Đề nghị xử lý hình sự hành vi lãng phí

Cho rằng lãng phí còn gây thiệt hại nghiêm trọng hơn tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung vào dự thảo BLHS tội gây lãng phí. Ảnh: Văn Kiên.
Cho rằng lãng phí còn gây thiệt hại nghiêm trọng hơn tham nhũng, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung vào dự thảo BLHS tội gây lãng phí. Ảnh: Văn Kiên.
TP - Thảo luận về dự thảo Bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi chiều 25/8 một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách cho rằng, lãng phí hiện nay còn nguy hiểm, gây thất thoát lớn hơn cả tham ô, tham nhũng. Vì thế cần phải bổ sung vào dự thảo luật tội gây lãng phí nhằm răn đe, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng

Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), tình trạng lãng phí đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Tuy nhiên, do BLHS chưa quy định nên không thể xử lý được. “Tôi nghĩ lãng phí gây nguy hiểm cho xã hội lớn lắm. Tội của nó còn nặng hơn cả tham ô, tham nhũng đấy chứ. Chúng ta không thể phi hình sự hoá mãi mà phải hình sự hóa. Gây lãng phí là phải bị xử lý hình sự. Không xử lý hình sự thì lãng phí sẽ còn tiếp tục diễn ra”, ông Thuyền nói đồng thời đề nghị Quốc hội nên xem xét một cách kỹ lưỡng để bổ sung tội danh “gây lãng phí” vào dự thảo BLHS.

ĐB Đỗ Văn Đương, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đồng tình bổ sung tội gây lãng phí. “Nhiều công trình tiền tỷ xây xong rồi bỏ hoang để đấy. Dân kêu lãng phí lớn lắm nên đã đến lúc hình sự phải can thiệp vào vấn đề này”, ông Đương đề xuất.

“Khi Nhà nước không đứng ra giải quyết mà để cho người dân tự giải quyết thì hậu quả rất nghiêm trọng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu

Về việc bỏ tội danh Cố ý làm trái trong dự thảo BLHS, cả ông Thuyền và ông Đương đều bày tỏ sự không đồng tình. Vì nếu bỏ tội danh trên sẽ bỏ lọt tội phạm đi rất nhiều. “Trong vụ án Vinashin, đối tượng Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên và các đối tượng đã gây số nợ lên đến trên 80 nghìn tỷ đồng. Giờ bỏ tội danh trên thì chẳng lẽ lại tha tù cho Bình và các đối tượng. Nếu chúng ta tha thì nhân dân chắc chắn sẽ không đồng tình”, ông Thuyền nêu chính kiến.

Tuy nhiên, đối với tội danh đánh bạc, nhiều ý kiến cho rằng quy định như hiện nay là không còn phù hợp. Theo ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình), việc xử lý hình sự đối với hành vi đánh bạc, luật đã quy định từ rất lâu. Nhưng thực tế xử lý lại rất yếu, dẫn đến đi đến đâu, từ cơ quan nhà nước cho đến các đền, chùa đều thấy đánh bạc diễn ra công khai. “Có rất nhiều vụ bắt bạc dẫn đến chết người. Có vụ còn có đến 4-5 người chết. Có vụ đánh bạc bắt đến 30 người nhưng cuối cùng đều thấy chỉ xử án treo. Dường như bây giờ công an rất thích bắt đánh bạc, nhất là bắt cán bộ công chức đánh bạc”, ông Thường nói. ĐB Lê Đình Khanh (Hải Dương) cũng tán thành với việc bỏ tội danh trên: “Hiện nay Nhà nước vẫn tổ chức cho nhân dân chơi xổ số, lô tô đó, cái đó thực chất cũng là đánh bạc đấy chứ”.

Để người dân “tự xử” - hậu quả khôn lường

Về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), nhiều ĐB cho rằng quy định: “Tòa không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng” là phù hợp. Quy định như vậy sẽ góp phần bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về Tòa án thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý. Nếu chưa có điều luật cụ thể, Tòa án có thể áp dụng nguyên tắc chung của luật, án lệ, nguyên tắc tương tự pháp luật và lẽ công bằng để giải quyết.

Lý giải về điều trên, ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, nếu luật chưa đầy đủ là trách nhiệm của Nhà nước. Tòa không thể lấy cớ “luật chưa có” để từ chối người dân. “Vai trò của thẩm phán khác với nhân viên bán hàng ở siêu thị. Việc phát sinh khi chưa có điều luật thì vẫn phải giải quyết, nếu để người dân tự giải quyết thì hậu quả khôn lường, có thể từ tranh chấp dân sự thành án hình sự nghiêm trọng”, ĐB Thúy lo ngại.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, người dân cần tới Tòa, tới Nhà nước mà lại nói “anh về đi vì không có luật” thì có thể coi là “Nhà nước không có trách nhiệm”. Việc áp dụng án lệ, phong tục, tập quán là một trong những nguồn gốc của pháp luật, khi có lỗ hổng thì cơ quan làm luật bổ sung để từ đó luật pháp phát triển. “Nếu Tòa từ chối thì sẽ là từ chối trách nhiệm và từ chối phát triển luật pháp, từ chối nghĩa vụ, trách nhiệm của các cơ quan được giao trách nhiệm này”, ông Lịch nói. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đặt câu hỏi: “Nếu Nhà nước không  bảo vệ được quyền lợi cho người dân thì để người dân tự xử, như thế có chấp nhận được không?”.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định: “Khi Nhà nước không đứng ra giải quyết mà để cho người dân tự giải quyết thì hậu quả rất nghiêm trọng”. Ông Lưu cho rằng, việc giữ nguyên quy định trên trong dự thảo là sự lựa chọn hợp lý nhất.

MỚI - NÓNG