Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM lại cất vào... ngăn kéo

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM lại cất vào... ngăn kéo
TPO - Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM tuyên bố đề án thu phí ô tô vào trung tâm mới chỉ là đề xuất của sở và đến nay chưa được UBND TPHCM cho phép nghiên cứu.

Sáng 9/8, Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) đã tổ chức buổi cà phê sáng thường kỳ với báo chí. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Dương Anh Đức và Giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM Từ Lương tham dự.

Trao đổi với báo chí về tình hình giao thông, ông Trần Quang Lâm, giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết một số công trình giao thông trọng điểm đang triển khai gây khó khăn cho việc đi lại của người dân như ở khu Nam Sài Gòn với dự án nâng cấp, mở rộng cầu Kênh Tẻ; khu vực sân bay Tân Sơn Nhất; khu vực cảng Cát Lái…

Trong tháng 7, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn có một số điểm sáng, giảm mạnh cả 3 mặt (số vụ, số người chết và số người bị thương). Điểm đen về TNGT giảm từ 21 điểm còn 11 điểm.

Nói về hai đề án đang gây tranh cãi, ông Trần Quang Lâm cho hay đề án thu phí ô tô vào trung tâm đã có chủ trương từ năm 2009. Thủ tướng Chính phủ cho phép nghiên cứu theo hình thức hợp tác công tư (PPP).

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM lại cất vào... ngăn kéo ảnh 1 Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT (đứng) cùng giám đốc Sở TT&TT Dương Anh Đức (giữa) và giám đốc Trung tâm báo chí TPHCM Từ Lương (trái)  tại buổi cà phê sáng

Việc nghiên cứu có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ 2009 – 2012, sau đó tạm ngưng do vướng vấn đề pháp lý và kỹ thuật. Đến 2017, TPHCM giao cho một đơn vị (công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong) nghiên cứu lại với hình thức hợp tác công tư (PPP), sau đó trình nhưng trong thời hạn 3 tháng không được phê duyệt nên thôi.

“Sau đó chúng tôi rà soát lại. Đây là một chủ trương rất lớn của chương trình đột phá giảm tai nạn và giảm ùn tắc giao thông và cũng là chủ trương của chính phủ cách đây 10 năm. Vì vậy, chúng tôi báo cáo thành phố cho phép nghiên cứu lại nhưng thay vì hình thức PPP thì giao cho một đơn vị nhà nước nghiên cứu. Vấn đề chỉ dừng ở đó”, ông Lâm cho hay.

Giám đốc Sở GTVT cho biết UBND TPHCM cũng chưa xem xét, chưa có ý kiến chỉ đạo cho phép nghiên cứu hay không. "Sở GTVT đang xin chủ trương để nghiên cứu, nếu được nghiên cứu thì cũng phải qua rất nhiều khâu. Có chủ trương rồi mới thông qua HĐND TPHCM, bố trí vốn, thuê tư vấn…", ông Lâm cho biết.

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM lại cất vào... ngăn kéo ảnh 2 Phạm vi thu phí theo đề xuất. Sở GTVT tuyên bố dừng triển khai đề án

“Xin khẳng định một lần nữa là hiện nay chúng tôi chưa được nghiên cứu. Hôm nay, chúng tôi xin khẳng định vấn đề này xin được khép lại ở đây và không bàn nữa”, ông Lâm nói.

Đề cập đến đề án dành làn đường ưu tiên cho xe buýt, ông Trần Quang Lâm cho biết đề án có trong chương trình đột phá giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông (TNGT) của thành phố từ đầu nhiệm kỳ.

Thành phố đã giao trung tâm vận tải hành khách công cộng (trung tâm) nghiên cứu và có trong tổng thể đề án tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

“Chúng tôi đã nghe trung tâm báo cáo đầu kỳ nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa rõ, ví dụ như tác động giao thông ở mức độ nào. Người dân ra vào hai bên đường thì xung đột giao thông sẽ giải quyết ra sao hay như ưu tiên cho loại phương tiện nào, thời điểm nào là tối ưu nhất để làm sao khi thí điểm đảm bảo thành công. Do mới báo cáo đầu kỳ nên Sở GTVT cũng chưa có ý kiến gì về việc có khả thi hay không và Sở GTVT chưa trình UBND TPHCM”, ông Lâm giải bày.

Đề án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM lại cất vào... ngăn kéo ảnh 3 Ô tô ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt hơn 10% mỗi năm

Gíam đốc Sở GTVT cho hay diện tích đất dành cho giao thông ở TPHCM hiện nay đạt chưa đến 9%. Mật độ đường giao thông là 2,2 km/km2, đạt chưa đến 50% so với yêu cầu mong muốn.

Ông Trần Quang Lâm đặt vấn đề: Trong áp lực về tăng quá nhanh dân số và phương tiện, chẳng hạn ô tô tăng trên 10%, xe máy tăng hơn 6%/năm, dân số mỗi năm tăng thêm 200.000 người thì các giải pháp đưa ra liệu có giảm ùn tắc? chúng tôi không trả lời được nhưng có một điều chắc chắn nếu không làm gì thì ùn tắc giao thông sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Theo ông Lâm, TPHCM đang nghiên cứu từ các bài học kinh nghiệm của các nước để có những bài toán tổng thể về phát triển hạ tầng về ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai các loại hình giao thông công cộng công suất lớn như tàu điện ngầm (metro), khép kín hệ thống đường vành đai, tổ chức lại không gian đô thị. Đây là bài toán rất lớn, gắn với liên kết vùng…

Người đứng đầu ngành giao thông ở TPHCM cho hay một số nước phát triển, các thành phố lớn như New York (Mỹ), Moscow (Nga)… vẫn bị kẹt xe. 163 thành phố của 52 nước đang đối diện với tình trạng ùn tắc.

Riêng khu vực Đông Nam Á trong 20 nước có Jakarta (Indonesia), BangKok (Thái Lan) là kẹt xe trầm trọng nhất. TPHCM chưa kẹt trầm trọng đến mức ấy nhưng đó là những bài học kinh nghiệm quý để chúng ta làm. Indonesia đang tính đến chuyện dời thủ đô.

“TPHCM đã trở thành siêu đô thị. Nếu tính cả khách du lịch, người vãng lai thì đã lên tới hơn 13 triệu người. Tần suất đi lại của người dân rất cao. Vì vậy, giao thông tại một số thời điểm còn rất khó khăn”, ông Lâm nói.

MỚI - NÓNG