Đề án 112: Hai bên cố tình gian lận thì không biết được!

Đề án 112: Hai bên cố tình gian lận thì không biết được!
TP - Đây là trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trước câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội: “Ai chịu trách nhiệm về những sai phạm ở Bộ Tài chính trong việc giải ngân khống của Đề án 112?”.
Đề án 112: Hai bên cố tình gian lận thì không biết được! ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói,  cơ chế giải ngân đối với Đề án 112, Ban điều hành 112 ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Cơ quan tài chính, căn cứ vào hợp đồng ký kết giữa Ban điều hành 112 và các chủ đề án khi có kết quả sản phẩm sẽ thanh toán theo chế độ. “Trách nhiệm của Kho bạc  là căn cứ vào hợp đồng, căn cứ vào nghiệm thu của hai bên để thanh toán.

Kho bạc không tham gia vào hội đồng nghiệm thu các sản phẩm, không chịu trách nhiệm về số lượng và chất lượng của các sản phẩm này. Nếu như phát hiện ra xử lý sai thì chúng tôi sẽ có xử lý sai phạm và kỷ luật đối với cán bộ”- Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.

Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Minh Thuyết tái chất vấn rằng, câu trả lời của Bộ trưởng Ninh là chưa rõ, vì theo ông Thuyết, Bộ Tài chính cần phải chịu trách nhiệm trong việc chi tiêu của Đề án 112.

Ông Thuyết  hỏi: “Có chuyện giải ngân khống ở Đề án 112 không? Và có chuyện như báo chí đăng là treo thưởng cho những nơi nào giải ngân nhanh thì cấp vốn nhiều hay không? Trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thực hiện chức năng giám sát chi tiêu như thế nào?”. 

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh  trả lời: “Nếu Đề án 112 có chuyện chi khống và nếu có sự thông đồng của nhà đầu tư với các nhà thầu thì quả thật là Kho bạc không thể biết được và Bộ Tài chính cũng không biết được. Chúng tôi chưa phát hiện được chuyện đó và cũng không phải trách nhiệm của Kho bạc đi kiểm tra chuyện giữa hai bên. Hai bên ký hợp đồng phải chịu trách nhiệm về việc đó”.

Trước câu trả lời này, ĐB Nguyễn Minh Thuyết tỏ ra thất vọng, ông nói: “Bộ trưởng giải thích về vai trò của Bộ Tài chính và Kho bạc đơn giản quá! Nếu Kho bạc và Bộ Tài chính chỉ thấy bên A và bên B thống nhất với nhau là chi đúng rồi mà thông qua, thì tôi cũng làm Giám đốc Kho bạc được!?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích: Trong quá trình triển khai thực hiện Bộ Tài chính kiểm soát chi trên cơ sở là hồ sơ chứng từ giữa hai bên triển khai thực hiện và với sản phẩm, đối chiếu với cơ chế chính sách chế độ để mà kiểm soát và cho chi.

“Tôi nói là nếu hai bên cố tình thông đồng với nhau để khai khống thì chúng tôi không biết, chứ không phải chúng tôi nói là không kiểm soát. Hai bên cùng cố tình mà gian lận hoặc gửi giá vào trong hợp đồng đó thì đúng là chúng tôi và Kho bạc không biết được”-Bộ trưởng Ninh nói.

Nông dân được thụ hưởng từ chính sách kiềm chế giá còn rất ít!

Trả lời các chất vấn của nhiều ĐBQH về vấn đề điều hành giá cả, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích việc tại sao giảm thuế mà giá lại không giảm như ý muốn? Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính trình Thủ tướng cho phép giảm thuế 18 nhóm mặt hàng chủ yếu. Tuy nhiên, theo ông Ninh, thuế chỉ là một phần trong giá, chứ không phải xử lý được tất cả.

Về câu hỏi trách nhiệm của Bộ Tài chính thế nào? Ông Ninh nói: “Chúng tôi thấy là cũng chưa dự báo hết được và giá tăng tập trung vào cuối năm nên dự tính không hết.  Việc dự báo rất khó! Tới đây, chúng tôi sẽ phải dự báo làm sao cho tốt hơn”.

Ông Ninh cũng khẳng định: Sắp tới sẽ  tiếp tục điều hành giá theo kinh tế thị trường, không quay trở về bao cấp hai giá nữa. Hiện, chúng ta còn bù lỗ giá dầu, với giá xăng dầu như hiện nay thì đang bù lỗ rất lớn; Về dầu hỏa, chúng ta bù gần 4.000 đồng /1lít.

Nếu theo giá như hiện nay thì năm nay có khả năng phải bù lỗ dầu độ 12.000 tỷ. Cho nên, sắp tới chúng ta vẫn phải kiên trì định hướng điều hành giá theo tín hiệu của thị trường cả trong nước và ngoài nước.

ĐB Phạm Thị Hòa (An Giang) cho rằng, trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh về điều hành giá chưa thoả đáng. “Giải pháp của Chính phủ chưa thật sự hiệu quả đối với người sản xuất, người tiêu dùng, nhất là nông dân. Bộ trưởng có giải pháp gì tốt hơn, hiệu quả hơn để người nông dân được hưởng lợi trực tiếp từ những giải pháp của Chính phủ”- Bà Hòa chất vấn.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh  thừa nhận, việc kiềm chế tăng giá vừa qua, đúng là có tác động trực tiếp đến nông dân còn ít. Mặc dù trong 18 nhóm mặt hàng giảm thuế, có  cả những nhóm mặt hàng liên quan đến sản xuất của nông dân (như nguyên liệu cho sản xuất thức ăn chăn nuôi hay lương thực, thực phẩm).

Ông Ninh cho biết,  Thủ tướng đã có chỉ đạo sắp tới đây những cái gì trực tiếp đối với nông dân, thì cố gắng bằng phương thức xử lý trực tiếp không làm việc hỗ trợ gián tiếp qua giá.

Hiện nay, đối với giá dầu, chúng ta đã bao cấp một cách tràn lan, bao cấp cho cả các doanh nghiệp đủ các loại thành phần kinh tế, có cả doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, ví dụ dầu mazút hiện nay nhà đầu tư nước ngoài dùng khoảng 40% lượng dầu; và gây ra buôn lậu. Chúng ta bao cấp như vậy không đúng, nên sắp tới phải điều chỉnh.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo xem xét đối với những vùng không có điện, phải tăng hỗ trợ về dầu lên, cấp không cho dầu thắp sáng.

Đối với những trường hợp như ngư dân, sản xuất cần dầu như diezen để đi đánh cá xa bờ thì Nhà nước phải tăng cường đầu tư, chăm lo vào các dịch vụ hậu cần của nghề cá đáp ứng yêu cầu để giảm chi phí khai thác, chi phí đánh bắt. Tăng chi cho việc đào tạo lao động. Tăng nguồn cho vay với lãi suất ưu đãi để ngư dân hoán cải tàu hoặc đóng tàu đánh bắt xa bờ.

Quang Đông

MỚI - NÓNG