Đề nghị Quốc hội tiếp tục giám sát

Khu trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi
Khu trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi
TP - Thảo luận ở tổ hôm qua về hiệu quả dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhiều đại biểu QH đề nghị Quốc hội không nhất thiết phải ra nghị quyết kết thúc xây dựng nhà máy và cần tiếp tục giám sát dự án này.

 >> Nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2011: Không lo ế hàng
 >> Chưa đánh giá được chính xác
 >> Hiệu quả kinh tế cao hơn dự kiến

Khu trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi
Khu trung tâm Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc tỉnh Quảng Ngãi . Ảnh: Thanh Long

Theo đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội), thời gian đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất quá dài (hơn dự kiến 9 năm) khiến chi phí tổng đầu tư lớn và làm mất chi phí cơ hội. "Con số tổng đầu tư tăng gấp đôi so với dự toán ban đầu, cần phải được làm rõ nguyên nhân", bà Hương đề nghị.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, một dự án 13 năm mới hòan thành như Dung Quất mà đưa ra thế giới thì chắc sẽ chiếm vị trí kỷ lục.

Bà Hường cho rằng, nguồn đầu tư lớn như vậy, nếu tính vào giá thành sản phẩm sẽ khiến giá thành đội lên và người dân sẽ phải gánh chịu khi 30% sản lượng xăng dầu trong nước có xuất xứ từ nhà máy. Nếu giá xăng dầu nhập khẩu thấp hơn, người tiêu dùng sẽ chọn sản phẩm cùng chất lượng, nhưng giá thành thấp hơn.

Chúng ta chưa có đủ cơ sở để đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án. Việc đánh giá cần ít nhất 1 năm nữa - ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) 

Bà cũng băn khoăn về hiệu quả sau khi dự án được bàn giao trước dự báo các mỏ dầu dễ khai thác của ta đã gần cạn, gây khó khăn về nguồn cho nhà máy sau này.

ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) phân tích: chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế vào thời điểm này vì nhà máy vừa mới đi vào hoạt động. Việc đánh giá cần ít nhất 1 năm nữa". Vào thời điểm này, chỉ nên đánh giá quá trình 13 năm chuẩn bị mặt bằng, đối tác, hồ sơ, công nghệ, xây dựng, bố trí công ăn việc làm, tái định cư…

Cùng chung quan điểm, ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói chưa ai có thể khẳng định dự án hoàn vốn hoặc có lãi trong vài chục năm tới và đó chính là nghịch lý đầu tư. "Chỉ còn khoảng 20 năm, thậm chí 10 năm nữa nguồn dầu khí của ta sẽ cạn kiệt. Sau thời điểm đó, ta phải nhập dầu thô về cho nhà máy hay có phương án nào khác. Chính phủ cần làm rõ hiệu quả dự án trên các mặt kinh tế, xã hội. Với báo cáo của Chính phủ, hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu trong khi lợi ích xã hội cũng chưa rõ" - Ông Đào phát biểu.

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị, giao Kiểm toán Nhà nước kiểm toán dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất để xem hiệu quả đầu tư đến đâu, báo cáo Quốc hội.

Một vấn đề đáng chú ý được ĐB Trần Việt Hưng (Hòa Bình) nêu ra: "13 năm mà chưa hoàn thành tái định cư. Trong báo cáo nói là 675 người làm việc cho nhà máy, tôi nghi ngờ con số này vì nhà máy công nghệ cao phải có công nhân tay nghề mới làm được.

Trong khi đó người nông dân chưa có điều kiện học làm sao có thể tham gia quy trình vận hành nhà máy lọc dầu". Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam Phạm Minh Toản giải thích số lao động trên là con em của bà con địa phương đã có tay nghề chứ không phải bà con vào làm trong nhà máy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn báo cáo của Ủy ban KH-CN-MT đánh giá về chủ trương đầu tư cho rằng, công trình đem lại tác động tích cực về kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng. Nhưng theo ông Sơn, đây là ý chủ quan, vì thực tế dự án mới chỉ chủ động được xăng dầu - vấn đề xã hội. “Có lẽ do những người soạn thảo muốn ghép an ninh quốc phòng vào báo cáo” - Ông Sơn nói.

Chưa có tiền lệ

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, việc Chính phủ đề nghị Quốc hội ra nghị quyết công nhận dự án hoàn thành là chưa có tiền lệ.

"Trong lúc chưa có tổng kết, thanh quyết toán mà công nhận là kết thúc thì đã đến lúc chưa, đúng chưa, thể hiện trong nghị quyết thế nào ngoài cái hoan nghênh, thành tích, rồi chậm tiến độ. Quốc hội mới nghe báo cáo của Chính phủ, tổng vốn đầu tư mới là con số, ai kiểm toán con số này trong khi chưa có thanh quyết toán?" - Ông Sơn đặt câu hỏi.

Đồng tình với ông Sơn, ĐB Nguyễn Đức Hiền (Quảng Ngãi) cho rằng không nhất thiết phải ban hành nghị quyết. "Còn bao nhiêu vấn đề nữa, trong đó có tái định cư, môi trường, an ninh quốc phòng, Quốc hội phải tiếp tục giám sát. Chính phủ phải tiếp tục báo cáo với Quốc hội" - Ông Hiền đề xuất.

MỚI - NÓNG