Kết thúc điều tra mảng tham nhũng ở PMU 18:

Đề nghị truy tố Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và 7 bị can

Đề nghị truy tố Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và 7 bị can
TP - Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa kết thúc điều tra vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại Ban quản lý các dự án 18 (PMU 18) Bộ GTVT và đề nghị truy tố Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và 7 bị can.

Tổng số có 9 bị can bị đề nghị truy tố. Các tội danh đối với những bị can khác nhau là: Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và Tham ô tài sản.

Trong số này, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến bị đề nghị truy tố về 3 tội danh: Cố ý làm trái, Lợi dụng chức vụ quyền hạn và Thiếu trách nhiệm...

Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng: Tội “to”, hành vi “bé”!

Đáng chú ý, sau quá trình điều tra, mặc dù CQĐT vẫn đề nghị truy tố bị can Nguyễn Việt Tiến về 3 tội danh, song những sai phạm của ông Tiến chỉ bị kết luận ở các hành vi “cho mượn” xe ô tô ở PMU 18 và việc duyệt chi hơn 257 triệu đồng san lấp mặt bằng chợ Trại Sen cho UBND xã Văn An, huyện Chí Linh, Hải Dương.

Cụ thể, khi còn làm Tổng giám đốc PMU 18, Nguyễn Việt Tiến đã điều động, “cho mượn” 4 xe ô tô sai quy định thuộc các dự án cầu quốc lộ (trong đó có 2 xe mua theo phương thức tạm nhập – tái xuất).

Đề nghị truy tố Nguyễn Việt Tiến, Bùi Tiến Dũng và 7 bị can ảnh 1
Bùi Tiến Dũng khi bị bắt giam

Đến năm 2000, khi đã là Thứ trưởng Bộ GTVT, ông Tiến tiếp tục ký duyệt mua sai quy định 1 xe ô tô thuộc gói thầu 5 dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18.

Theo đánh giá của CQĐT, hành vi của ông Nguyễn Việt Tiến đã trái với các quy định của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng, quản lý tài sản nhà nước... gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 2,2 tỷ đồng.

Ngoài ra, bị can Nguyễn Việt Tiến còn thiếu trách nhiệm trong quản lý kinh tế, để Bùi Tiến Dũng (nguyên Tổng giám đốc PMU 18) “cho mượn” 28 xe ô tô là tài sản thuộc các dự án nguồn vốn ODA do PMU 18 làm đại diện chủ đầu tư; để Bùi Tiến Dũng và Phạm Tiến Dũng (nguyên Trưởng phòng Kinh tế - Kế hoạch PMU 18) ép nhà thầu CIENCO 1 mua 3 xe ô tô sai chủng loại, sử dụng sai mục đích thuộc dự án cầu Bãi Cháy.

Theo giám định, hành vi này của các bị can đã gây thiệt hại gần 11 tỷ đồng.

Cũng với hành vi trên, bị can Bùi Tiến Dũng bị đề nghị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Khuất tất trong việc duyệt chi 257 triệu đồng

9 bị can bị đề nghị truy tố gồm:

Nguyễn Việt Tiến về các tội danh Cố ý làm trái, Lợi dụng chức vụ quyền hạn, Thiếu trách nhiệm;

Bùi Tiến Dũng tội Cố ý làm trái;

Phạm Tiến Dũng tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Cố ý làm trái;

Nguyên Phó Chánh văn phòng PMU 18 Vũ Mạnh Tiên tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn, Tham ô tài sản;

Nguyên cán bộ Phòng Tài chính kế toán PMU 18 Bùi Thu Hạnh (em gái Bùi Tiến Dũng) tội Tham ô tài sản;

Các bị can nguyên Trưởng phòng PID6 PMU 18 Nguyễn Hữu Vĩnh, nguyên Phó phòng PID6 PMU 18 Lê Thị Thanh Hòa (vợ Phạm Tiến Dũng) và nguyên Phó phòng PID6 Nguyễn Thanh Sơn cùng bị đề nghị truy tố tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn;

Nguyễn Ngọc Mỡi (nguyên cán bộ trường Đại học GTVT, bố Nguyễn Thanh Sơn) tội Lạm dụng chức vụ quyền hạn với vai trò đồng phạm.

Theo dự toán và thiết kế ban đầu gói thầu 2 dự án nâng cấp cải tạo quốc lộ 18, không có hạng mục xây dựng đường nhánh Chu Văn An (Chí Linh, Hải Dương).

Năm 2000 - 2001, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã quyết định bổ sung hạng mục nâng cấp khoảng 8 km đường Chu Văn An đoạn nối quốc lộ 18 đến khu vực đền thờ Chu Văn An, bằng nguồn vốn dư của gói thầu 2, khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, hạng mục này sau đó đã được Thủ tướng và Ngân hàng JBIC là tổ chức cho vay tiền của Nhật Bản chấp thuận, nên CQĐT không đề cập xử lý.

Sau khi đường Chu Văn An hoàn thành, khoảng tháng 6/2004, Phạm Tiến Dũng và vợ là Lê Thị Thanh Hòa thông qua ông Đỗ Kim Quý (nguyên Phó Tổng giám đốc PMU 18) nhờ Lê Tiến Thông (Giám đốc Cty Xây dựng Thái Bình – một  nhà thầu phụ được nhận thi công 4 km đường Chu Văn An và một số hạng mục quốc lộ 18) mua hộ rừng ở Chí Linh dưới hình thức chuyển nhượng hợp đồng chăm sóc bảo vệ rừng.

