Đề nghị công nhận hoàn thành Công trình Khí-Điện-Đạm

Đề nghị công nhận hoàn thành Công trình Khí-Điện-Đạm
TP - Chính phủ kiến nghị Quốc hội công nhận hoàn thành công trình quan trọng quốc gia Khí - Điện - Đạm tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào thời điểm này với 9 dự án thành phần.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các chủ đầu tư hoàn thành công tác thanh quyết toán công trình theo quy định, đảm bảo vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

Cho phép tách 2 dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 1.200 MW và chuyển đổi nhà máy điện Thủ Đức sang chạy khí ra khỏi Công trình quan trọng quốc gia và giao Chính phủ chỉ đạo thực hiện theo quy định.

Cho phép dựng 4 dự án (sản xuất Methanol, sản xuất quặng hoàn nguyên, nhà máy điện Wartsila tại Bà Rịa và nhà máy điện Amata tại Thủ Đức) vì không có hiệu quả kinh tế và giao Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp.

Đó là kiến nghị trong báo cáo Tổng kết Công trình quan trọng quốc gia Khí-Điện-Đạm Bà Rịa-Vũng Tàu của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chiều qua (6/3).

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của thường trực Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội cơ bản nhất trí với kiến nghị này của Chính phủ, tuy nhiên đề nghị phải đưa ra Quốc hội cho phép điều chỉnh.

Đồng thời yêu cầu “Các kiến nghị giám sát hằng năm của Quốc hội, cơ quan Quốc hội về công trình quan trọng quốc gia mà Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư được coi là một nội dung trong phần Chính phủ trả lời chất vấn tại kỳ hợp Quốc hội”.

Thêm nữa, Ủy ban KH-CN&MT đề nghị Chính phủ giải trình sâu hơn những vấn đề như: khả năng và thời gian hoàn vốn của các công trình đã hoàn thành.

Trữ lượng khí và khả năng cung cấp khí để đảm bảo tính ổn định và hiệu quả các công trình đến hết đời dự án; Nguyên nhân làm tăng, giảm mức đầu tư của các dự án thành phần so với Nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là sự thay đổi tổng mức đầu tư của dự án công trình khí trên bờ; Nguyên nhân phát sinh và biện pháp giải quyết các tiêu cực xảy ra trong quá trình triển khai dự án…”.

Công trình Khí-Điện-Đạm Bà Rịa - Vũng Tàu là dự án lớn với 15 dự án thành phần, tổng vốn đầu tư dự kiến 6 tỷ USD, thời gian thực hiện dự kiến kéo dài 8 năm, phạm vi trải rộng từ các mỏ dầu, khí ngoài biển tới Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, TPHCM.

Được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ hai thông qua chủ trương đầu tư bằng Nghị quyết 06/1997/QH10 ngày 5/12/1997. Đến nay đã hoàn thành 9 dự án.

Về yêu cầu phải có Tổng quyết toán công trình, Bộ trưởng Hoàng Trung Hải và đại diện Bộ Tài chính cho rằng, không khả thi vì trong 9 dự án đã hoàn thành có 2 dự án BOT mà chủ đầu tư là người nước ngoài nên chỉ có các quyết toán đối với dự án sử dụng ngân sách do Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư mà thôi.

Tuy nhiên các thành viên UBTVQH tỏ ý chưa đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho rằng: “Công trình quan trọng quốc gia hoàn thành mà không có tổng quyết toán thì không đúng với Nghị quyết của Quốc hội. Còn kiểm toán là yêu cầu bắt buộc rồi. Công trình chi hết bao nhiêu, con cháu sau này trả nợ ra sao? Không biết thì không thể được”.

Bà Thu cũng nêu rằng Quốc hội cũng có một phần khuyết điểm, vì rằng ra Nghị quyết về công trình này tháng 12/1997 mà giao ngay cho Chính phủ phải hoàn thành công trình trên bờ vào năm 1998 là quá nóng vội.

“Nay, năm 2007, Chính phủ xin dừng không thực hiện 4 dự án trong khi Nghị quyết yêu cầu hoàn thành năm 2004 có phải chậm lắm không, trong khi Quốc hội vẫn giám sát công trình hàng năm?”-Bà Thu nói.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh cũng cho rằng “không thể không có quyết toán công trình”. Theo ông Thanh, cần có báo cáo quyết toán để có trách nhiệm đến cùng với công trình quan trọng quốc gia.

Kết luận về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đề nghị: “Báo cáo của Chính phủ có thể hoàn thiện thêm, nêu bật lên được chỗ nào, chưa được chỗ nào? Nếu có thể thì nêu được trách nhiệm thật là sâu sắc để rút kinh nghiệm một cách thiết thực”.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.