Đệ tử lưu linh... ký

Đệ tử lưu linh... ký
Bàn nhậu có 5 ông thì 2 ông đã gục xuống từ lúc nào, chỉ còn mình Lâm và một gã nữa vẫn cố trụ dù thần sắc đã "lờ đờ" lắm rồi. Dưới chân bàn, 72 vỏ chai "ken" nằm lăn lóc...
Đệ tử lưu linh... ký ảnh 1
Minh hoạ của Lê Tâm: Công an Nhân dân

Lâm ngoắc anh bồi, kêu thêm 1 két nữa. Lần khui nắp đầu tiên, gã mở có... 6 chai, chia cho anh béo kia một chai, và gã bắt đầu "dàn nạp". Lâm ngửa cổ tu từng chai một. Nhẹ nhàng, chậm rãi. Đến hết chai thứ 3 thì vừa tròn... 3 phút. Gã béo kia thấy vậy thì vội vàng chắp hai tay vái trước khi đổ gục xuống bàn. Lâm cười khẩy, tiếp tục "phân tích rượu"...

Dân Bạc Liêu thứ thiệt, Lâm được giới kinh doanh địa ốc phía Nam (tất nhiên phải là dân nhậu) tôn là "thiên hạ đệ nhất tửu", bởi chưa ai thấy gã say bao giờ.

Gã chưa say thì mọi người đã say trước rồi nên có ai còn biết gì đâu. Nghe đâu, gã được kéo về công ty kinh doanh địa ốc X cũng chỉ vì cái "tài lẻ" này, với nhiệm vụ chủ yếu là đi tiếp khách cùng sếp để uống đỡ sếp những lúc đối tác người ta ép quá.

Cái giống rượu là rượu, bia là bia, cứ phải để riêng ra, anh nào có chức năng riêng của anh ấy, chứ mà trộn chung vào là khốn khổ!. Ấy thế mà gã cũng chẳng nề, uống bia kiểu Hàn Quốc, bên trong cốc bia là một chén rượu nhỏ rồi cứ thế mà làm một hơi cho nó cạn cả bia lẫn rượu. Kiểu uống ấy được dân nhậu Hà Nội bắt chước cũng chẳng khiến gã ngại.

Ra Hà Nội công tác, bạn bè ngoài này nghe tiếng "anh Hai Bạc Liêu" cũng có ý định "dập" cho gã một trận, cho chừa cái "đức" uống rượu. Nhưng mà khổ, các "anh Hai Bắc kỳ" xem ra tửu lượng cũng khá nhưng càng về đêm các anh càng mệt, càng díp cả mắt thì ngược lại, độ sung nhất của gã lại chỉ là lúc "khi ông mặt trời đi ngủ".

Đã có lúc tôi thử phân tích theo khoa học rằng, cơ thể con người ta, nói ngắn gọn là đồng hồ sinh học phải là "ngày thức đêm ngủ". Nghĩa là, cái thời khắc ban đêm, các cơ quan nội tạng đòi hỏi được nghỉ ngơi hoặc có làm việc cũng không thể sung sức như ban ngày. Thế mà với Lâm thì khác. Gã có thể nhậu thâu đêm suốt sáng. Kỷ lục của gã là nhậu lai rai sách bò với rượu đế 32 tiếng liền.

Không ai rỗi hơi cũng như thừa thời gian ngồi đếm xem gã "đi" hết mấy lít rượu, bao nhiêu can bia, nhưng gã đứng dậy đi toa lét bao nhiêu lần thì bà vợ... đếm được. Chỉ khổ cho chị ta, sau cái bữa ấy, tha hồ kỳ cọ toa lét. Mà cái giống đàn ông đã uống nhiều rồi, có biết đường "đi" đúng chỗ đâu. Phúc 3 đời cho vợ gã là nhà gã chưa sắm tủ lạnh, chứ không mỗi lần “đi” là lại thắc mắc "sao toa lét nhà mình cứ mở cửa ra là sáng..." thì quả là...

Không hiểu gã nói thật hay đùa với bạn bè rằng, rượu bia là nước, cứ thải ra được là hết say. Mà cứ phải uống đến khi nào... thải ra rượu mới thích. Gã mượn tuyên ngôn của anh Chí Phèo để nói với mọi người như thế.

Gã ghét cay ghét đắng cái bọn uống rượu dùng tiểu xảo. Gã bảo, dân miền Tây như gã chỉ thích chơi "xanh chín", uống đến bao giờ gục xuống thì thôi.

