Đề nghị xử lý 157 văn bản trái luật, gây khó cho dân

Phó Thủ tướng yêu cầu gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính của bộ, ngành với cải cách hành chính của các địa phương (Ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Châu.
Phó Thủ tướng yêu cầu gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính của bộ, ngành với cải cách hành chính của các địa phương (Ảnh minh họa). Ảnh: Ngọc Châu.
TP - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trực tuyến 63 địa phương diễn ra ngày 8/2, Bộ Tư pháp cho biết, đã kiểm tra 5.848 văn bản, phát hiện và đề nghị xử lý 157 văn bản trái pháp luật. Theo Bộ Tư pháp, vẫn còn tình trạng ban hành văn bản trái pháp luật, thậm chí có chiều hướng gia tăng, số văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền được phát hiện tăng 21% so với năm 2016.

Còn rườm rà

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ đánh giá, với sự nỗ lực trong năm qua, thủ tục hành chính ngày càng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, minh bạch. Nhiều thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đã được cắt giảm, đơn giản hóa, góp phần giải phóng sức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

Việc cải cách tổ chức bộ máy đã thường xuyên được rà soát, nhằm sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, giảm các đầu mối trung gian, khắc phục chồng chéo, bảo đảm một việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Cùng với đó, bản mô tả công việc và khung năng lực của từng vị trí việc làm đã được các bộ, ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện, tạo cơ sở cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng và quản lý công chức.

Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, công tác cải cách hành chính vẫn còn một số tồn tại, như việc triển khai nhiều nội dung cải cách còn chưa quyết liệt, thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tổ chức bộ máy nhiều nơi vẫn cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn khó khăn, vướng mắc, chưa đạt yêu cầu. Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử còn chậm, ý thức phục vụ người dân theo tinh thần công bộc của một bộ phận cán bộ công chức còn hạn chế.

Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, nguyên nhân là sức ỳ của bộ máy hành chính các cấp trong việc thay đổi thói quen, cách làm cũ còn lớn. Đáng lưu ý, còn tình trạng trên “nóng” dưới “lạnh”, trên chuyển dưới chưa chuyển và một bộ phận công chức không hoàn thành nhiệm vụ, hạn chế về năng lực, yếu kém về đạo đức, trở thành lực cản lớn đối với công cuộc cải cách.

Để phát huy vai trò cải cách hành chính, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, làm chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống công quyền, làm cho cán bộ là công bộc của dân, hiểu dân, trọng dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đồng thời gắn kết chặt chẽ cải cách hành chính của bộ, ngành với cải cách hành chính của các địa phương, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu đẩy mạnh thực hiện đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Nhấn mạnh việc phát huy vai trò Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, ông Bình đề nghị người đứng đầu các bộ, ngành cũng phải lập các tổ công tác thực hiện nhiệm vụ, nhằm đảm bảo thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Không cải cách thì… “mình chết trước”

Nói về vai trò cải cách hành chính, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, nếu không cải cách thì chính ngành mình sẽ “chết trước”. Bà Minh dẫn ví dụ, trước đây ngành Bảo hiểm phải làm cả ngày thứ bảy, chủ nhật, nhiều người phải xin ra khỏi ngành vì “không chịu nổi”. Tuy nhiên, sau khi cải cách hành chính, theo bà Minh, kết quả đạt được rất ngỡ ngàng. Thấy rõ nhất là đã giải phóng được sức lao động, bây giờ ngành chỉ phải làm thứ bảy, còn chủ nhật nghỉ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho rằng, dù công nghệ hiện đại đến mấy mà đội ngũ cán bộ không tốt cũng khó mà làm được. Với chủ trương tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, năm vừa qua, Quảng Ninh đã kiểm tra, xử lý đến 41 cán bộ, công chức với các hình thức từ cảnh cáo đến buộc thôi việc, sa thải, cắt lương. Từ đó góp phần nâng chất lượng đội ngũ cán bộ công chức.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cũng cho biết, tỉnh này đã thành lập nhiều đoàn công tác, đi kiểm tra công vụ đột suất. Khi tham gia vào đoàn kiểm tra, tất cả các thành viên không được dùng điện thoại, không liên lạc trước để tránh tình trạng nhờ vả. Và việc này đã mang lại hiệu quả, kỷ cương công vụ được tăng lên, thái độ phục vụ người dân tốt hơn.

Theo Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Thành, thời gian qua đã cắt giảm, đơn giản hóa được hơn 5 nghìn thủ tục hành chính, giảm 24 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Đồng thời đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều điều kiện kinh doanh trên các lĩnh vực rượu, hóa chất và đang tiếp tục xây dựng các văn bản để cắt giảm khoảng gần 3 nghìn điều kiện kinh doanh, đảm bảo các quy định theo Luật Đầu tư.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.