Đề án 112 nợ chây ì nhiều doanh nghiệp tin học

Đề án 112 nợ chây ì nhiều doanh nghiệp tin học
TP - Có khoảng 10 Cty và Trung tâm Tin học của tỉnh, thành tham gia viết phần mềm dùng chung theo hợp đồng với Ban điều hành đề án 112 (BĐH 112). Điều đáng nói là mỗi hợp đồng chỉ được BĐH 112 tạm ứng với số tiền rất ít ỏi.
Đề án 112 nợ chây ì nhiều doanh nghiệp tin học ảnh 1
3 phần mềm dùng chung triển khai tại các tỉnh, thành

Số tiền lên đến nhiều tỷ đồng còn lại vẫn chưa được BĐH 112 thanh toán dù thời hạn thanh lý hợp đồng đã hết từ lâu. Câu chuyện của Cty Cổ phần Tin học Tân Dân dưới đây là một ví dụ điển hình.

Phần mềm đã trao, tiền chưa được nhận

Phó Giám đốc Cty Nguyễn Văn Hùng cho biết: Cty Tân Dân viết 2 phần mềm theo hợp đồng với BĐH 112 gồm Trang thông tin điện tử điều hành công việc và phần mềm quản lý hộ tịch. Phần mềm Trang thông tin điện tử điều hành công việc được hoàn thành và triển khai từ năm 2004. Phần mềm quản lý hộ tịch chưa được triển khai làm phần mềm dùng chung.

Cho đến thời điểm đầu năm 2007, phần mềm trên mới chỉ được BĐH 112 nghiệm thu về mặt kỹ thuật. Nhưng ngay sau đó, vào tháng 4/2007, Thủ tướng yêu cầu tạm dừng triển khai Đề án 112, phần mềm này đành “xếp xó” từ thời điểm đó.

Phần mềm Trang thông tin điện tử điều hành công việc của Cty Tân Dân đã triển khai tại 40 tỉnh thành trên toàn quốc, trong đó có những địa phương lớn như TPHCM, Hà Nội… Cty Tân Dân trực tiếp đi triển khai phần mềm tại 4 tỉnh, thành.

Phần mềm này đến nay được đánh giá là hoạt động khá tốt và vẫn được Tân Dân nâng cấp thường xuyên. Vào tháng 8/2007, Tân Dân đã gửi phiên bản nâng cấp cho TPHCM. Điều đáng nói là Cty này không hề được trả bất kỳ khoản tiền nào liên quan đến việc nâng cấp phần mềm trên.

Đề án 112 nợ chây ì nhiều doanh nghiệp tin học ảnh 2 Bất cập của việc triển khai phần mềm dùng chung tại các tỉnh thành là hệ thống của các tỉnh không kết nối được với nhau. Hệ thống này chỉ hoạt động riêng rẽ trong phạm vi tỉnh, thành. Điều rất đáng nói nữa, là tuy được triển khai ở các địa phương, nhưng phần mềm dùng chung chưa từng được triển khai ở… Văn phòng Chính phủĐề án 112 nợ chây ì nhiều doanh nghiệp tin học ảnh 3

TS Nguyễn Văn Hùng – Phó GĐ Cty cổ phần tin học Tân Dân

Theo ông Hùng, mỗi hợp đồng cung cấp phần mềm trên có giá trị khoảng 450 triệu đồng và 2 hợp đồng có giá trên 900 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi hợp đồng chỉ được tạm ứng 100 triệu đồng.

“Đến bây giờ chúng tôi cũng không biết rằng Cty có được trả tiền theo các hợp đồng hay không. Tuy nhiên, tôi nghĩ, những người kế tục Đề án 112 phải trả tiền cho phần mềm này hoặc nếu không phải trả lại bản quyền cho Tân Dân” – Ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng khẳng định phần mềm quản lý hộ tịch của Cty ông được thực hiện theo hợp đồng nên cũng phải được thanh toán sau khi nghiệm thu sản phẩm.

Còn nhiều doanh nghiệp khác cũng là nạn nhân

Ông Hùng cũng cho biết: Nhiều Cty phần mềm khác cũng đã viết thậm chí còn nhiều phần mềm hơn cả Cty Tân Dân và độ phức tạp cao hơn, chẳng hạn phần mềm hệ thống một cửa của quận, huyện hay cấp phát tin, quản lý kế hoạch đầu tư…

Cũng giống như số phận phần mềm quản lý hộ tịch của Tân Dân, những phần mềm này mới chỉ được nghiệm thu về mặt kỹ thuật và bị “xếp xó” từ đó. Chủ nhân của chúng, các Cty, cũng mới chỉ nhận được khoản tiền tạm ứng ít ỏi. Không được thanh toán, theo ông Hùng, một số Cty thậm chí đã phá sản.

Đại diện một Cty (đề nghị không cung cấp danh tính), một trong những đơn vị tham gia viết phần mềm dùng chung và triển khai tại các địa phương cho hay số tiền BĐH 112 nợ Cty lên đến khoảng 1,5 tỷ đồng.

Theo vị giám đốc này, Cty đã thực hiện hợp đồng với BĐH 112 cài đặt phần mềm dùng chung tại 4 tỉnh, thành và viết một phần mềm dùng chung. Theo quy định, trước khi thực hiện cài đặt phần mềm vào năm 2005, BĐH 112 phải tạm ứng 400 triệu đồng cho Cty, nhưng đến cách đây chưa lâu họ mới nhận được số tiền tạm ứng này.

Số tiền còn lại của hợp đồng cài đặt phần mềm và viết phần mềm của Cty không thấy BĐH 112 đả động đến. Cho đến thời điểm cuối năm 2006, sau năm lần bảy lượt đòi tiền không thành công, Cty này đành ngậm đắng nuốt cay coi như không có số tiền này nữa.

Ông Trương Thanh Nam – Giám đốc Cty Sao Việt - cho hay tính theo định mức, đơn giá của Nhà nước ban hành, với khối lượng Cty đã thực hiện cho BĐH 112, số tiền mà BĐH 112 nợ Sao Việt lên đến khoảng 2 tỷ đồng.

“Chúng tôi đã đề nghị rất nhiều lần, nhưng không hiểu vì lý do gì BĐH 112 không nghiệm thu sản phẩm cho Cty. Trong khi đó, trong suốt thời gian dài, chúng tôi vẫn phải tiếp tục bảo dưỡng, nâng cấp phần mềm vì nếu không làm, sản phẩm sẽ không thể được nghiệm thu khi có cơ quan nào đó nghiệm thu sản phẩm”, Ông Nam nói.

PTT Trương Vĩnh Trọng: Phải làm để trắng, đen rõ ràng?

Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) ra quyết định khởi tố bị can và tiến hành bắt tạm giam những người liên quan đến sai phạm trong việc thực hiện Đề án 112, có 3 bị can từng là cán bộ và chuyên viên của Văn phòng Chính phủ đã bị tạm đình chỉ công tác.

Về vấn đề này, hôm qua (21/9) bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trao đổi với một số phóng viên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng nói: “Quan điểm của Chính phủ là phải làm sao trong cơ quan của Chính phủ trong sạch, rồi mới làm ra bên ngoài.

Những việc gì bên trong Chính phủ chưa rõ thì chúng tôi cố gắng làm, và còn phải nghiên cứu điều kiện khách quan, điều kiện chủ quan... Làm cho có thực chất, để mọi việc trắng đen rõ ràng... Quan điểm chỉ đạo là phải làm rõ, làm đến nơi đến chốn và làm đúng pháp luật”.

MỚI - NÓNG