"Rờ u, rờ iếc (RU21) với gã chỉ là "một con tép đậu trên mép con mèo" mà thôi. Có anh tậu được viên chống say rượu RU21, hí hửng rủ gã đi nhậu, gã biết thừa nhưng "chấp một mắt".

Uống trước 10 lon "ken", anh kia tin rằng hôm nay gã sẽ "chết", ấy thế mà cuộc nhậu kéo dài đến hơn nửa ngày. Gã đợi đến khi viên RU21 của anh kia tụt xuống... bàng quang rồi thì mới tủm tỉm phản kích.

Đời người ta, chẳng có cái dại nào giống cái dại nào, tự nhiên vừa tốn tiền rủ gã đi nhậu, vừa chuốc họa vào thân. Cái ngữ mềm như bún vì rượu rồi á, cứ gọi là nằm ngất ngư thêm vài ngày nữa cũng chưa chắc đã hoàn hồn.

Dân bợm rượu truyền nhau mấy kinh nghiệm dân gian nếu muốn uống rượu không say. Đó là trước khi vào trận, tọng vào vài thìa canh dầu ăn. Họ lý luận rằng, lớp dầu sẽ tráng một lượt khắp dạ dày, bia rượu vào là chịu chết!

Không biết có ai tin không chứ gã thì không tin. Gã chỉ tin vào năng khiếu đích thực của mình, dù rằng, chính gã cũng từng ngạc nhiên khi lần đầu tiên phát hiện ra cơ thể mình "diệu kỳ" đến vậy.

Ấy là năm gã lên 10 tuổi, đi học về khát nước, gã nhấc đại cái chai nút lá chuối rồi dốc ngược tu ừng ực. Lần đầu tiên gã được biết đến cái vị vừa ngọt, vừa thơm lại cay cay thật là... hay hay đến vậy. Gã ghé mồm tu tiếp hơi nữa thì thấy nhà cửa quay vòng tròn, mặt gã phừng phừng đỏ và ngủ luôn một mạch cho đến tối. Từ ấy, men rượu dường như gắn liền với cuộc đời gã.

Đi tiếp khách nhiều, rượu tây rượu ta đủ cả, nhưng gã chỉ khoái nhất là cái anh quốc lủi và hầu như "chưa có đối thủ". Thế nhưng gã bảo, gã chưa biết thua ai về tửu lượng, nhưng lại "kính nể" một người về cái “đức” uống rượu. Đó là một đồng nghiệp mà Lâm phải gọi bằng chú.

Ông này nhân một lần liên hoan công ty có việc phải giải quyết nên đến muộn. Đám con cháu láo toét cứ nhao nhao bắt ông phải uống phạt.

Ông đếm đủ trên bàn có 64 lon bia, chia cho 6 người tức là mỗi người đã xơi đến chục lon. Ông liền giật đủ 10 nắp lon, và 3 lần uống cách nhau 5 phút, ông cho "chổng" đồng loạt 10 lon. Bọn "trẻ con" trong đó có Lâm tái mét mặt. Và đó là lần duy nhất gã chứng kiến ông chú này "biểu diễn nghệ thuật".

Gã tự an ủi, người già có cái lý của họ mà không nên bắt chước. Thực ra trong chuyện này, gã có muốn bắt chước cũng không dám. Hẳn là gã nhớ lại chuyến công tác mới đây ở một tỉnh miền Trung. Số là trong tiệc rượu có một gã mặt mày thì búng ra sữa nhưng lại cứ thích "coi gà mái bằng gà ri, coi tắc xi bằng xe buýt". Chả biết nổi hứng thế nào, gã lại thách "dàn nạp" trăm phần trăm chai Vodka hơn 40 độ.

Mới "đi" được 2/3 thì đã thấy gã mặt búng ra sữa buông chai, trợn ngược mắt, mồm cứ há ra hớp không khí như cá mè mắc cạn, rồi hộc lên như con trâu mộng bị chọc tiết với những tiếng thở gấp gáp.

Cả bàn rượu xanh xám mặt mày, ai nấy đều như bị cấm khẩu. Cũng may, âm đức nhà hắn còn dày. Ông chủ nhà vốn là người có kinh nghiệm, chắc cũng nhờ những lần "chinh chiến" trước đây, mới vội vàng nọc ngay miệng hắn ra, cạo mùn thớt đổ vào, tức thì gã này nôn thốc nôn tháo.