Cũng thời điểm này, ông Quý cũng nhờ ông Thông mua hộ rừng cho con rể ông Nguyễn Việt Tiến là Nguyễn Nhật Anh 0,5 ha vải thiều và 7,25 ha rừng phòng hộ kinh tế hết 90 triệu đồng.

Theo ông Đỗ Kim Quý, vợ chồng con gái ông Nguyễn Việt Tiến là Nguyễn Thị Liên và Nguyễn Nhật Anh có đặt vấn đề với ông Quý nhờ mua hộ rừng ở Chí Linh. Bản thân ông Nguyễn Việt Tiến cũng cho biết, ông từng được ông Quý hỏi có muốn mua rừng ở Chí Linh không.

Ông Tiến nói không có nhu cầu, song nhờ ông Quý mua giúp vợ chồng người con rể Nguyễn Nhật Anh. Sau đó, chính Nguyễn Nhật Anh là người đưa 90 triệu đồng cho ông Lê Tiến Thông để trả cho người bán rừng, và người đứng tên hợp đồng chăm sóc bảo vệ rừng thời hạn 50 năm chính là Nguyễn Nhật Anh.

Để mua được đất rừng, Lê Tiến Thông đã liên hệ với UBND xã Cộng Hòa và xã Văn An (Chí Linh) để ký xác nhận gian dối rằng các ông Đỗ Kim Quý, Nguyễn Nhật Anh... là người thường trú tại địa phương, song thực tế những người này không có hộ khẩu tại các xã trên.

Điều khuất tất là, cũng trong thời gian trên, ông Nguyễn Việt Tiến đã duyệt chi sai nguyên tắc hơn 257 triệu đồng cho xã Văn An để giải tỏa chợ Trại Sen, xã Văn An.

Theo đánh giá của CQĐT, hành vi này của ông Tiến xuất phát từ động cơ vụ lợi của một số cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng đất rừng, trong đó có người thân trong gia đình ông Nguyễn Việt Tiến; hành vi trên của ông Tiến có dấu hiệu phạm tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.

Không chứng minh được dấu hiệu đưa – nhận hối lộ

Các đơn vị được PMU 18 “cho mượn” ô tô

Cơ quan CSĐT Bộ CA đã xác minh các đơn vị được PMU 18 điều động, “cho mượn” 36 xe ô tô,  gồm:

-Văn phòng Bộ GTVT: 6 xe ô tô.

-Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ GTVT như Công đoàn, Nhà trường, Báo, Tạp chí: 8 chiếc.

-Các đơn vị có chức năng quản lý nhà nước thuộc Bộ GTVT như Cục Đường bộ, Cục Đường sắt, Cục Giám định: 7 chiếc.

-Sở GTVT các địa phương: 4 chiếc.

-Ban quản lý các dự án khác thuộc Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội: 3 chiếc.

-Các Cty trực thuộc Bộ GTVT: 2 chiếc.

-CA một số quận ở TP Hà Nội: 3 chiếc....

Tuy nhiên, CQĐT không phát hiện có cá nhân nào mượn xe ô tô của PMU 18 để sử dụng vào việc riêng.

Theo xác định ban đầu của CQĐT, năm 2005 Bùi Tiến Dũng có nhu cầu xây dựng phần thô và hoàn thiện khu nhà  vườn B18 tại khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính (đứng tên con trai Dũng), Phạm Tiến Dũng đã đứng ra ký hợp đồng xây dựng và quản lý, chi trả tiền xây nhà hết 600 triệu đồng.

Mục đích Phạm Tiến Dũng bỏ tiền ra xây phần thô ngôi nhà cho Bùi Tiến Dũng là nhằm để được “sếp” nâng đỡ, đề bạt lên làm Phó Tổng giám đốc PMU 18 và được giao nhiều dự án “màu mỡ” khác...

Do đó, tháng 3/2006, CQĐT đã khởi tố Bùi Tiến Dũng về tội nhận hối lộ, khởi tố Phạm Tiến Dũng về tội đưa hối lộ.

Tuy nhiên, sau quá trình điều tra, đến nay CQĐT không đủ tài liệu chứng minh hành vi đưa – nhận hối lộ của hai “thầy trò” Bùi - Phạm.

Mới đây, CQĐT đã đình chỉ điều tra bị can đối với Bùi Tiến Dũng và Phạm Tiến Dũng về tội đưa – nhận hối lộ.

Tương tự, CQĐT xác định không đủ yếu tố chứng minh Nguyễn Việt Tiến và Tôn Anh Dũng tức Dũng “Huế” đã có hành vi đưa – nhận hối lộ trong việc Dũng “Huế” mua lô gạch giả cổ trị giá 52 triệu đồng để ông Tiến tu sửa nhà thờ họ Nguyễn ở Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình.

Ở vụ việc này, Dũng “Huế” cho biết đã được ông Tiến thanh toán tiền gạch là 4.000 USD; còn ông Tiến khai đã trả Dũng “Huế” 30 triệu đồng. 

MỚI - NÓNG