dời hàng nghìn hộ dân thì một điều đáng lo ngại khác là: Nếu con đường nhựa kiêm bờ bao chắn lũ bị nước xói lở thì 60.000 dân của 5 xã bên trong vốn sống trên địa hình thấp hơn mực nước sông mùa lũ từ 1 – 1,5m sẽ rất nguy hiểm.

Giữa sông Hậu đoạn chảy qua xã Mỹ Hoà Hưng (Long Xuyên, An Giang) cũng đang nổi lên một cái cồn lớn, rộng khoảng 300m, làm cho dòng nước đến đây bị chia 2, chảy ép vào bờ với tốc độ mạnh gây xói lở cả 2 bờ.

ĐBSCL: Thủy thần đang khoét đôi bờ ảnh 2
Con đường kiêm đê bao ở xã Tân Bình (Thanh Bình, Đồng Tháp) đang có nguy cơ biến mất, đe dọa hàng vạn hộ dân sống bên trong. ảnh: Hồng Lĩnh

Đặc biệt là dòng nước đâm vào bờ kè khu vực trụ sở Tỉnh uỷ An Giang rất nguy hiểm. Ngành chức năng của tỉnh An Giang đang chọn giải pháp cho một số đơn vị đến khai thác cát tạm thời với hi vọng điều chỉnh dòng chảy.

Ở Bến Tre, từ khi đắp đập Ba Lai thì nước ở kênh Chẹt Sậy muốn thoát ra biển Đông phải vòng theo dòng Giao Hòa-An Hóa để sang cửa Đại và làm cho hơn 3km sông ở đây trở nên hung dữ.

Ông Thái Ngọc Huê-Trưởng ban công tác mặt trận ấp Châu Thành, xã An Hóa (Châu Thành, Bến Tre) nói với chúng tôi: “Sạt lở rất khó chịu. Thông thường sông sâu bên lở bên bồi còn sông ở đây lở cả 2 bên”.

Không những chảy xiết mà nước ở đoạn sông Giao Hòa-An Hóa còn tạo nên những dòng xoáy. Mới đây địa phương cho thợ lặn kiểm tra phát hiện dòng xoáy đang khoét sâu tạo ra những hàm ếch lớn dưới bờ sông.

Theo thống kê, những năm qua sạt lở bờ sông ở ĐBSCL đã làm 32 người chết, xóa sổ 5 dãy phố, 6 ngôi làng, sụp đổ xuống sông 2.200 căn nhà. Nghiên cứu của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam: Hiện ĐBSCL có 1 thành phố, 2 thị xã, 4 thị trấn nằm trong vùng bị sạt lở mạnh.

Còn theo thống kê ở các địa phương: Đồng Tháp có 89 khu vực sạt lở thuộc 42 xã, phường, thị trấn ven bờ sông Tiền, sông Hậu với tổng chiều dài 161 km,  4.302 hộ cần phải di dời để bảo đảm an toàn. An Giang có 40 điểm sạt lở, tập trung nhiều ở huyện Tân Châu và TX Long Xuyên. Vĩnh Long có 56 điểm sạt lở bờ sông Hậu, Cổ Chiên, Mang Thít với tổng chiều dài gần 80 km, trên 1.500 hộ dân cần di dời. Cần Thơ có 14 điểm sạt lở mỗi năm lấn vào bờ sông hàng mét đất.

Năm 2004 đã xảy ra vụ lở đất nghiêm trọng ở xã An Hóa, phải di dời khẩn cấp 22 hộ gia đình. Đầu năm 2005, di dời tiếp 5 hộ. Hiện nay, suốt chiều dài 3.500m qua 2 xã An Hóa và Giao Hòa, cả dải đất sâu vào bờ có nơi đến 10m đang “runh rinh”, uy hiếp trực tiếp nhà của 82 hộ gia đình và nhà xưởng của 6 doanh nghiệp.

Lòng sông bị khoét sâu

Một nguyên nhân khiến dòng chảy các con sông vòng vèo bất thường là việc khai thác cát trên sông không được kiểm soát. Nơi nào có nhiều tàu thuyền hút cát thì bờ sông những nơi đó sạt lở dữ dội.

Quy định hút cát phải cách bờ 200m và có thả phao làm dấu, tuy nhiên, phao thường biến mất sau vài ngày có tàu hút cát. Tàu cứ lấn vào gần bờ và đăng ký một tàu thì có 3, 4 chiếc lén lút “hút theo”.

Khu vực phà Hậu Giang gần “mỏ cát” đã có lần bờ bị xói lở hàm ếch, cuốn trôi cả một bến. Đơn vị quản lý phà đã phải đóng hàng cọc thép chữ T sâu mấy chục thước rất tốn kém để kè bờ nhưng mỗi mùa lũ về vẫn phập phồng sợ bến phà “bỗng nhiên” biến mất.

Chúng tôi đứng ở bờ kè sông Tiền, chỗ phường 1 (TX Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) nhìn lên thượng nguồn thấy cầu Mỹ Thuận nên thơ, nhìn xuống dòng sông trước mặt thì anh cán bộ phường nói: “Có chỗ sâu gần 50m”.

Cảm thấy hơi… run chân! Nơi đây có đình Tân Hoa, hồi nào sân rộng cả trăm mét ngăn cách đình với bờ sông, nay bờ sông thăm thẳm đã sát đình. Anh bạn cán bộ phường tặc lưỡi: “Do hút cát lòng sông mà sinh dòng nước hung dữ chảy thốc vào đây”.

Lòng sông bị hút sâu tạo những dòng xoáy đang làm biến mất một số cù lao. Thuộc TP Cần Thơ có mấy cù lao giữa sông Hậu, gần đây bị sạt lở với tốc độ chóng mặt.

Mỗi năm, đầu cù lao Cái Khế cụt mất khoảng 7m, cù lao Tân Lộc cụt mất 6m, Cồn Sơn cụt mất 4m. Ở huyện Chợ Mới (An Giang), xã Kiến An có Cồn Hến đầu nguồn sông Mê Kông bị sạt lở thấy rõ hàng ngày khiến hàng chục hộ dân phải chạy lánh nạn.

Trở lại đoạn sông Giao Hòa-An Hóa ở Châu Thành (Bến Tre), giữa sông Ba Lai hồi nào có cồn bà Ba Đáng rộng khoảng 300 ha được dự tính xây dựng điểm du lịch sinh thái. Nhưng dòng chảy đổi hướng với việc hút cát tùy tiện gây xói lở nên hiện cồn chỉ còn vài chục mét vuông.

Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã An Hóa-ông Nguyễn Minh Hoàng nói: “Chắc trong năm nay nó biến mất”. Mố và chân các trụ cầu An Hóa (bắc qua sông Giao Hòa-An Hóa) cũng bị xói lở nghiêm trọng, đã phải giảm trọng tải qua cầu từ 25 tấn xuống 15 tấn.

Để hạn chế dòng chảy tàn phá ở sông Giao Hòa-An Hóa, trong dự án thủy lợi cống đập Ba Lai có hạng mục làm một âu thuyền trên con sông này. Thế nhưng hạng mục cần thiết ấy đến nay chưa được triển khai.

Còn nhìn tổng thể cả vùng ĐBSCL, tình hình sạt lở bờ sông chưa được đầu tư thích đáng. Việc nghiên cứu để có những phương án phòng chống hiệu quả, trong đó đặc biệt là dự báo sự xói mòn lòng dẫn để giúp các địa phương chủ động đối phó, hạn chế thiệt hại là không thể chậm hơn được nữa.     

MỚI - NÓNG