Mệt thì rõ là mệt rồi, không biết bao lâu thì hắn mới tỉnh nhưng mà Lâm sợ. Nhỡ hôm ấy cái thằng mặt búng ra sữa có mệnh hệ gì thì gã ân hận suốt đời.

Đời gã, gã bảo thú nhất là được ngồi cả ngày... “phân tích” rượu, mặc cho thời gian muốn chuyển từ sáng sang trưa hay sang chiều thì... tùy. Thế nên, vợ đầu chịu không nổi nên... bỏ rồi.

Uống nhiều như vậy nhưng được cái gã không thuộc dạng "tục tửu", nghĩa là cứ say rượu là chửi bậy, gây lộn. Uống vào rồi cãi nhau "mặt trăng thuộc nước nào hả mày" như hai cái ông bợm nhậu miền Tây hồi nào, rồi không ông nào chịu nhận mình sai dẫn đến kết quả một ông đi chầu trời vì bị ông bạn rượu xơi cho một nhát dao vào bụng thì đúng là "ngu tửu".

Không đến nỗi như Lý Bạch say rượu rồi lao xuống sông tìm trăng, nhưng cũng có một lần, gã cũng từng nằm ôm... lợn ngủ một mạch không biết trời đất đâu. Đến khi thấy âm ấm, nong nóng ở má mới lè nhè bảo vợ: "Không cần khăn nóng đâu, khăn lạnh cũng được mà...". Hóa ra là lưỡi "anh lợn" đang liếm vào mặt gã.

Số là ở Bạc Liêu cũng như các tỉnh miền Tây quê gã, người ta thường nuôi lợn trong nhà, trời nóng, người nằm trên, lợn lục cục trong gầm giường dũi đất, phên liếp thì toàn lá dừa. Thành ra có hôm nóng quá mà đang độ nhậu, gã dùng chân đạp bung vách cho gió lùa vào tứ phía.

"Có gì đâu, nhà lá, mai lợp lại hết nhiêu công..." - Vợ gã kể rằng, không đếm được bao nhiêu lần gã "phá nhà" để nhậu. Mà chẳng phải chỉ nhà gã mới bị phá, sang nhà các gã bạn khác cũng vậy. Cả đời làm bạn với rượu, đến khi chết mà cũng vì rượu thì quả là một “cái chết sành điệu”, chẳng có gì phải ân hận.

Chẳng biết sau này gã có "tửu tử" không thì không biết, chứ bạn bè gã đã có người gan quắt lại bằng quả cau khô rồi, thời gian sống trên dương thế chỉ còn tính bằng giờ. Thế mà hôm rồi vào thăm, gã vẫn cắp nách cút rượu bé tí rót cho ông bạn vàng mấy giọt gọi là "cho đỡ nhớ".

Bạc Liêu nổi tiếng với những đệ tử Lưu Linh ăn chơi, nhậu quắc cần câu. Đối với họ, nhậu đã thú nhưng nhậu giữa sông, bốn bề trăng thanh gió mát còn thú hơn nhiều.

Họ lý sự rằng, uống rượu trên sông như được uống cả đất trời. Cả ánh trăng, cả sông nước dường như cũng sóng sánh trong cái chu vi vài xăng ti mét ấy.

Các đệ tử Lưu Linh có đồ đựng rượu khá đặc biệt, ấy là một cái... bong bóng trâu. Anh nào cảm thấy chịu không nổi thì ra móc họng cho nôn hết rồi vào uống tiếp.

Quen với cảnh ngồi nhậu giữa sông nước miền Tây nên ra Hà Nội, để kiếm một chỗ nhậu giống như vậy quả là rất khó. Dù Hồ Tây cũng bốn bề lộng gió, cũng sóng sánh ánh trăng, nhưng không được thoải mái ca vọng cổ và thoải mái... nôn, thì có lẽ với các gã này, Hà Nội là một cái gì đó quá... bé nhỏ.

Tôi đã từng ngồi cùng các lãng tử miền Tây và cũng từng chứng kiến những màn "biểu diễn", đổ một lúc 5 chai bia vào 1 bình to, thả vào vài cục đá, rồi thì làm một hơi đi tong, lắc mãi cũng không thấy còn một giọt.

Lại nhớ năm trước, hãng bia hơi của Bỉ tại Hà Nội mở cuộc thi "Uống liền một hơi hết 1 lít bia", nhưng hình như gặp nhiều thí sinh kiểu này quá nên sợ lỗ vốn, lâu rồi không thấy tổ chức thi tiếp!

Theo Hoàng Long
Công anh Nhân dân

MỚI - NÓNG