Rừng Tây Nguyên bị phá như thế nào?

Dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng

Xưởng gỗ của Phượng "râu" có nhiều gỗ quý.
Xưởng gỗ của Phượng "râu" có nhiều gỗ quý.
TP - Xe chở gỗ cho ông trùm gỗ lậu Phan Hữu Phượng (tức Phượng “râu”, SN 1968, trú tại thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút, Đắk Nông) từ biên giới đi về xưởng gỗ của đối tượng này tại thị trấn Ea T’ling phải qua nhiều chốt chặn của biên phòng, kiểm lâm và cả công an. Vì sao xe chở gỗ của Phượng “râu" “dễ dàng” đi qua các chốt chặn đó trong nhiều năm mà không hề bị ngăn chặn?

Ngày 2/5, PV Tiền Phong đã đi dọc theo cung đường chở gỗ lậu của Phượng “râu”. Theo cung đường này, sau khi Phượng khai thác gỗ ở khu vực sát biên giới, xe chở gỗ cho đối tượng này khi ra khỏi rừng sẽ “chạm trán” đầu tiên với Đồn biên phòng 747 (đồn Biên phòng Bo Heng, ở xã Krông Na, Buôn Đôn, Đắk Lắk). Xe gỗ tiếp tục theo quốc lộ 14C đi ngang các đồn biên phòng 749 (huyện Buôn Đôn) và 751 (Đồn biên phòng Nậm Na, huyện Cư Jút, Đắk Nông).

Qua đồn biên phòng Nậm Na, xe gỗ rẽ trái vào con đường đất xuyên qua rừng quốc gia Yok Đôn. Trên quãng đường này có đến 3-4 chốt kiểm lâm của Vườn Quốc gia (VQG) Yok Đôn kiểm soát. Ra khỏi lâm phần VQG Yok Đôn, các xe phải đi thêm một quãng đường rừng rất dài qua địa phận Công ty Lâm nghiệp Đắk Wil (xã Đắk Wil, huyện Cư Jút) và phải vượt qua Đồn Công an Ea Pô (thuộc Công an huyện Cư Jút), sau đó rẽ phải để đi về hướng xã Nam Dong, thị trấn Ea T’ling, huyện Cư Jút.

 “Đùn đẩy” trách nhiệm!

Theo nguồn tin của Tiền Phong, một phần gỗ Phượng “râu” được khai thác từ VQG Yok Đôn, sau đó được đưa qua nước bạn để “hợp thức hóa” thủ tục, giấy tờ và đưa trở lại nước ta để vận chuyển dễ dàng. Nhưng lãnh đạo Đồn Biên phòng 747 và VQG Yok Đôn đều phủ nhận thông tin trên và cho biết gỗ của Phượng “râu” chủ yếu được vớt lên từ suối Đắk Đam (nơi giáp biên giới nước ta và nước bạn - PV), hoặc được khai thác từ nước bạn.

Lãnh đạo Đồn biên phòng 747 cho biết, gỗ của Phượng “râu” trục vớt là gỗ tròn bị cháy sém, đã mục và đang tập kết dọc Quốc lộ 14C với tổng khối lượng khoảng 300m3. Nhưng vào ngày 27/4, khi 2 xe gỗ lậu của Phượng “râu” bị Bộ Công an bắt giữ tại thị trấn Ea T’ling (huyện Cư Jút, Đắk Nông) thì đó là gỗ tròn, còn tươi với khối lượng khoảng 40m3. Trong khi đó, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn khẳng định: Từ ngày 10 - 27/4, đơn vị “không xác nhận bất cứ hồ sơ lâm sản nào cho công ty ông Phượng để vận chuyển lâm sản”.

Dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng ảnh 1 Đồn biên phòng 747.

Trao đổi với PV, ông Phạm Tuấn Linh - quyền Giám đốc VQG Yok Đôn, thừa nhận: Nếu các xe gỗ từ rừng ra ngoài được thì phải qua các trạm của đơn vị này. Nhưng ông Linh cho biết từ trước đến nay các đơn vị chưa phát hiện xe gỗ của Phượng “râu” nhưng lại nói rằng “có biết cũng không tự xử lý được”. Theo ông Linh, hiện nay các trạm kiểm lâm của đơn vị ông đóng gần các Đồn Biên phòng 747, 749 và 751, nhưng chức năng là bảo vệ rừng thuộc lâm phận của vườn. Còn việc kiểm soát trên các tuyến đường không phải là trách nhiệm và chức năng của đơn vị này.

“Nếu gỗ của vườn bị chặt phá, bị chở đi ở vị trí nào thì trạm quản lý nơi đó phải chịu trách nhiệm. Đến nay, qua kiểm tra chưa phát hiện gỗ trong lâm phần của vườn bị chặt phá, đốn hạ. Việc xe gỗ của ông Phượng chở gỗ ra trung tâm huyện Cư Jút các trạm không phát hiện được. Nếu có phát hiện thì đơn vị cũng chỉ phối hợp, chứ không tự ý chặn xe được. Chúng tôi là kiểm lâm của rừng đặc dụng, không phải là kiểm lâm các hạt kiểm lâm cấp huyện nên không được phép chặn xe gỗ kiểm tra trên đường”, ông Linh trần tình.

