Đề nghị xét danh hiệu 'Công dân Thủ đô ưu tú'

fsdfd
fsdfd
TPO - Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố Hà Nội xem xét và thống nhất thông qua danh sách 10 cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2012.
fsdfd
Thượng tá Lê Đức Đoàn giải cứu xe cháy trên cầu Chương Dương. Ảnh: Minh Đức

Đây là năm thứ ba TP Hà Nội xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô Ưu tú" cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, ưu tú trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng.

 1. Thượng tá Lê Đức Đoàn, SN 1959 - Công tác tại Đội CSGT số 1 Phòng CSGT (Công an Hà Nội).

Được giao nhiệm vụ nhiều năm ứng trực tại chốt phía nam đầu cầu Chương Dương, CSGT Lê Đức Đoàn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Thượng tá Lê Đức Đoàn dũng cảm lập được nhiều thành tích như: Chặn xe bắt cướp; ngăn chặn một chiếc xe đang di chuyển bốc cháy cứu người; ngăn chặn các trường hợp có hành vi tự tử trên Cầu Chương Dương

2. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Đình Đức, SN 1940 - Giảng viên cao cấp tại khoa Sinh học - trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Ông là thành viên Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Hội các ngành Sinh học Hà Nội, là nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa, lịch sử Hà Nội... Đặc biệt, ông là người dành thời gian theo dõi, nghiên cứu sớm nhất về rùa Hồ Gươm (từ năm 1991).

Ông có sáu công trình nghiên cứu cấp quốc gia về Hồ Gươm, viết 200 bài về rùa Hồ Gươm…

Ông cũng là người nêu ý tưởng xây cột mốc “km 0” tại Hồ Hoàn Kiếm, đồng thời, đưa ra nhiều đề xuất như tôn tạo khu tưởng niệm vua Lê; tổ chức lễ hội ngày đăng quang vua Lê Thái Tổ; dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đề nghị đặt tên Đào Cam Mộc - người có công phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua - cho một đường phố ở Thủ đô.

3. Ông Lê Đức Giáp, SN 1955, Xã Cao Viên, Thanh Oai - Hà Nội.

Ông là nông dân tiêu biểu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tích cực chuyển đổi cơ cấu, mô hình kinh tế nông nghiệp đem lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ông mạnh dạn đầu tư làm kinh tế trang trại, tích cực tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, kết hợp với thực tiễn về trồng, ghép cây ăn quả đem lại giá trị kinh tế cao.

Ông có thể ghép thành công nhiều loại quả trên một cây như cam, quýt, bưởi…, dùng làm cây cảnh trong dịp tết. Trang trại của ông, hàng năm, tạo việc làm cho từ 20 đến 30 lao động.

Ông thường xuyên giúp đỡ các hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về vốn, cây giống, cũng như chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cây ăn quả đạt năng suất chất lượng cao.

Trang trại của ông liên tục được các đoàn khách từ các tỉnh Hòa Bình, Hải Dương về tham quan, học tập kinh nghiệm.

4. Bà Nguyễn Thị Hiền, SN 1968 - Công nhân bậc 6/7, Tổ trưởng công đoàn mương 1, Xí nghiệp Thoát nước số 1 Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên Thoát nước Hà Nội.

Bà gắn bó với nghề thoát nước trên 25 năm. Là công nhân, phải tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm, nhưng bà luôn gương mẫu trong lao động sản xuất, sẵn sàng đảm nhận những công việc nặng nhọc, những vị trí khó khăn nhất.

Bà tích cực phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu khối lượng được giao, nâng cao hiệu quả lao động và đảm bảo chất lượng kỹ thuật cao, tiết kiệm nguyên vật liệu, dụng cụ sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Hiền có hai sáng kiến kinh nghiệm được công ty áp dụng triển khai toàn đơn vị. Bà là cán bộ công đoàn giỏi của thành phố nhiều năm liền.

Ngoài việc tham gia công tác tại đơn vị, bà Nguyễn Thị Hiền tích cực tham gia công tác tại địa phương (nhiều năm là Tổ trưởng liên gia tại tổ dân cư).

5. Ông Phạm Lợi, SN 1938 - Nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thành phố Hà Nội.

