Đề xuất Ban tổ chức T.Ư gỡ khó việc sắp xếp cán bộ dôi dư

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh
Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh
TPO - Theo Phó Vụ trưởng Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành, phương án sắp xếp cán bộ dôi dư là một trong những nội dung mà các địa phương gặp khó khăn.

Sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã là một trong những chủ trương lớn đang được triển khai trong thời gian qua. Trao đổi với PV về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết: Đến ngày 17/9/2019, Bộ Nội vụ đã nhận được phương án tổng thể của 41/46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Trong số này đã có 19 tỉnh, thành phố gửi đề án chi tiết và Bộ Nội vụ đã tổ chức thẩm định cho 12 tỉnh. Ngày 21 – 22/9, Bộ Nội vụ tiếp tục tổ chức thẩm định cho 7 tỉnh còn lại. Đồng thời, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ đề án của 2 tỉnh Bắc Giang và Thanh Hóa. Hiện còn 2 tỉnh chưa gửi đề án là TP.Cần Thơ và TP.HCM. Bộ đang thúc các tỉnh sớm hoàn thiện đề án và gửi để Bộ thẩm định.

Theo ông Minh, qua thẩm định đề án, các địa phương đã bám sát các quy định của Đảng và Nhà nước để xây dựng hồ sơ đề án. Nội dung Đề án đã tập trung vào việc sáp nhập nguyên trạng các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để vừa đạt mục tiêu giảm số lượng, vừa tăng quy mô diện tích tự nhiên và dân số của đơn vị hành chính mới hình thành sau sắp xếp; đồng thời xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, giải quyết chế độ, chính sách đối với những người dôi dư theo kế hoạch, lộ trình cụ thể, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật.

Bộ Nội vụ cũng cho biết, theo Nghị quyết 653/2019/UBTVQH14 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, có 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp, trong đó 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp; 4 tỉnh, thành phố mặc dù không có đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng đã đề nghị tiến hành sắp xếp theo diện khuyến khích, gồm các tỉnh: Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Tây Ninh. Theo đó, số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm là 556 đơn vị, trong đó có những tỉnh giảm nhiều như Thanh Hóa, Hòa Bình, Phú Thọ, Hà Tĩnh...

Trao đổi với PV, Phó vụ trưởng Chính quyền địa phương Nguyễn Hữu Thành cho biết, từ phương án tổng thể đã được Bộ Nội vụ cho có ý kiến, các địa phương xây dựng đề án chi tiết lấy ý kiến nhân dân. Đáng lưu ý, phương án sắp xếp cán bộ dôi dư là một trong những nội dung các địa phương gặp khó khăn. 

Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất với Ban Tổ chức Trung ương để có giải pháp tháo gỡ. Trong đó, một trong số các giải pháp tối ưu là giảm dần biên chế theo lộ trình 5 năm, thực hiện chính sách hỗ trợ cho những người thôi việc bằng tiền ngân sách địa phương.

MỚI - NÓNG