Để xảy ra mất người, mất tài sản, Chủ tịch UBND địa phương sẽ bị xử lý

Để xảy ra mất người, mất tài sản, Chủ tịch UBND địa phương sẽ bị xử lý
TP - Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Địa phương nào để xảy ra mất người, mất của, không cấp cứu kịp thời tai nạn xảy ra trong bão thì Chủ tịch UBND địa phương đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.

Cuộc họp khẩn của BCĐ PCLB Trung ương với sự chủ trì của Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng hôm qua (4/12) trở nên căng thẳng, khi cơn bão số 9 áp sát nhưng lãnh đạo cũng như nhiều người dân mộ số nơi tỏ ra chủ quan.

Để xảy ra mất người, mất tài sản, Chủ tịch UBND địa phương sẽ bị xử lý ảnh 1

Tàu thuyền neo đậu về nơi an toàn (Ảnh chụp tại Nha Trang chiều 4/12)

Thêm những thông tin mà Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đang điều hành Ban chỉ huy tiền phương đóng tại TP Hồ Chí Minh thông báo khiến buổi họp càng “nóng”.

Điều mọi người lo lắng nhất chính là làm sao để đảm bảo an toàn tính mạng cho hàng vạn người dân các tỉnh.

Việc di dời dân khỏi vùng nguy hiểm được xem là giải pháp tối ưu. Tài sản của người dân để lại sẽ giao cho lực lượng công an và bộ đội trông giữ.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Bằng mọi giá phải thực hiện di dời dân đến nơi an toàn, kể cả phải cưỡng chế. Một số địa phương (như Lâm Đồng, Bình Phước, Bình Dương, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bến Tre...) chậm trễ trong công tác đối phó bão sẽ bị kỷ luật nghiêm khắc, nếu không nhanh chóng khắc phục và triển khai các biện pháp phòng, chống bão”.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Địa phương nào để xảy ra mất người, mất của, không cấp cứu kịp thời tai nạn xảy ra trong bão thì Chủ tịch UBND địa phương đó sẽ bị xử lý nghiêm khắc”.

Đã di dời khoảng 10 vạn dân

Cơn bão số 9 là cơn bão mạnh, có gió cấp 11, cấp 12 giật trên cấp 12. Bão đổ bộ vào thời điểm triều cường, thời gian duy trì cả ngày và đêm trên lãnh thổ Việt Nam và kéo dài đến sáng ngày 6/12. Trước tình hình đó, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo:

1. Đối với các tỉnh ven biển (Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu): Tiếp tục di dời, sơ tán dân kể cả trường hợp cưỡng chế; Bảo đảm an toàn các khu neo đậu tàu, thuyền, không để dân ở lại trên tàu, thuyền đã vào nơi neo đậu và ở lại các khu nuôi trồng thuỷ sản ven biển và đầm phá;

Tổ chức bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; Tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, khu công nghiệp, bến cảng, trường học, bệnh viện, sử dụng các bao tải cát để bảo vệ các mái nhà bằng tấm lợp, cắt tỉa cành cây trong khu đô thị;

Thường trực các lực lượng cứu hộ để xử lý các tình huống đột xuất; Tuỳ tình hình cụ thể của địa phương để chủ động cho học sinh nghỉ học, tránh tai nạn do bão gây ra.

2. Đối với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ (Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh), Tây Nam bộ (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ, Hậu Giang) và Nam Tây Nguyên, Trung Trung Bộ (Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi): Chủ động di dời dân ở những vùng nguy hiểm đến nơi an toàn.

Tổ chức chằng chống nhà cửa đề phòng bão, dông, lốc; Đề phòng mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất và đảm bảo an toàn hồ chứa nước...

Phó Thủ tướng thường trực cũng giao Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố là tổng chỉ huy các lực lượng của địa phương và của trung ương đóng trên địa bàn, huy động toàn bộ hệ thống chính trị trên địa bàn để đối phó với bão; đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và BCĐ PCLB Trung ương kết quả thực hiện đối phó với bão số 9 vào trước các thời điểm 6 giờ, 13 giờ và 18 giờ hàng ngày.

Đặc biệt, một lần nữa, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Các địa phương không được lơ là, chủ quan đối phó bão. BCĐ PCLB Trung ương kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng đối với những địa phương không có báo cáo, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ kỷ luật các cá nhân, tổ chức không thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đối phó bão số 9.

Theo kế hoạch, số người phải di dời tránh bão lên trên 100.000. Trong đó, tỉnh Bình Định: 6.000 hộ/24.000 người; Phú Yên: 1.798 hộ/4.012 người; Khánh Hoà: 2.992 hộ/23.602 người; Ninh Thuận: 2.839 hộ/12.740 người; Bình Thuận: 6.186 hộ/26.071 người; Bà Rịa - Vũng Tàu: 287 hộ/1.504 người...

Đến cuối giờ chiều qua, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm. 

MỚI - NÓNG