Là mẫu cán bộ tận tuỵ, không quản ngại khó khăn gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ, là tấm gương sáng để cán bộ, công chức học tập, làm theo.

Ông giữ các chức vụ Bí thư Thành đoàn Hà Nội, Bí thư quận uỷ Hoàn Kiếm, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch TW MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Thanh thiếu nhi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh quốc phòng Quốc hội.

Là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, ông cùng tập thể chỉ đạo, nâng cao hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, đặc biệt trong việc giải quyết khó khăn, phức tạp.

Trên cương vị Chủ tịch UBMTTQ Thành phố, ông cùng tập thể sáng kiến tổ chức triển khai hiệu quả Hội nghị đại biểu nhân dân, qua đó, phát huy dân chủ, xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn dân cư.

Mặc dù nghỉ hưu từ tháng 1-2010 đến nay, nhưng vẫn tích cực tham gia Hội đồng tư vấn Văn hóa - Xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội.

6. GS, Thầy thuốc Nhân dân Nguyễn Tài Thu, SN 1931- Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Châm cứu Thế giới.

Sinh ra tại Hà Nội, năm 1946, khi mới 15 tuổi, Giáo sư đã tham gia Đoàn quyết tử quân bảo vệ Thủ đô. Trong kháng chiến chống Mỹ, Giáo sư cứu chữa cho hàng ngàn thương bệnh binh.

Giáo sư là người đã xây dựng nền móng cho ngành châm cứu Việt Nam. Những phương pháp điều trị châm cứu của Giáo sư đã giới thiệu đến gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đối với Thủ đô Hà Nội, Giáo sư là người đề xướng thành lập Viện Châm cứu đầu tiên của cả nước đặt tại Thủ đô. Giáo sư tham gia đào tạo trên 5.700 thầy thuốc châm cứu của cả nước.

Cùng cộng sự, Giáo sư khám chữa bệnh và tặng quà cho hơn 500.000 lượt trẻ em khuyết tật trên địa bàn Hà Nội và cả nước, điều trị cho hơn 1.200 người nghiện ma túy thoát nghiện bằng phương pháp châm cứu.

Giáo sư cũng đã có nhiều đề tài khoa học đồng thời là tác giả của các cuốn sách về châm cứu quý như cuốn "Tân châm", "Nghiên cứu châm tê trong phẫu thuật", "Châm cứu ở tuyến cơ sở", "Mãng châm chữa bệnh" giúp cho các bệnh viện ở Thủ đô và cả nước có những tư liệu để phục vụ khám chữa bệnh. Mặc dù tuổi đã cao, hiện nay, Giáo sư vẫn tiếp tục điều trị cho bệnh nhân ở mọi miền đất nước khi có yêu cầu.

7. Bà Tạ Ngọc Thuý, SN 1936, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là tấm gương đại diện cán bộ cơ sở luôn gắn bó với những công việc bình dị hàng ngày ở địa phương. Với hơn 40 năm được nhân dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố số 26, khu dân cư Cầu Gỗ 2 (phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm), bà đã có những đóng góp tích cực trong việc hướng dẫn, động viên người dân trên địa bàn sống đoàn kết, thanh lịch, giữ đúng bản chất của người dân phố cổ; đồng thời, kiên trì tổ chức phổ biến đến từng gia đình và vận động mọi người tự rèn nét đẹp của người Thủ đô.

Bà đã kiên trì bỏ công sức hằng ngày nhắc nhở những người đi bán hàng thuê cho các hộ trong tổ về việc chấp hành các quy định, đặc biệt là phải giao tiếp, ứng xử văn hoá với khách hàng.

Với cương vị là phó Ban Bảo vệ dân phố, cá nhân bà đã nhiều lần phát hiện và kiên quyết đấu tranh với kẻ gian cướp giật, móc túi.

Ngoài ra, bà luôn là người gương mẫu đi đầu, tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trên địa bàn ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa nhằm giúp đỡ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, được ghi nhận là Tổ dân phố có đóng góp luôn dẫn đầu các tổ trong phường. Bà là hình ảnh của người cán bộ cơ sở, bình dị mà cao quý.

Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền bà được UBND quận Hoàn Kiếm, Công an Thành phố tặng Giấy khen

8. Nhạc sỹ Hoàng Vân, SN 1930

Sinh ra tại Hà Nội, năm 16 tuổi, Nhạc sỹ gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I) Hà Nội, phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312... Sau 1954, hòa bình lập lại, ông tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh (Trung Quốc).

Về nước, Nhạc sỹ chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời, tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội.

Nhạc sỹ đã có công đào tạo nhiều nhạc sỹ thành danh. Hoàng Vân là một trong những nhạc sĩ có nhiều đóng góp to lớn, toàn diện cho nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Với Thủ đô Hà Nội, Nhạc sỹ sáng tác các ca khúc nổi tiếng như: Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Tình yêu Hà Nội, viết nhạc cho phim "Em bé Hà Nội"...

Ngoài ra, Nhạc sỹ còn sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi được yêu thích như: Em yêu trường em, Con chim vành khuyên... Nhiều bài hát đã trở thành bài hát truyền thống của ngành, như: Bài ca xây dựng, Bài ca người giáo viên nhân dân.

9. Bà Hà Thị Vinh, SN 1954 - Tổng GĐ Công ty TNHH Quang Vinh, xã Bát Tràng, Huyện Gia Lâm; Ủy viên BCH Hội LHPN Hà Nội khóa XIV.

Đây là tấm gương sáng của nữ doanh nhân Hà Nội có nhiều trăn trở, tâm huyết để thành công trong việc hòa nhập quốc tế và giữ nghề truyền thống.

Mặc dù hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, chồng là thương binh nặng ở chiến trường Bình Trị Thiên nhưng bằng nghị lực, lòng yêu nghề, bà luôn tâm huyết, trăn trở và đã chọn một hướng đi khá riêng biệt, đó là sản xuất gốm sứ để xuất khẩu.

Bà là người đầu tiên nhập lò nung đất bằng gas công nghệ cao của Đài Loan để thay thế lò than cũ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.

Bà cũng là người đầu tiên đi tiên phong trong xuất khẩu sản phẩm gốm sứ Bát Tràng sang Mỹ. Đến nay, 80% sản phẩm của công ty được xuất khẩu cho các khách hàng lớn như Mỹ, Nhật, các nước Châu Âu…

Sự ra đời của Công ty Quang Vinh được xem là một trong những nỗ lực trong việc giữ gìn bản sắc riêng của gốm Bát Tràng, vừa kết hợp được truyền thống và hiện đại, vừa mang nét sáng tạo riêng phù hợp với thời đại và là niềm tự hào của văn hóa Hà Nội.

Bà cũng là người đưa ra sáng kiến và hỗ trợ 100% chi phí viết sách lịch sử truyền thống về “Bát Tràng - Làng nghề, làng văn”, dự kiến xuất bản vào đầu năm 2013.

10. Bà Nguyễn Thị Vui, SN 1944 - Chủ nhiệm HTX sơn khảm Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên.

Điều đặc biệt ở người cán bộ cơ sở này là say sưa với công tác dạy nghề nhân đạo. Bà tham gia công tác tại địa phương từ năm 1960 với các vai trò: Chủ tịch Hội Phụ nữ, Xã Đội phó, Chủ nhiệm Hợp tác xã, trong đó có 45 năm làm Bí thư Chi bộ. Dù trên cương vị nào, bà đều nhiệt tình, năng nổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Cùng với ước muốn giữ gìn và phát triển nghề sơn khảm truyền thống của quê hương, năm 1996, bà mở lớp nuôi dạy nghề miễn phí cho trẻ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn ngay trong Hợp tác xã.

15 năm nay, Hợp tác xã đã dạy nghề miễn phí cho gần 2.500 trẻ khuyết tật, mồ côi, con em gia đình chính sách không chỉ trên địa bàn Hà Nội mà còn ở cả các tỉnh, thành bạn.

Qua các lớp học dạy nghề, hơn 90% học viên có công việc ổn định và được nhiều doanh nghiệp tuyển dụng, một số em đã là chủ cơ sở sản xuất nhỏ. Thông qua việc làm đầy tính nhân văn của mình, bà đã giúp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tự tin, hòa nhập với cộng đồng, giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Đức Hoàng
Theo Viết
MỚI - NÓNG