Để xe 'nhồi' khách, trách nhiệm thuộc về ai ?

Để xe 'nhồi' khách, trách nhiệm thuộc về ai ?
TPO - Trong những ngày qua, hiện tượng xe khách nhồi người, có xe chở vượt qui định trên 60 người đã gây xôn xao dư luận. PV Tiền phong đã có cuộc trao đổi với ông Thân Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ vận tải (Bộ GTVT) về tình trạng trên.

Năm nào tình trạng xe nhồi khách cứ diễn ra ngang nhiên mà các ngành chức năng “bó tay”, thưa ông?

- Xin nói ngay là, các cơ quan chức năng hiện có đầy đủ chế tài để xử lý những trường hợp này. Trên đường đã có cảnh sát giao thông (CSGT) thường xuyên ứng trực. Trên từng địa bàn lại có chính quyền địa phương quản lý.

Một chiếc xe "lèn" khách, “nhồi” khách không thể qua mặt chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng dễ dàng từ Bắc vào Nam được. Chỉ tính 50 Km từ Hà Nội đến Phủ Lý (Hà Nam) đã có 4 chốt CSGT thường xuyên tuần tra kiểm soát. Nếu như, nhà xe nhồi khách từ tận thôn, xóm thì đã có chính quyền địa phương giám sát.

Liệu nguyên nhân có phải do thiếu xe vận tải khách không?

- Thống kê ban đầu, dịp Tết năm nay, lượng khách đi lại chỉ khoảng 96% so với Tết năm ngoái. Theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các doanh nghiệp vận tải đều đã tăng tải để đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân.

Ước tính, một ngày tàu hỏa cung ứng gần 11 nghìn chỗ, máy bay 8 nghìn. Riêng, đường bộ, cả nước hiện có 8 vạn xe khách nhưng nhu cầu thực tế chỉ cần 3 vạn xe là đủ.

Trước Tết, lượng ô tô khách tăng cường tại TP HCM là 400 và Hà Nội gần 300 xe sau Tết. Dịp trước Tết, đầu TP HCM mới sử dụng đến 80/400 xe dự phòng. Đầu Hà Nội sau tết cũng mới sử dụng 120/280 xe. 

Thực tế, hiện tượng xe nhồi nhét khách không diễn ra tại các bến xe mà chủ yếu diễn ra dọc đường. 

Để xe 'nhồi' khách, trách nhiệm thuộc về ai ? ảnh 1
Ảnh : Anh Thư

Xe thừa nhưng hành khách vẫn khổ sở vì bị nhồi nhét?

- Điều này cũng một phần do thói quen tuỳ tiện của người dân. Xe “nhồi” khách bị phát hiện chủ yếu là xe “dù” chạy lén lút. Họ len lỏi vét khách tận các thôn, xóm và với đủ các loại giá, trong khi các xe khách làm ăn nghiêm chỉnh không làm thế được.

Loại xe này nếu gặp lực lượng tuần tra kiểm soát thì “làm luật”. Đáng lưu ý là, Cục Đường bộ VN đã bố trí cắm hàng trăm biển báo điểm chờ xe đón khách trên quốc lộ 1A nhưng ít xe khách chấp hành theo biển báo.

Người dân thì bạ đâu bắt xe đó. Nhiều xe “dù” còn đến tận nhà đón khách và cho hành khách nợ tiền hoặc thu bằng thóc. Như vậy, chính thói quen của người dân đã tạo điều kiện cho xe lèn khách.

Biện pháp nào để ngăn chặn xe “dù” lèn khách, thưa ông?

- Như đã nói ở trên, CSGT và chính quyền địa phương làm nghiêm thì hiện tượng này không thể tồn tại.

Ví dụ, tại địa phương khi kiểm tra phát hiện chủ xe không có đăng ký kinh doanh, sổ nhật trình... thì chính quyền địa phương có thể ngăn lại. Trước Tết, lực lượng CSGT các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Bình Thuận, Đồng Nai đã tăng cường kiểm tra và làm nghiêm nên phát hiện, ngăn chặn kịp thời được nhiều xe “dù” lèn khách.

Ngoài ra, có lần tôi đã đề nghị với bên công an là nên xây dựng một lực lượng CSGT thống nhất trên toàn tuyến quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau trực thuộc một đầu mối. Lực lượng này có biên chế độc lập với các địa phương. Họ vẫn cắm chốt tại địa phương nhưng chịu sự quản lý từ một đầu mối và hàng ngày có nhật ký công tác cụ thể. 

Xin cám ơn ông

Đình Thắng
Thực hiện

MỚI - NÓNG