Đệ nhất tôm hùm tre

Ông Nguyễn Minh Châu và những con tôm hùm tre do ông chế tác. Ảnh: H. Văn
Ông Nguyễn Minh Châu và những con tôm hùm tre do ông chế tác. Ảnh: H. Văn
TP - Từ những thân tre, dây chuối, hạt cát, bông gòn…,qua bàn tay tài hoa, biến thành những con tôm hùm ngoe nguẩy y như thật. Tôm hùm tre của ông không chỉ còn là món đồ mỹ nghệ đơn thuần mà đã biến giấc mơ lưu giữ hồn cốt Việt bằng cách tinh tế nhất thành hiện thực.

Ông là Nguyễn Minh Châu (88 tuổi, ở 490 đường Ngô Gia Tự, thị xã An Nhơn, Bình Định), người duy nhất chế tác ra những con tôm hùm tre đi khắp nước, và theo chân du khách sang trời Tây.

Độc đáo tôm tre

88 tuổi, ngoài mái tóc và bộ mày đã bạc trắng thì ông khá minh mẫn, hoạt bát với cách nói chuyện dí dỏm. Ông nói sở dĩ được như vầy là do lao động. Lao động trí óc để không bị lão hóa đầu óc, và lao động chân tay để chống bệnh già. Vì vậy nên người vẫn khỏe mạnh và chưa phải nhờ vả đến con cháu.

Vừa trò chuyện, ông Châu vừa luôn tay vắt những mảnh bông, dán keo rồi cuốn dây chuối để gắn làm râu - một công đoạn để tạo nên con tôm hùm. “Khâu nào cũng quan trọng cả, nếu sai từ những chi tiết nhỏ nhất cũng có thể làm hỏng cả một sản phẩm” – ông nói. Trước kia ông làm một mình, nhưng giờ vợ, con và hai người cháu được truyền dạy lại nên các công đoạn để hoàn thành con tôm hùm được chia đều cho mỗi người.

“Cái gì cũng vậy, mình phải làm tử tế mới có uy tín được. Sở dĩ tôi chưa mở rộng quy mô cũng vậy, mặt hàng mỹ nghệ mà làm ào ào kiểu công nghiệp thì không yên tâm được”.      

Ông Nguyễn Minh Châu

Tre mua về được ngâm dưới ao 6 tháng để tránh bị mối mọt ăn sau này, sau đó được cắt thành khúc theo tính toán để làm phần thân tôm. Đầu tôm được chế tác từ gỗ cây bông gòn nên rất mềm và nhẹ, phủ lớp keo và rải thêm lớp cát mịn để tạo độ nhám như tôm hùm thật. Để kết nối các bộ phận, ông dùng loại keo mình tự chế. Loại keo này ông mày mò tự chế bằng phế liệu, keo không dính tay nhưng khi dán lại rất bền, không bị bung khi gặp nước hoặc để lâu. Đây là bí kíp để ông thành công và tránh bị nhái, cạnh tranh trong nghề. Phần thân tôm được làm bằng những khúc tre tròn, cưa xéo, xếp theo quy cách từ lớn đến nhỏ dần về phía đuôi để tạo độ cong. Râu tôm được làm bằng dây chuối quấn vào sợi thép có thể ngoe nguẩy. Những con tôm tre sau khi được phun lớp sơn, khắc các họa tiết trông in như con tôm hùm thật, ai cũng phải gật gù, ngưỡng mộ.

Đưa hồn Việt sang trời Tây

Ông Châu cho biết, đã làm nghề này được hơn 10 năm nay. Trước đó ông làm nghề đắp tranh nổi nhưng thời thế dần không phù hợp. Hơn nữa, với ông, cái gì cũ, lối mòn, thiếu sáng tạo thì không bền vững được. Ở cái xứ mình tre nhiều nhất nên nếu chế tác ra được điều gì đó độc đáo từ nguyên liệu này sẽ rất thú vị và không sợ thiếu vật liệu. Hình ảnh con tôm, con cua cũng gắn liền với tuổi thơ của không ít người con ở những vùng quê Việt. Bất giác ông nghĩ đến những con tôm bằng tre, ngoe nguẩy, sống động, có thể mang đi khắp nơi như một món quà kỷ niệm. Ông bỏ nhiều ngày quan sát tỉ mỉ từng chi tiết của con tôm, rồi lọ mọ đục, đẽo.

Cái ý tưởng là do ông tự mình nghĩ ra, mày mò nên cũng chẳng có sách vở nào bày dạy, cũng chẳng học được kinh nghiệm từ ai mà chỉ chắt lọc từ cái sai của mình.  Những con tôm đầu tiên thoạt nhìn vào nhiều người đã rất “mê” nhưng ông kiên quyết không bán vì thấy vẫn chưa được hoàn hảo. “Cái gì cũng vậy, mình phải làm tử tế mới có uy tín được. Sở dĩ tôi chưa mở rộng quy mô cũng vậy, mặt hàng mỹ nghệ mà làm ào ào kiểu công nghiệp thì không yên tâm được” – ông Châu nói.

Không quảng bá nhiều, thậm chí đến cái biển để gắn ở ngoài cũng không có. Thế nhưng sản phẩm của ông được nhiều người biết đến. Khách trong Nam, ngoài Bắc gọi điện đặt hàng. Những vị khách ông chưa quen mặt nhưng với cách làm uy tín, sản phẩm của ông chưa bao giờ bị trả lại hay mất khách hàng. “Họ gọi qua điện thoại đặt hàng rồi chuyển tiền vào tài khoản. Đúng ngày tôi cho đóng gói chuyển đúng địa chỉ. Mình làm ăn đàng hoàng, 10 năm nay chưa ai trả hàng hay than phiền gì chuyện chất lượng” – ông chia sẻ.

Tôm tre của ông Châu với ba mức giá, cao nhất 500 nghìn đồng/ con (có gắn đèn ở mắt), con nhỏ hơn giá 250 nghìn/ con và thấp nhất 200 nghìn đồng/ con. Chủ yếu là hàng bán sỉ, các đại lý ở Hà Nội, TP. HCM đặt hàng. Nhiều người nghe danh tìm đến tận cơ sở để mua về làm quà. Không ít những con tôm hùm tre của ông theo chân khách du lịch có mặt ở các nước. “Họ nói có nhiều Việt kiều rất thích sản phẩm này nên đặt hàng mang qua tận Mỹ, Anh làm quà, để ngắm cho bớt nhớ quê. Tôi nghe mà lòng thấy lâng lâng” – ông chia sẻ.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.