Đề nghị lập lại trạm cân xe trên toàn quốc

Đề nghị lập lại trạm cân xe trên toàn quốc
TP - Trước tình hình xe chở quá tải, quá  khổ gây hư hỏng nghiêm trọng đến công trình giao thông, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT xin được tái hoạt động các trạm cân xe trên toàn quốc.

Năm 2003, Bộ GTVT quyết định dừng hoạt động các trạm cân xe trên toàn quốc. Tuy nhiên, từ đó đến nay nạn xe quá tải bùng phát, phá hoại hàng loạt tuyến đường.

Ông Chu Mai Hùng, Trưởng Ban thanh tra đường bộ 1 đưa ra ví dụ điển hình: Một xe tải chở 1.400 bao xi măng (70 tấn). Cộng với tự trọng, chiếc xe nặng trên 80 tấn. Trong khi đó tải trọng trục cho phép chỉ là 40 tấn.

Vậy mà chiếc xe vẫn ung dung đi dọc QL 1. Trên QL 5, con đường huyết mạch nối các trung tâm kinh tế với cảng Hải Phòng, xe quá tải chạy nườm nượp ngày đêm.

Ông Lưu Văn Chính, Đội trưởng đội TTGT 2-08 ước tính, mỗi ngày có khoảng 2.000 xe quá tải qua QL5. Trong khi đó trên QL 5 hiện có hai trạm cân được đầu tư cả chục tỷ đồng đang bị bỏ hoang!

Trạm cân Quán Toan (loại cân tĩnh) đã được đầu tư từ năm 2002. Sau 4 năm chúng vẫn chưa một lần sử dụng. Màn hình được phủ bạt, cửa kính của nhà điều khiển đã bị đập vỡ tan.

Trạm cân Hải Dương được đầu tư cả cân tĩnh và động với kinh phí khoảng 10 tỷ đồng nhưng nay cũng được phủ lớp bụi dày.

Nguyên nhân, các trạm cân không hoạt động là do khi hai trạm này hoàn thành cũng là lúc Bộ GTVT có quyết định “ Tạm dừng hoạt động các trạm cân trên toàn quốc để...bảo dưỡng”.

Vậy là trên 20 trạm cân trên toàn quốc ngừng hoạt động từ đó đến nay. Sau 3 năm ngừng hoạt động, hậu quả đã đè nặng lên những công trình giao thông.

Ngày 4/7/2006, Cục ĐBVN đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị sớm cho phép các trạm cân hiện có được hoạt động trở lại. Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị Bộ bổ sung thêm thẩm quyền cho đơn vị làm nhiệm vụ tại trạm cân như: được yêu cầu xe có dấu hiệu quá khổ, quá tải vào trạm cân, với xe bỏ chạy TTGT được quyền yêu cầu lái xe quay trở lại trạm cân để kiểm tra, xử lý...

Nếu như được chấp thuận, ngay trong tháng 8/2006 các trạm cân sẽ hoạt động trở lại. Để việc kiểm tra tải trọng khách quan, các trạm cân sẽ được tổ chức lực lượng liên ngành gồm: công an, quân đội, thanh tra giao thông.

Thêm nữa, để giảm thiểu khó khăn cho chủ phương tiện, Cục ĐBVN cũng sẽ phải đầu tư thêm hệ thống cân động. Loại cân này sẽ giúp phát hiện những xe có dấu hiệu quá tải trước khi vào kiểm tra tại cân tĩnh.

Như vậy việc kiểm tra sẽ không mất nhiều thời gian và kiểm tra đúng đối tượng. Theo nhận định của ông Hùng, việc hoạt động trở lại các trạm cân chắc chắn sẽ giảm tỷ lệ vi phạm quá tải vì đến khi đó cơ quan chức năng có đủ căn cứ pháp lý để xử lý nghiêm những xe vi phạm.

Nên lắp thiết bị kiểm tra tải tại những trạm thu phí

* Ông Phạm Trọng Thịnh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hoá đường bộ Hải Phòng:

Chúng tôi đang đấu tranh theo cách khác để giữ đúng tải, như duy trì các trạm cân ở các đầu bến. Ví dụ như ở cảng Hải Phòng, trước khi xuất khỏi cảng đã phải có kiểm tra về trọng lượng. Chứ nếu lập trạm cân giữa đường thì e rằng không ổn và chắc gì đã làm nghiêm túc.

Theo tôi, có một phương án kiểm tra tải trọng mang tính khoa học kỹ thuật. Đối với nước ta, mỗi loại đường chịu một loại trọng tải nhất định do đó chỉ cần có một chỗ để kiểm tra tải trọng ở trạm thu phí. Nếu quá tải, thiết bị đó sẽ báo động và buộc xe phải hạ tải. Như vậy mới tránh khỏi việc gây phiền hà cho lái xe.

* Ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TPHCM:

Là những DN làm ăn chân chính, chúng tôi cũng rất bức xúc trước thực trạng chở quá tải trọng cho phép của một số đơn vị, tài xế nên hoàn toàn ủng hộ chủ trương khôi phục các trạm cân đo tải trọng xe đường của Cục Đường bộ.

Nếu các trạm cân đo vận hành hoàn toàn tự động, chúng tôi sẵn sàng chấp hành. Điều các DN vận tải lo lắng là việc cân đo sẽ được tiến hành theo phương thức cũ, rất dễ phát sinh tình trạng cán bộ phụ trách nhũng nhiễu, tiêu cực.

MỚI - NÓNG