Trong khi đó, thiếu tá Nguyễn Hồng Quang - Đồn trưởng Đồn công an Ea Pô, cho biết: Thời gian qua, đơn vị này không phát hiện xe chở gỗ lậu nào đi từ khu vực biên giới về trung tâm huyện Cư Jút. Chức năng nhiệm vụ của đồn là đảm bảo an ninh trật tự, chống trộm cắp ở vùng biên giới, còn việc ngăn chặn xe chở gỗ lậu cũng không phải là việc chính? “Khu vực này có nhiều xe tải ra vào nhưng phần lớn là người ta có giấy phép khai thác lâm sản phụ như tre, nứa. Vì vậy, phải có thông tin chính xác các xe chở lâm sản có vi phạm chúng tôi mới tổ chức chặn kiểm tra để xử lý. Trước đây đồn có chặn một xe của ông Phượng nhưng ông này có giấy tờ mua bán gỗ trục vớt nên đồn cho đi. Còn thực tế xe có đi vào ban đêm, rạng sáng hay không chúng tôi cũng không kiểm soát hết được vì chức năng này thuộc các chốt kiểm lâm”, ông Quang cho hay.

Phối hợp làm rõ vụ việc

Ông Đỗ Quang Tùng, quyền Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN-PTNT) cho biết, đơn vị đã cử lãnh đạo vào để chỉ đạo VQG Yok Đôn, Kiểm lâm vùng 4 và kiểm lâm địa phương rà soát, xem có phá rừng tại VQG Yok Đôn hay không; đồng thời đôn đốc các đơn vị liên quan, phối hợp với cơ quan điều tra để xác minh làm rõ vụ việc.

Theo ông Tùng, Cục Kiểm lâm đã yêu cầu kiểm lâm các địa phương báo cáo về vụ việc. Ngoài ra, Cục Kiểm lâm trực tiếp tham gia kiểm đếm số lượng gỗ tại xưởng của Phượng “râu” tại huyện Cư Jút. Ông Tùng quả quyết: “Với tính chất vụ việc, đối tượng hoạt động như vậy mà kiểm lâm không biết thì cũng phải xem xét trách nhiệm trong quản lý địa bàn. Quan điểm của Cục Kiểm lâm, nếu có sai phạm sẽ xử lý nghiêm, không bao che; nếu sai phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị cơ quan điều tra, điều tra xử lý theo quy định của pháp luật”.

Về việc bãi gỗ và lán trại của Phượng “râu” hiện diện trong khu vực VQG Yok Đôn quản lý, ông Tùng cho biết: “Từ những năm 2013, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho công ty của Phượng “râu” trục vớt gỗ dưới lòng suối Đắk Đam. Lán trại công ty của ông Phượng dựng gần khu vực suối và được cơ quan chức năng đồng ý, cho phép. Đến năm 2015, VQG Yok Đôn không cho công ty Phượng “râu” trục vớt gỗ nữa. Tỉnh Đắk Lắk sau đó làm thủ tục để đấu giá tài sản số gỗ trục vớt này. VQG Yok Đôn đã nhiều lần có văn bản gửi cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đề nghị đôn đốc công ty của ông Phượng phải vận chuyển gỗ ra khỏi khu vực vườn”. Cũng theo ông Tùng, năm vừa rồi, Sở Tài chính Đắk Lắk mới làm xong thủ tục đấu giá gỗ nên phía công ty ông Phượng chưa di chuyển hết gỗ ra nên vẫn còn lán trại để trông coi”.

Đình chỉ 4 sĩ quan biên phòng

Chiều 2/5, đại tá Tống Anh Tuấn - Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Đắk Lắk, xác nhận: lãnh đạo cao nhất hai Đồn biên phòng 747 và 749 đã bị đình chỉ công tác, điều về làm trợ lý tại Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh vì “thiếu trách nhiệm trong công tác, chỉ huy tại đơn vị”. Cụ thể, bốn lãnh đạo bị đình chỉ bao gồm: thượng tá Cao Hữu Tùng (đồn trưởng), trung tá Bùi Khắc Hiệp (chính trị viên Đồn biên phòng 747); đại úy Lê Tiến Vinh (đồn phó quân sự), trung tá Phạm Công Khanh (chính trị viên Đồn biên phòng 749). Các quyết định đình chỉ bốn lãnh đạo của hai đồn 747, 749 do Bộ tư lệnh biên phòng đưa ra vào sáng 2/5. Sáng 3/5, bốn sĩ quan này sẽ phải lên bộ chỉ huy nhận quyết định và bàn giao lại công tác cho cấp phó ở đồn.

Theo ông Tuấn, sau khi Bộ Công an truy quét, triệt xóa lán trại của ông Phan Hữu Phượng (50 tuổi, tức Phượng “râu”) tại tiểu khu 464 Vườn Quốc Gia Yok Đôn, gần đồn 747, Bộ tự lệnh và bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Đắk Lắk vào tận nơi để kiểm tra. Hiện Bộ Tư lệnh Biên phòng và Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh vẫn tiến hành điều tra, xác minh nội bộ về thông tin có tiêu cực dẫn đến xe gỗ của Phượng “râu” ra khỏi rừng một cách dễ dàng. “Sau này, cơ quan điều tra có kết luận thì tùy vào tình hình mức độ sẽ xử lý sau. Trước mắt đơn vị thi hành quyết định đình chỉ công tác đối với những sĩ quan, lãnh đạo hai đồn này để tiếp tục thực hiện việc xác minh nội bộ”, ông Tuấn khẳng định.

Về lán trại của Phượng “râu” đóng gần và câu điện từ Đồn biên phòng 747, ông Tuấn nói là để canh giữ bãi gỗ mà ông này đã mua đấu giá từ UBND tỉnh Đắk Lắk. “Chúng tôi có nghi ngờ các đối tượng lợi dụng bãi gỗ hợp pháp để trộn lẫn gỗ phi pháp. Tuy nhiên đó là nghi vấn, cần chờ kết quả từ cơ quan công an. Nhưng chúng tôi khẳng định gỗ trong Vườn Quốc Gia Yok Đôn gần đồn biên phòng 747 không bị chặt hạ như các thông tin ban đầu”, ông Tuấn cho hay.

MỚI - NÓNG