Đề nghị trợ cấp cho lao động ăn Tết

Đề nghị trợ cấp cho lao động ăn Tết
TP - Vụ trưởng Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Minh Huân cho biết, Bộ đang đề xuất Chính phủ trợ cấp một tháng lương cho người lao động (NLĐ) có tiền ăn Tết.

>> Bài III: Chờ thưởng Tết và không yêu sách

Đề nghị trợ cấp cho lao động ăn Tết ảnh 1
Bộ LĐTB&XH đề xuất trợ cấp một tháng lương cho lao động về quê ăn Tết. 
Ảnh: Phong Cầm

Giải pháp cận Tết

Ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Tiền lương - Tiền công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, đã đưa ra chính sách đối với NLĐ bị mất việc do suy thoái kinh tế cho các trường hợp như chủ sử dụng lao động bỏ trốn; doanh nghiệp giải thể phá sản; doanh nghiệp vẫn hoạt động nhưng phải cắt giảm lao động.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH và TLĐLĐVN cũng đang xây dựng phương án trợ cấp cho lao động mất việc đối với các doanh nghiệp không có khả năng chi trả trợ cấp mất việc cho người lao động (NLĐ). Theo đó, đề xuất Chính phủ trợ cấp một tháng lương cho NLĐ để có tiền về quê ăn Tết.

Quỹ giúp công nhân vượt khó

Trước thềm năm mới, nhằm hỗ trợ cuộc sống của NLĐ bị mất việc, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) đang thực hiện nhân rộng mô hình quỹ giúp công nhân vượt khó của TP Hồ Chí Minh tại các KCN-KCX ở Bình Dương và Đồng Nai.

Tại nhiều địa phương, hệ thống công đoàn cũng đang được củng cố, nhằm kiếm việc làm cho NLĐ sau khi bị mất việc làm. Tuy nhiên, theo ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch TLĐLĐVN, mô hình này khó áp dụng ở Hà Nội do nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp rất hạn chế.

Ông Nguyễn Thanh Hòa - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, đã chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình lao động mất việc tại các địa phương.

Về lâu dài, trong chính sách kích cầu của Chính phủ, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất Chính phủ kích cầu vào những lĩnh vực thu hút nhiều lao động để có thêm nhiều việc làm, giải quyết tình trạng thất nghiệp cho NLĐ.

Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng đề nghị Chính phủ tăng nguồn quỹ quốc gia giải quyết việc làm để tạo điều kiện cho NLĐ mất việc vay vốn, tự tạo việc làm.

Trong lúc chờ đến đầu năm 2010 mới có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động (NLĐ) đang mong chờ vào những biện pháp đã và đang được đề xuất thực thi sớm. Hiện LĐLĐ TPHCM chủ động phối hợp với các DN để điều chuyển lao động mất việc từ DN cắt giảm lao động sang những DN có điều kiện sản xuất kinh doanh ổn định, có nhu cầu tuyển thêm lao động.

TP HCM cũng đã liên hệ với các DN ở quê nhà của NLĐ mất việc trở về và tìm được 1.200 chỗ làm cho họ tại Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa... Thông qua LĐLĐ TPHCM, Ngân hàng Đông Á hỗ trợ cho những lao động nữ đang mang thai bị thất nghiệp từ một đến hai triệu đồng/người để về nhà chờ sinh.

Đề nghị trợ cấp cho lao động ăn Tết ảnh 2
Công nhân nằm trong nhóm xã hội chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của suy thoái kinh tế. Ảnh: L.N

Tuy nhiên, đó chỉ là những biện pháp trước mắt, về lâu dài, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định:

“Năm 2009, các chương trình kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tập trung rà soát, tìm hiểu hoạt động của DN các khu vực kinh tế đang gặp những khó khăn gì để có biện pháp hỗ trợ kịp thời hoặc tham mưu Chính phủ tháo gỡ vướng mắc”.

Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM đề xuất: “Về lâu dài, TPHCM cần phổ cập nghề cho học sinh từ lớp 9 trở lên muốn dễ tìm việc làm, NLĐ cần có nghề cùng trình độ văn hóa. Nhà nước chi tiền để phổ cập nghề tính ra còn rẻ hơn việc bỏ tiền ra giải quyết nạn thất nghiệp và các tệ nạn liên quan đến thất nghiệp”.

Ông Tâm đề nghị  người lao động không nên quá lo lắng, hoang mang, cần liên hệ ngay các Phòng LĐ-TB&XH hay LĐLĐ quận - huyện để được giúp đỡ vì hiện nay TPHCM đang có các biện pháp hỗ trợ.

Vẫn cắt giảm việc làm

Ông Từ Việt Hương - Phòng Kinh doanh & Quan hệ Khách hàng (Cty KCN Thăng Long) - chủ đầu tư xây dựng KCN Thăng Long, cho biết, KCN Thăng Long có 67 doanh nghiệp có vốn FDI; hầu hết là nhà đầu tư đến từ Nhật. Đến hết tháng 11/2008, toàn KCN có gần 51.000 lao động người Việt Nam.

Các Cty thu hút nhiều lao động Việt Nam gồm Canon (hơn 10.700 người); Panasonic (hơn 6.700 người); Hoya (hơn 5.400 người)... Công nhân Việt Nam làm việc chủ yếu trong các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử (Canon, Panasonic...).

Theo ông Hương, gần đây có nhiều Cty trong KCN tiến hành cắt giảm việc làm. Mỗi Cty giảm vài chục lao động, nhưng cũng có Cty cắt giảm hơn 1.000. Một số Cty lớn chưa báo cáo vì sợ bị ảnh hưởng.

Một cán bộ Ban Quản lý các KCN&CX Hà Nội cho biết, số lao động bị mất việc sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, nhất là sau Tết Nguyên đán. Hiện, Ban chỉ mới nhận được báo cáo của năm doanh nghiệp ở Hà Nội về số lượng công nhân mất việc.

Đó là báo cáo của các Cty: Canon giảm 1.200 lao động; Nissei giảm 1.600; SP Việt Nam giảm 100; Rythum Precesion giảm 64; Neakless giảm 60.

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH và TLĐLĐVN cho biết: Đến thời điểm này cả nước có khoảng 29.400 lao động rơi vào tình trạng mất việc làm. Dự kiến, đến hết năm 2009, có khoảng 150.000 lao động bị mất việc do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo dự báo, gần sau Tết sẽ còn nhiều doanh nghiệp thực hiện chiến dịch cắt giảm việc làm.
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.