Đề án 112, tốn kém nhưng “vẫn đâu hoàn đấy”!

Đề án 112, tốn kém nhưng “vẫn đâu hoàn đấy”!
TP - Sau khi khởi đăng loạt bài “Đề án 112 lãng phí, thất thoát”, tòa soạn nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả xung quanh vấn đề này.

Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu ...

Với nhan đề : Đề án 112 – sự áp đặt phí phạm, Bạn đọc Lê Quốc Thái (e-mail cavoixanh1981@yahoo.com) bức xúc cho biết : “Không hiểu nổi người ta đưa ra đề án như thế nào mà chẳng phân loại ra đối tượng học.

Với tốc độ dạy 8 mô-đun chỉ trong một tháng, thì người chưa biết chỉ có nước … ngồi ngó và nhờ người kế bên làm bài giùm. Còn những người đã biết thì ngủ hoặc lướt web vì toàn bộ kiến thức chỉ là căn bản.

Lúc này lại được nghe chuẩn bị học đề án 112 đợt 2. Không biết khi người ta tổng kết đợt 1 đã thu được những gì? Phải chăng đó là những tín chỉ hoàn thành khóa học. Còn thực tế thì sao?

Tôi đã hỏi thử những người chưa biết về tin học sau khi hoàn thành khóa học như thế nào thì chỉ nhận được những cái lắc đầu và câu trả lời “Vẫn đâu hoàn đấy !”.

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại các lớp học do các cơ quan Nhà nước tổ chức, xem đây có phải là hình thức rút tiền Nhà nước một cách hợp pháp hay không vì tiền học phí quá cao, chất lượng không có, gây lãng phí thời gian của cán bộ, công chức”.

Bạn đọc Võ Quốc Hội (email: vqhoi@quangngai.gov.vn) ở Quảng Ngãi thì nhận định: Quyết định 112/2001/TTg về tin học hóa quản lý hành chính là một quyết định dũng cảm (vì nó đặt ra nhiều mục tiêu quá cao trước thực trạng của nền hành chính Nhà nước), liên quan đến hầu hết các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước.

Để thực hiện được các mục tiêu, kinh nghiệm các nước thường là Thủ tướng hoặc Tổng thống trực tiếp chỉ đạo, trong khi chúng ta lại giao cho một Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trực tiếp chỉ đạo là một điều bất cập đầu tiên.

Việc ứng dụng CNTT vào lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước trong điều kiện hiện nay của chúng ta là rất khó. Để thực hiện được các mục tiêu như kì vọng của đề án 112, chắc chắn chúng ta sẽ còn phải trả học phí nhiều nữa.

Một bạn đọc ký tên Đại Việt gửi e-mail (địa chỉ xuonggiang@yahoo.com) về Tòa soạn cho biết : ở địa phương tôi, khi kiểm tra kiến thức (dùng bài của Ban điều hành 112 Chính phủ) cho cán bộ công chức đã có trình độ B Tin học thì tỉ lệ vượt qua bài kiểm tra rất thấp, khoảng 10–15%.

Kết quả này cho thấy tuy đã có trình độ B song kiến thức của cán bộ công chức có vấn đề (chẳng hạn đã học từ lâu, không đúng chương trình, trước học Window98, bây giờ kiểm tra Window2000 hoặc không loại trừ khả năng mua chứng chỉ giả…).

Bạn đọc Codua (email codua@yahoo.com) nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác. Đó là trình độ của đội ngũ cán bộ công chức. Trong thư gửi cho Tiền Phong, Codua bộc bạch: Chúng tôi thật buồn khi đọc bài về đề án 112. Hiện nay, trình độ tin học thấp nhất khi học xong THPT là đạt chứng chỉ A.

Theo tôi, với trình độ đạt chứng chỉ A, mỗi người phải tự học thêm vào buổi tối với thời gian tối đa 2 tháng mới mong đáp ứng được yêu cầu.

Đối với lương cơ bản 650 –700 nghìn đồng/tháng và tăng lượng định kỳ, chúng ta có thể tuyển dụng được người có một ít chuyên môn và trình độ A tin học. Nói như vậy để thấy lượng cán bộ hành chính sự nghiệp hiện nay là cao so với sự đóng góp.

Ngược lại, với mức lương như vậy thì khó mà tuyển được người tốt nghiệp đại học vào loại kém nhất, trừ trường hợp người đó giàu tâm huyết, có điều kiện kinh tế hoặc đã nhìn thấy … cơ hội tham nhũng. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.