Đề xuất bán đấu giá xe quá hạn nộp phạt mà chủ không đến nhận

Bộ Công an đề xuất bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính nếu quá hạn 30 ngày chủ phương tiện không đến nhận
Bộ Công an đề xuất bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính nếu quá hạn 30 ngày chủ phương tiện không đến nhận
TPO - Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong tổng số 136.989 phương tiện tồn đọng có 99.983 phương tiện còn sử dụng được; 37.006 phương tiện đã hư hỏng.

Chiều 12/12, Uỷ ban Pháp luật tổ chức phiên giải trình về tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông đường bộ theo thủ tục hành chính. Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ 4.298.097 phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có gần 249 nghìn ô tô, 4 triệu mô tô. Tính đến tháng 9/2019, tại công an các đơn vị địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện giao thông đường bộ vi phạm hành chính quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, với 722 ô tô, hơn 134 nghìn mô tô, 19 nghìn phương tiện chưa xác định được chủ sở hữu.

Một trong những khó khăn trong tổ chức thực hiện được nêu ra là việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải. Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong tổng số 136.989 phương tiện tồn đọng có 99.983 phương tiện còn sử dụng được; 37.006 phương tiện đã hư hỏng.

Theo quy định, các hành vi bị áp dụng biện pháp tạm giữ xe đều là các hành vi mà người điều khiển phương tiện dễ vi phạm (không có giấy đăng ký xe, vi phạm nồng độ cồn, chưa đủ độ tuổi quy định...) nên số lượng xe bị tạm giữ rất lớn. Trong khi đó, điều kiện cơ sở vật chất tại các nơi tạm giữ phương tiện của công an các đơn vị, địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu.

Cũng theo quy định, các phương tiện tự sản xuất, lắp ráp trái quy định không được tham gia giao thông và bị tịch thu phương tiện. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, việc tịch thu các loại phương tiện này rất khó khăn, chưa được sự đồng thuận của người dân tại các vùng Tây Nguyên, Tây Bắc... Đồng bào vùng sâu, vùng xa, kinh tế gặp nhiều khó khăn, thậm chí tại một số nơi, người dân tập trung, tạo áp lực gây ra sự phức tạp về an ninh chính trị, đối tượng phản động và kích động dễ dàng lợi dụng.

Trước tình hình trên, Bộ Công an kiến nghị rà soát, sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản có liên quan theo hướng: Mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền, nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ. Đồng thời hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục ra quyết định xử lý trong trường hợp người vi phạm, chủ sở hữu sau khi đặt tiền bảo lãnh không đến để tiếp tục giải quyết.

Đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 ngày, Bộ Công an đề xuất giải pháp, nếu người vi phạm không chấp hành quyết định xử phạt thì cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng thì cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện vi phạm hành chính. Đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định thì cần nhanh chóng trả lại cho người vi phạm hoặc chủ sở hữu, người sử dụng hợp pháp.

Ủy ban Pháp luật đánh giá, trên cơ sở quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã cụ thể hóa kịp thời các hành vi bị tạm giữ, tịch thu phương tiện giao thông vận tải đường bộ theo thủ tục hành chính tại các nghị định. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP và quy định hiện hành chưa cụ thể được 2 nguyên tắc trong trường hợp tạm giữ để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, dẫn tới khó khăn trong áp dụng pháp luật, áp dụng không thống nhất hoặc tạm giữ phương tiện trong trường hợp chưa thực sự cần thiêt.

MỚI - NÓNG