Đề nghị thu phí dùng tần số Vô tuyến điện

Đề nghị thu phí dùng tần số Vô tuyến điện
TP - Sáng qua (23/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Tần số vô tuyến điện, theo đó, có đề nghị thu phí đối với việc sử dụng tần số vô tuyến điện.

Trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự luật, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp cho biết, hệ thống thông tin vô tuyến điện vừa qua phát triển hết sức nhanh chóng (bao gồm thông tin di động, truyền hình số, truyền hình di động, điện thoại kéo dài, tần số phục vụ sân bay, taxi…).

Dự luật đặt vấn đề phải thu phí sử dụng tần số vô tuyến điện. Đây là khoản thu do nhà nước quy định, được xác định trên cơ sở giá trị kinh tế của phổ tần số sử dụng, mục đích sử dụng, mức độ chiếm dụng tần số, phạm vi phủ sóng… Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ & Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội tán đồng với quy định này của dự luật.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận không đồng tình với quy định này trong dự thảo. Ủy viên UBTVQH Phạm Minh Tuyên cho rằng, không nên cứ mỗi luật ra đời lại đẻ thêm ra một cái túi gọi là quỹ, quy định như vậy là trái với Luật Ngân sách.

“Tần số vô tuyến điện là một loại tài nguyên, vì thế phải thu thuế tài nguyên. Sử dụng càng lớn, lãi càng nhiều thì càng phải nộp thuế nhiều” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển nêu quan điểm và cho rằng không nên thu phí hay lệ phí khi sử dụng tần số vô tuyến điện mà là thuế tài nguyên.

Đề nghị thu phí dùng tần số Vô tuyến điện ảnh 1
Ảnh minh họa: Phạm Yên

Dự luật cũng đề nghị áp dụng phương thức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với các dải băng tần số, kênh tần số có giá trị thương mại cao. Thường trực Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội đồng tình với quan điểm quy định theo hướng áp dụng phương thức đấu giá trong cấp giấy phép quyền sử dụng tần số.

Tuy nhiên, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cơ sở để đấu giá dải băng tần số cũng rất khó xác định.“Thay vì phải đấu giá, nên đề ra các tiêu chí đối với từng loại khi được sử dụng. Ngoài ra, phải có các quy định để tránh hiện tượng đầu cơ rồi cho thuê lại”- Ông Hiền lưu ý.

Dự luật quy định thành lập Ủy ban Tần số vô tuyến điện, tuy nhiên vấn đề này còn có hai luồng ý kiến trái ngược.

Lo sức ảnh hưởng sức khỏe

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước nhấn mạnh: “Đây là dự luật chuyên ngành nhưng liên quan đến cả sức khỏe của con người. Phải làm rõ vô tuyến điện có ảnh hưởng như thế nào khi mà, gần đây, có nhiều trạm phát sóng được lắp đặt trên các nhà cao tầng, trong đó có nhiều nhà của cá nhân”.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp giải đáp, đúng là dân lo lắng, có cảm giác ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng thực tế nghiên cứu cho thấy không ảnh hưởng gì.

Bộ trưởng Hợp cho rằng, nguyên nhân của vấn đề là lợi ích kinh tế. Bộ đã đề nghị các tổng công ty viễn thông phải xử lý lợi ích hài hòa cho nhân dân và sẽ chỉ đạo giải quyết dứt điểm vấn đề này.

Đề cập tới vấn nạn tin nhắn rác, thư rác trên điện thoại di động hiện nay, ông Hợp cho biết tin nhắn rác, thư rác do thuê bao trả trước gây ra. “Vấn đề này, Bộ có chủ trương sẽ quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm vi phạm” – Ông Hợp nói.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.