Để thuốc tốt, rẻ đến tay người bệnh: Lo hiệu quả chữa bệnh

Ông Nguyễn Duy Thuận, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TPHCM, nói rằng, người bệnh không cần thuốc, họ cần hết bệnh. Ảnh: Như Ý.
Ông Nguyễn Duy Thuận, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TPHCM, nói rằng, người bệnh không cần thuốc, họ cần hết bệnh. Ảnh: Như Ý.
TP - Bác bỏ những ý kiến cho rằng việc tiết kiệm hàng ngàn tỷ đồng trong đấu thầu thuốc tập trung là số ảo do dùng “chiêu” lấy giá kế hoạch trừ đi giá trúng thầu nên hãng dược có thể nâng giá kế hoạch lên, Bộ Y tế khẳng định không có cơ sở và đưa ra nhiều bằng chứng cho thấy việc tiết kiệm là có thật. Tuy nhiên, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về chất lượng thuốc.

Tiết giảm 30% chi phí mua thuốc

Khi đề cập về đấu thầu thuốc tập trung, dược sĩ H.T - trưởng khoa dược một bệnh viện công lập tại TPHCM khẳng định việc làm này có nhiều thuận lợi. “Đấu thầu thuốc tập trung là hình thức tiến bộ mà các nước tiên tiến trên thế giới đã làm. Cái lợi lớn nhất là giá thuốc sẽ rẻ hơn”- ông nói và dẫn chứng: Giả sử ở TPHCM có 30 BV, nếu đấu thầu riêng lẻ thì phải cần có 30 hội đồng thầu, mỗi hội đồng thầu ít nhất có cả chục người. Chi phí thời gian cho hội đồng đó hoạt động xét từ lúc nộp hồ sơ đến khi ra kết quả tốn nhiều thời gian và tiền bạc, công sức của hơn 300 người. Còn đấu thầu tập trung thì chỉ có 30 người, sẽ đỡ hơn 300 người.

“Đấu thầu thuốc tập trung cũng sẽ làm các cơ quan quản lý như Sở Y tế, cơ quan BHXH giảm bớt thời gian, công sức khi xét duyệt danh mục, hồ sơ của công ty đấu thầu. Đơn cử như UBND TP đã quy định giá không được lệch quá 5%, BV đấu thầu xong thì phải dò coi có công ty nào lệch quá 5% không, Sở Y tế và cơ quan BHXH cũng phải dò tương tự”- dược sĩ này nói thêm.

Đồng quan điểm, bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền - Phó giám đốc BHXH TPHCM cho biết, sau hai năm tham gia vào hội đồng đấu thầu thuốc tập trung ở Sở Y tế, BHXH nhận thấy giá thuốc đã ổn định hơn. Đây cũng là lý do mà theo bác sĩ Huyền, trong năm 2015 từ đấu thầu tập trung bảo hiểm xã hội đã kết dư được hơn 1.000 tỷ đồng. Với hàng chục hội đồng đấu thầu ở bệnh viện theo phân quyền lại hiện nay, theo bà Huyền, cơ quan bảo hiểm sẽ không đủ nhân sự để tham gia vào hội đồng thầu. Đó là chưa kể, khi giao cho bệnh viện tự đấu thầu riêng lẻ, tình trạng mỗi nơi mỗi giá chắc chắn sẽ tái hiện như trước đây. “Bảo hiểm xã hội bảo lưu quan điểm đấu tập trung cả thuốc và thiết bị y tế”- bà Huyền nói.

Chứng minh việc đấu thầu thuốc tập trung vào các năm qua là hướng đi đúng, đại diện Cục Quản lý Dược cho biết, trong năm 2016 việc đấu thầu thuốc tập trung đã tiết giảm được 30% chi phí mua thuốc của các cơ sở y tế trên cả nước. Kết quả này được thống kê trên cơ sở so sánh kết quả trúng thầu của các cơ sở y tế trong cả nước theo phương thức mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Cục Quản lý Dược đang áp dụng, đó là so sánh số tiền thực tế mua thuốc sử dụng ở 2 kỳ đấu thầu để mua cùng một loại thuốc với cùng số lượng sử dụng.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, trị giá tiền mua thuốc Levofloxacin 500mg/100mg là 5,249 tỉ đồng cho 36.563 viên vào năm 2013 thì trong năm 2015, 2016 với số tiền 5,613 tỷ đồng mua được đến 52.530 viên, tiết kiệm được hơn 34%; hoặc tiền mua kháng sinh Imipenem + Cilastatin là 4,948 tỷ/17.567 lọ thì khi đấu thầu tập trung chỉ là 11,984 tỷ đồng/57.500 lọ đã tiết kiệm 35% chi phí sử dụng. “Quan trọng hơn là tiết kiệm thời gian, thống nhất giá thuốc so với đấu thầu riêng lẻ”- đại diện Cục Quản lý Dược chia sẻ.

Để thuốc tốt, rẻ đến tay người bệnh: Lo hiệu quả chữa bệnh ảnh 1 Đấu thầu thuốc tập trung được cho tiết giảm chi phí nhưng liệu chất lượng thuốc có giảm?. Ảnh: L.N.

Không dám nói

Khẳng định đấu thầu thuốc tập trung có nhiều lợi ích song dược sĩ T. cho rằng còn nhiều phát sinh. Với một lượng mặt hàng thuốc khổng lồ như vậy thì chẳng có công ty nào đáp ứng được hết, nên khi đấu thầu tập trung, các công ty thường bị thiếu hàng. “Nếu sản xuất dư ra ngay từ đầu, lỡ không trúng thầu thì thuốc đó phải đem hủy; còn trúng thì sản xuất, nhập khẩu không kịp nên hàng luôn bị thiếu. Nguy hiểm nhất, khi nhắm vào giá để đấu thầu tập trung, giá rẻ nhất thì trúng. Trước đây, người ta chú ý đến chất lượng của thuốc, nguyên liệu nhập khẩu từ châu Âu để sản xuất, giá có cao hơn một chút nhưng uống vào rất công hiệu. Còn bây giờ, giá cả quyết định việc trúng thầu nên họ mua nguyên liệu Trung Quốc giá rẻ, không thể kiểm soát được chất lượng nguyên liệu”- ông phân tích.

Nghiêm trọng hơn, theo dược sĩ này nhiều công ty không có nhà máy, xí nghiệp. Họ đăng ký tên của nhà máy gia công, mua nguyên liệu sẵn, gửi gia công, chủ yếu là để kiếm tiền chứ có quan tâm chất lượng. “Các bác sĩ ai cũng biết nhưng không dám nói. Có trường hợp lãnh đạo BV Việt Đức phản ứng chất lượng thuốc A. trước đây uống vài ngày đã khỏi, nhưng giờ cũng loại đó uống cả tuần, bệnh nhân vẫn không hết bệnh. Khi Bộ Y tế khẳng định thuốc A. đã được Bộ kiểm nhập qua giấy tờ, đảm bảo chất lượng tốt. Nếu bác sĩ bảo thuốc kém thì phải chứng minh được trên bao nhiêu người, trên bao nhiêu mẫu, phải có nghiên cứu rõ ràng…Vậy là không ai dám nói, trong khi bác sĩ đều biết điều đó.  Chỉ cần khác nguyên liệu thì chất lượng thuốc đã khác nhau.

Một lãnh đạo của bệnh viện ở TPHCM khẳng định: Bộ Y tế vẫn biện luận là đấu thầu tập trung tiết kiệm mấy ngàn tỷ, nhưng chất lượng điều trị như thế nào mới quan trọng. Trong khi cái này Bộ lại không đánh giá được. “Họ chỉ đánh giá được tiết kiệm bao nhiêu tiền, còn uống hết hay không hết bệnh mới là vấn đề. Chưa kể tác dụng phụ, hậu quả của việc dùng thuốc giá rẻ đó như thế nào… Nếu so sánh trên người bệnh, họ cũng không ham mua thuốc rẻ đâu. Thuốc giá “bèo” thì bệnh nhân cũng không an tâm.

Có cần phải đấu thầu thuốc?

Trao đổi với PV báo Tiền Phong, ông Nguyễn Duy Thuận - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế y tế và Quản trị bệnh viện TPHCM đặt câu hỏi: “Tại sao phải đấu thầu thuốc? Có cần phải đấu thầu thuốc hay không? Theo tôi, không có lý do gì phải đấu thầu thuốc, bởi nó không giải quyết được vấn đề gì cả. Nếu đấu thầu thuốc để có nguồn thuốc giá rẻ hơn cho người bệnh thì phải xem lại, người bệnh không cần thuốc, họ cần hết bệnh. Đấu thầu thuốc có trả lời được câu hỏi là người bệnh sẽ hết bệnh không? Đó mới là vấn đề người bệnh quan tâm”.

Theo ông Thuận, không thể thẩm định được năng lực của nhà thầu, không thể biết doanh nghiệp trúng thầu có khả năng cung ứng số lượng sản phẩm lớn như thế hay không. “Đối với các lô hàng trúng thầu tập trung số lượng lớn, các chi phí liên quan vấn đề logistics - như phí lưu kho, phí vận chuyển, phí theo dõi lô hàng - hết sức lớn. Các doanh nghiệp sẽ không thể đưa các chi phí này vào, vì nếu tính đủ sẽ không thể trúng thầu do giá sản phẩm đội lên rất cao” - ông Thuận phân tích.

MỚI - NÓNG