Đê bao đắp tùy tiện làm hại dân

Đê bao đắp tùy tiện làm hại dân
TP - Dân ở các ấp 6, 8, 12 của xã Ba Trinh (Kế Sách, Sóc Trăng) đang khốn đốn vì chính quyền địa phương đắp đê bao không đúng chỗ.

Ông Lâm Văn Bảy (75 tuổi) ở ấp 8 kể: Trước đây, đê bao và con đập kênh Sáu Thuận nằm sát sông lớn nên bảo vệ được nhà cửa, ruộng vườn của dân. Chính quyền cho dời đê và đập vào cách bờ sông khoảng 400 mét nên nước lớn là tràn vào làm hư hại hết hoa màu.

Ông Bảy có 3 công vườn gồm bưởi, cam, mận không còn thu hoạch được gì, 13 công ruộng thì không chủ động được nguồn nước. Nhà của ông cao hơn mặt đất khoảng nửa mét nhưng hễ nước lên là ngập nhà.

Hàng trăm hộ khác cùng chung cảnh ngộ. Đến nay, quá thời vụ đã hơn 1,5 tháng nhưng các ấp 6, 8, 12 của xã Ba Trinh còn khoảng 1.500 công ruộng chưa xuống lúa giống và khoảng 500 công vườn luôn bị ngập nước. 

Gần đây, chính quyền địa phương cho đắp lại tuyến đê dọc bờ sông, tiền bà con đã đóng góp nhưng làm dang dở. Trong lúc, một số bà con phải giải tỏa di dời để đắp đê không được bố trí chỗ ở mới, đang sống cảnh màn trời chiếu đất.

Tiêu biểu là hộ anh Nguyễn Văn Khoải ở ấp 8, nhà cũ bị giải tỏa, nay phải tá túc dưới một bụi tre. Nhà cho 4 người chỉ làm một tấm bạt căng dưới gốc tre, kê một chiếc giường, trời mưa to là không ngủ được. 

Ông Trần Hoàng Thu, Chủ tịch UBND xã Ba Trinh giải thích: “Hồi trước nếu xây đập, đắp đê gần sông thì phải phá một cây cầu, tiếc quá nên chúng tôi cho dời vào trong. Nay phải dời ra”. Hỏi bao giờ có thể xong đê và đập thì ông Thu không khẳng định được.  

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.