Đề nghị làm rõ tiêu cực trong đấu thầu áo phao

Việc mua áo phao cứu sinh của Tổng cục DTNN chỉ đạt gần 46%
Việc mua áo phao cứu sinh của Tổng cục DTNN chỉ đạt gần 46%
TP - Tổng Cục Dự trữ Nhà nước và một số đơn vị trực thuộc thực hiện chưa nghiêm túc việc sử dụng kinh phí thông qua đấu thầu để mua bán hàng dự trữ quốc gia. Đáng chú ý, các mặt hàng áo phao, nhà bạt có giá trị và khối lượng lớn được mua sắm hàng năm nhưng còn để xảy ra nhiều khuyết điểm, sai phạm trong quá trình đầu thầu.
Việc mua áo phao cứu sinh của Tổng cục DTNN chỉ đạt gần 46%
Việc mua áo phao cứu sinh của Tổng cục DTNN chỉ đạt gần 46%.

Đó là đánh giá của Thanh tra Chính phủ (TTCP) sau khi kết thúc quá trình thanh tra tại Tổng Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN). TTCP xác định, năm 2005-2009, Tổng Cục DTNN không hoàn thành kế hoạch của Chính phủ về mua vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn, cụ thể: phao tròn cứu sinh đạt hơn 75%; áo phao cứu sinh đạt hơn 45,7%; phao bè cứu sinh là 60%; nhà bạt cứu sinh hơn 72%; xuồng cứu hộ 58,5%; thiết bị phòng cháy, chữa cháy hơn 33%.

Trong các năm 2001-2005, Tổng Cục DTNN tổ chức đấu thầu mua nhà bạt, áo phao cứu sinh và Cty Cổ phần Thanh Sơn trúng thầu tất cả các gói thầu trên với tổng trị giá trên 455 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thanh tra, cơ quan chức năng phát hiện Hội đồng đấu thầu và Tổng cục DTNN đã có những vi phạm trong việc xét điều kiện tham gia dự thầu của các nhà thầu khi không xem xét giấy chứng nhận cơ sở chế tạo phao cứu sinh của 2 nhà thầu; bỏ qua vi phạm điều kiện tiên quyết trong hồ sơ của Cty Thanh Sơn; khi chấm điểm, 18 thành viên Hội đồng Đấu thầu chưa căn cứ tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, một số thành viên còn cộng sai số nên Cty Thanh Sơn đã trúng thầu với số điểm rất cao.

TTCP cũng cho rằng, có dấu hiệu thông thầu giữa Cty Thanh Sơn và 2 nhà thầu khác thường xuyên tham gia đấu thầu là Hợp tác xã Công nghiệp Liên Hiệp (đã ngừng hoạt động từ tháng 6-2004, nhưng vẫn tham gia bỏ thầu vào tháng 12-2004) và Cty TNHH Lan Bình.

Bên cạnh những bộ hồ sơ dự thầu giống nhau y chang về hình thức, cơ quan chức năng cũng xác định, ông Trần Văn Tân, Giám đốc Cty Thanh Sơn và bà Phạm Thị Lan, Chủ nhiệm Hợp tác xã Công nghiệp Liên Hiệp là anh em cùng mẹ khác cha và chồng bà Lan là Giám đốc Cty Lan Bình.

TTCP quyết định chuyển hồ sơ sang CQĐT để làm rõ dấu hiệu tiêu cực và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 3 nhà thầu Thanh Sơn, Lan Bình và Hợp tác xã Công nghiệp Liên Hiệp; dấu hiệu trốn thuế với số lượng lớn của Cty Thanh Sơn khi liên tục mua nguyên vật liệu bằng những chứng từ hóa đơn không hợp lệ và sử dụng 418 hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn.

Ngoài ra, TTCP còn xác định, trong đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, quản lý và sử dụng đất đai, Tổng cục DTNN còn để xảy ra những tồn tại, khuyết điểm.

TTCP đề nghị Bộ Tài chính chấn chỉnh công tác quản lý kinh phí thông qua đấu thầu mua sắm hàng hóa dự trữ quốc gia, kiểm điểm trách nhiệm với các cá nhân có liên quan, vi phạm và xem xét xử lý số tiền sai phạm trên 57 tỷ đồng và hơn 9.000 m2 đất.

Yêu cầu Tổng cục DTNN có biện pháp xử lý kịp thời các khuyết điểm, sai phạm trong đấu thầu, loại khỏi quyết toán số tiền trên 3,46 tỷ đồng; thu nộp ngân sách hơn 1 tỷ đồng khác.

Lê Dương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG