Đề nghị Chính phủ báo cáo về vụ PMU 18

Đề nghị Chính phủ báo cáo về vụ PMU 18
TP - Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XI, diễn ra từ ngày 16/5 đến ngày 29/6 tới, sẽ dành thời gian để Chính phủ báo cáo về một số vấn đề bức xúc, tiêu cực mà cử tri cả nước quan tâm, đặc biệt là vụ PMU18.
Đề nghị Chính phủ báo cáo về vụ PMU 18 ảnh 1
Đông đảo phóng viên và người dân chứng kiến cảnh bắt Nguyễn Việt Tiến

Các đại biểu đề nghị có báo cáo riêng về vụ tiêu cực tại PMU 18, trách nhiệm của Bộ GT-VT, các bộ, ngành liên quan, của Thường trực Chính phủ và chủ trương xử lý, biện pháp khắc phục các hạn chế của PMU trong thời gian tới...

Phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 4/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An nhấn mạnh: "Kỳ họp thứ 9 là kỳ họp đầu tiên sau thành công của Đại hội Đảng lần thứ X và Luật phòng, chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bắt đầu có hiệu lực, vì vậy Quốc hội-cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cần được báo cáo một cách chính thức về thông tin, diễn biến các vụ việc, nhất là đối với những vấn đề tiêu cực liên quan đến cán bộ của cơ quan công quyền."

Chủ tịch Nguyễn Văn An cũng nêu rõ một số điểm mới được cải tiến trong kỳ họp lần này là không đọc văn bản trả lời chất vấn tại hội trường để có nhiều thời gian đối thoại trực tiếp.

Cũng tại cuộc họp, đa số các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí đề nghị Chính phủ báo cáo về việc quản lý, sử dụng vốn ODA trong thời gian vừa qua, trong đó cần nêu rõ ưu điểm, hạn chế, yếu kém và trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc quản lý.

Các thành viên Ủy ban cho rằng Chính phủ cần có báo cáo riêng về vụ tiêu cực tại PMU18, nêu rõ trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, các bộ, ngành liên quan, của thường trực Chính phủ và chủ trương xử lý, biện pháp khắc phục các hạn chế của PMU trong thời gian tới.

Ngoài vụ PMU18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo về một số vụ việc khác đang thu hút sự quan tâm theo dõi của cử tri và dư luận trong thời gian vừa qua như vụ Cầu Văn Thánh (Thành phố Hồ Chí Minh), việc nộp lại tiền biếu của Tổng Thanh tra Chính phủ,; một đồng chí Thứ trưởng "quên vali có nhiều phong bì tiền" và việc chỉ xử lý các cán bộ có liên quan đến những tiêu cực ở ngành bưu điện, dầu khí bằng hình thức "phê bình" là chưa thỏa đáng.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất rằng Quốc hội - cơ quan đại diện của nhân dân - nên tỏ thái độ trước những vụ việc đặc biệt, nổi cộm và rất bức xúc này để đại biểu Quốc hội có thông tin chính thức báo cáo với cử tri khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp này. Điều đó còn nhằm để dần dần tạo thói quen phản ứng kịp thời của Quốc hội trước những hiện tượng bức xúc trong xã hội.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thu đề nghị: “Trong vụ PMU18, người đứng đầu Chính phủ phải có trách nhiệm và phải trả lời trước QH. Các bộ liên quan như Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính thì đích thân Bộ trưởng phải có báo cáo nghiêm túc và đăng đàn để trả lời chất vấn của đại biểu.

Không thể có chuyện như vừa rồi, sau hàng loạt sai phạm tại các bưu diện tỉnh thì VNPT đã nhận khuyết điểm là tự phê bình nghiêm khắc. Phê bình không nằm trong hình thức kỷ luật nào, nhẹ nhất cũng phải là khiển trách. Nếu các Bộ trưởng có báo cáo nghiêm túc thì chất vấn nhẹ và ngược lại”.

Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nhấn mạnh tất cả những vấn đề do QH đặt ra đều phải do các Bộ trưởng là tư lệnh ngành giải trình. Ông Vũ Đức Khiển đề nghị QH yêu cầu Thủ tướng Chính phủ phát biểu về vụ PMU18.

MỚI - NÓNG