Đề án “chiêu hiền đãi sĩ” của TPHCM: Còn lắm băn khoăn

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ân cần thăm hỏi các trí thức Kiều bào về nước đón Tết Mậu Tuất 2018.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong ân cần thăm hỏi các trí thức Kiều bào về nước đón Tết Mậu Tuất 2018.
TP - Hàng loạt ưu đãi được dành cho các cá nhân theo Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học trẻ và lao động sáng tạo trẻ được TP HCM đưa ra nhằm chiêu hiền đãi sĩ. Tuy nhiên vẫn còn những băn khoăn…

UBND TPHCM vừa hoàn thành và lấy ý kiến rộng rãi Đề án thu hút chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ về công tác ở các sở, ban, ngành, các khu công nghệ cao của TPHCM giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2025 nhằm đáp ứng Nghị quyết 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

 Lo dưới thảm có… đinh      

Ngày 5/3, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Đề án nói trên. Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật lưu ý: Lâu nay chúng ta hay nói trải thảm đỏ mời người tài, nhưng thực tế nhiều lúc, nhiều nơi bên dưới thảm đỏ lại cắm đầy đinh và các thủ tục hành chính của ta cũng là những cây đinh đáng sợ.

“Chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đọc đề án này xong người ta cũng ngại. Trong khi mình nói thu hút nhân tài mà bắt họ “phải” nhiều thứ quá rồi mới được tuyển chọn. Trước đây chúng tôi từng tổ chức một hội thảo về thu hút chuyên gia, nhà khoa học thì thấy phần đông các chuyên gia chọn về doanh nghiệp, kế đến là trường học, không ai vào cơ quan nhà nước”, ông Giao cho biết.

Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, muốn thu hút người tài phải có sự trao đổi, thương lượng giữa cái thành phố cần và cái người ta có.

GS.TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho biết, TPHCM từng mời một nhà khoa học về công nghệ tính toán đến làm việc và buộc làm một bộ hồ sơ lý lịch như một công chức. “Họ rất dị ứng nhưng vẫn làm. Những người như vậy cần thoáng hơn”, ông Phùng nói.

Nhận xét về quy trình xét chọn bao gồm hai vòng, GS.TS Phan Thị Tươi, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM cho biết: “Nếu là tôi, tôi cũng không làm”.

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra bằng cấp chỉ là điều kiện cần, nhân tài phải được nuôi dưỡng chăm bẵm rất lâu chứ không phải đợi đến khi có học hàm, học vị. Quy định hợp đồng lao động có thời hạn không quá 18 tháng là bất hợp lý vì không ai bỏ việc làm đang ổn định về làm việc trong thời gian ngắn rồi sau đó chấp nhận… thất nghiệp. Ngoài ra, ngân sách còn có nguy cơ thất thoát, lãng phí vì không loại trừ trường hợp một số ứng viên không muốn làm việc, ứng tuyển để hưởng khoản tiền hỗ trợ ban đầu và chính sách về nhà ở.

Theo GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn, hợp đồng lao động cấp tốc chỉ phù hợp với những người nghỉ hưu, không hợp lý đối với công tác nghiên cứu khoa học vì công trình nghiên cứu khoa học khó hoàn thành trong thời gian 1,5 năm, trừ những công trình sao chép, mỳ ăn liền…

Một số chuyên gia cũng chỉ ra chênh lệch quá lớn về thu nhập có nguy cơ gây mất đoàn kết trong đơn vị. Theo TS Trương Minh Huy Vũ (ĐH Quốc gia TPHCM), hai người cùng có học vị như nhau, một người được đào tạo theo chương trình 300, 500 thạc sĩ tiến sĩ của TPHCM, chỉ hưởng mức lương 5 triệu đồng/tháng, trong khi người còn lại được tuyển theo đề án này lương có thể lên tới 150 triệu đồng/tháng.

Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM Võ Thị Kim Hồng lưu ý: Người mới về dù giỏi đến mấy mà nếu ekip, mọi người xung quanh không hợp tác sẽ rất khó làm việc.         

 Trải thảm đỏ

Đối tượng thuộc đề án gồm các cá nhân đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, tham mưu hoạch định chính sách, xây dựng và tư vấn pháp luật tại các cơ quan tổ chức trong và ngoài nước (trừ công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập) hội đủ tiêu chuẩn theo Nghị định 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Những người ứng tuyển phải có học vị tiến sĩ (TS), học hàm giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS); trường hợp chưa có học vị tiến sĩ phải đạt trình độ thạc sĩ loại xuất sắc do các cơ sở giáo dục đại học (ĐH), sau ĐH trong nước đạt tiêu chuẩn kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp bằng, hoặc tốt nghiệp loại giỏi trở lên tại các cơ sở đào tạo nước ngoài được công nhận tương đương về văn bằng, chứng chỉ theo quy định của pháp luật.

Các ứng viên phải có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 5 năm ở cùng ngành, lĩnh vực đăng ký dự tuyển. Đổi lại, nếu được tuyển dụng, các chuyên gia, nhà khoa học và lao động sáng tạo trẻ sẽ được hỗ trợ ngay từ 80 đến 100 triệu đồng cùng với mức lương hàng tháng được nhận tính theo hệ số của bảng lương chuyên gia cao cấp.

Ngoài ra, các chuyên gia còn được hỗ trợ về nhà ở, được hưởng các khoản trợ cấp, phụ cấp, phần thu nhập tăng thêm từ các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, các khoản tiền thưởng, tài trợ khác và được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân. Riêng các nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài còn được hỗ trợ toàn bộ kinh phí cấp thị thực cư trú, mang ngoại tệ vào Việt Nam, chuyển đổi tiền lương, thu nhập từ đề án ra ngoại tệ…

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, đề án sẽ tạo một chính sách đột phá về thu hút và trọng dụng nhân tài nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, tạo bước đột phá trong công tác rà soát, sắp xếp tinh gọn bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Các chuyên gia sẽ tham mưu, tư vấn cho lãnh đạo TPHCM giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra.

“Hai nhà khoa học cùng làm trong một cơ quan nhưng được trả lương khác nhau. Không nên phân biệt nhà khoa học trong nước và Việt kiều. Phải đối xử như nhau. Người làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Nếu có hỗ trợ thì nên hỗ trợ về ăn ở, đi lại”.

GS.TS Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật TPHCM

MỚI - NÓNG