Đê biển xây chậm, tiền vốn bị sử dụng sai mục đích

Đê biển xây chậm, tiền vốn bị sử dụng sai mục đích
TP - Mùa bão đã cận kề. Cơn bão số 1 đã có những ảnh hưởng bước đầu đến nước ta. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương trong cả nước, công tác phòng chống bão vẫn bị lơ là, chậm chạp.

Sáng qua (15/5), Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương (BCĐ PCLB TW) đã khẩn cấp khai trương trực ban PCLB năm 2006. Theo đó, từ nay đến hết năm, BCĐ sẽ cử người trực 24/24h, theo dõi và chỉ đạo công tác PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN)  trên toàn quốc.

“Bài học sâu sắc rút ra trong quá trình PCLB và TKCN năm 2005 chính là dự báo kịp thời, chính xác; huy động tối đa sức dân; sơ tán người và tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Chúng ta sẽ áp dụng các bài học này đối phó ngay từ cơn bão số 1” -  Ông Lê Huy Ngọ - Trưởng ban PCLB TW khẳng định.

Trong cơn bão lịch sử số 7 năm ngoái, chỉ sau 36 tiếng đồng hồ, các lực lượng đã di chuyển 38 vạn dân vào vùng an toàn, cùng với khối lượng tài sản khổng lồ được mang theo.

Sự phối hợp giữa nhân dân địa phương, quân đội, công an và lực lượng thanh niên tình nguyện đã cho thấy sức mạnh trong quá trình PCLB và TKCN.

Cùng đó, từ đầu năm, chúng ta đã triển khai nhiều dự án, hoạt động tu bổ đê điều, gia cố kênh mương, trồng cây chắn sóng, dự báo lũ quét và các hiện tượng thời tiết khác…

Thế nhưng, nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện đúng tiến độ.

Ví dụ, dự án xây dựng tuyến đê biển từ Quảng Ninh đến Quảng Nam (Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt) tính đến 15/5/2006, các tỉnh này mới đắp được 1,1 triệu m3 đất (đạt 75% kế hoạch); gia cố và cải tạo mặt đê được 26.000 m3 đất đá (đạt 42%); khoan phụt vữa và gia cố đê đạt 36,55%. Hiện chỉ có 10/18 tỉnh, thành thực hiện duy tu, bảo dưỡng đê điều.

Đa số công trình đê biển đang triển khai đều chậm tiến độ. Ông Đặng Quang Tính - Cục trưởng Quản lý đê điều và PCLB (Bộ NN&PTNT) nói: “Sau khi nhận tiền của Chính phủ cấp xây dựng đê biển, nhiều địa phương đã không tuân thủ nguyên tắc sử dụng vốn.

Tỉnh Quảng Ninh định lấy một phần vốn của dự án này sử dụng cho công trình nông nghiệp khác. Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh phân cấp ban quản lý vốn này xuống tận cơ sở, biến chủ đầu tư từ Sở NN&PTNT thành huyện, xã… Cục vừa có văn bản đề nghị các tỉnh thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng trong việc sử dụng vốn xây dựng đê biển”.

Không những thế, nhiều địa phương còn ít quan tâm đến việc trồng rừng chắn sóng và tu bổ đê sông. Tại Nam Định, nhiều xã ven biển không có rừng chắn sóng.

Tại các tỉnh, thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Quảng Nam…, nhiều xã ven biển không có rừng chắn sóng; nhiều rừng chắn sóng bị phá hủy. “Nếu các địa phương không nghiêm túc chỉ đạo trồng và bảo vệ rừng chắn sóng thì người dân sẽ chịu hậu quả khôn lường” - Ông Lê Huy Ngọ nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.