Đề xuất bí thư tỉnh ủy không phải người địa phương

Hội nghị Trung ương 7
Hội nghị Trung ương 7
TPO - Nhiều Uỷ viên Trung ương Đảng khi tham gia thảo luận về Đề án cán bộ đã thể hiện sự đồng tình cao với mục tiêu bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Người địa phương dễ rơi vào "nể nang"

Sáng 8/5, thảo luận tại Trung ương về Đề án xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược ngang tầm nhiệm vụ, nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với đề xuất bố trí bí thư cấp tỉnh, huyển không phải là người địa phương.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ Đỗ Văn Chiến, người địa phương thường có mối quan hệ tình cảm họ hàng, anh em, đồng nghiệp… nên nhiều khi khó xử, dễ bị rơi vào tình trạng nể nang, né tránh, khó giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật.

Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đồng tình cao với chủ trương Bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương. Theo Bộ trưởng, chủ trương này chính là một phương pháp để kiểm soát quyền lực tốt hơn, bởi vì Bí thư cấp ủy không phải là người địa phương thì sẽ ít những mối quan hệ gia đình, dòng tộc.

Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng không phải người địa phương sẽ khó khăn trong việc nắm địa bàn, nắm lòng dân. Lấy trải nghiệm từ bản thân, Chủ nhiệm Đỗ Ngọc Chiến thấy rằng việc đi làm Bí thư của huyện khác "thuận hơn so với thiếu hụt phải tìm hiểu" và nhấn mạnh những sự thiếu hụt về địa bàn dân cư thì tự mình có thể tìm hiểu, bù đắp được, nhưng vấn đề tình cảm thì thực sự khó.

Từ những thực tế đã kinh qua, kinh nghiệm của bản thân, Chủ nhiệm Đỗ Ngọc Chiến ủng hộ chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.

Ngăn cho được ‘chạy chức, chạy quyền”

Các ý kiến đều nhất trí với mục tiêu tăng dần tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số trong cơ cấu lãnh đạo chủ chốt các cấp, các ngành; đồng thời phải sớm có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp cán bộ, bảo đảm cơ cấu hợp lý, nâng cao chất lượng.

Nhiều ý kiến đề cập sâu sắc việc kiểm soát quyền lực, làm thế nào để khắc phục cho được tình trạng "chạy chức, chạy quyền", "thân quen, cánh hẩu", quy trình thì đúng nhưng bố trí con người cụ thể lại sai, “nghị quyết rất đúng, rất trúng nhưng việc thực hiện hiệu quả lại thấp".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng, bên cạnh cơ chế kiểm soát, cần có cơ chế khích lệ và động viên cán bộ; có chế độ chính sách về nhà ở, đào tạo, có lộ trình thăng tiến minh bạch.

Theo ông Hùng, muốn cải cách công tác cán bộ thì đầu tiên phải đặt mục tiêu và mạnh dạn giao việc, giao quyền cho cán bộ, khơi dậy năng lực và khát vọng cống hiến, phụng sự, hy sinh. Cán bộ phải có cả đức và tài, đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đánh giá cán bộ phải chú trọng cả thành tích, không chỉ có quá trình công tác, đồng thời phải tạo được môi trường cạnh tranh trong đào tạo cán bộ, có so sánh, đánh giá, chấp nhận thất bại.

Theo TTXVN 

MỚI - NÓNG