Đề xuất bỏ một số án tử hình ở tội phạm kinh tế

Đề xuất bỏ một số án tử hình ở tội phạm kinh tế
TP- Thiếu tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm UB An ninh- Quốc phòng của Quốc hội cho biết: Bộ CA đang nghiên cứu, đề xuất bỏ một số án tử hình ở tội phạm kinh tế như tội lừa đảo.
Đề xuất bỏ một số án tử hình ở tội phạm kinh tế ảnh 1
Thiếu tướng Trần Đình Nhã

Sáng 31/10, bên lề phiên họp của Quốc hội, báo chí đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Trần Đình Nhã (Phó Chủ nhiệm Ủy ban An ninh - Quốc phòng của Quốc hội, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công an), về một số vấn đề liên quan đến tội danh tham nhũng.

Thiếu tướng Trần Đình Nhã cho biết: Bộ Công an đang nghiên cứu, đề xuất bỏ một số án tử hình ở tội phạm kinh tế như tội lừa đảo, còn những tội như tham ô, nhận hối lộ... là vấn đề khác. Bởi tham nhũng hiện đang là quốc nạn, chúng ta coi tội phạm tham nhũng như giặc nội xâm, nếu bỏ án tử hình đối với những tội ấy thì dư luận không đồng tình.

Thưa ông, Bộ luật Hình sự có quy định hình phạt tử hình, nhưng thực tế đến nay mặc dù tham nhũng diễn biến nghiêm trọng, nhưng chưa có đối tượng nào bị tử hình?

Đúng vậy, bởi chúng ta chưa chứng minh được người nào nhận hối lộ hàng tỷ đồng, mức tiền đủ để kết án tử hình. Thông thường chỉ chứng minh được tội phạm nhận hối lộ tài sản không lớn như đầu đĩa, mấy nghìn USD, chứ không chứng minh được trường hợp nào nhận bao nhiêu tỷ, bao nhiêu trăm nghìn USD. Nếu chứng minh được hành vi tham ô, nhận hối lộ lớn như thế, tôi nghĩ Tòa án cũng không ngần ngại gì khi tuyên án tử hình.

Có hình phạt nhưng chưa bao giờ áp dụng trên thực tế, vậy có làm giảm tính răn đe của hình phạt, thưa ông?  

Một số vụ án tham nhũng vừa qua, nói vụ án nghiêm trọng, nhưng hành vi tham nhũng chỉ được chứng minh rất ít, chủ yếu lại là hành vi thiếu trách nhiệm.

Hiện trong các vụ án, có nhiều hành vi sai rõ ràng, đối chiếu theo quy định họ phải làm như thế này nhưng lại không làm hoặc làm không đến nơi, dẫn tới hậu quả nghiêm trọng, cuối cùng cơ quan điều tra (CQĐT) thường quy về tội thiếu trách nhiệm.

Bởi nếu người có trách nhiệm mà không thiếu trách nhiệm thì sẽ không xảy ra hậu quả, vậy nếu không xử lý tội thiếu trách nhiệm thì xử lý tội nào, khi không chứng minh được tham ô, nhận hối lộ...

Thực tế điều tra các vụ án tham nhũng rất khó. Cho nên, CQĐT muốn làm rõ để xử lý nghiêm nhiều hành vi nhưng khó khăn trong việc chứng minh.

Tại Trung Quốc, đã có nhiều đối tượng tham nhũng bị tử hình, thưa ông?

Vì họ điều tra làm rõ được những vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, có thể lên tới hàng triệu USD. Còn chúng ta chưa điều tra được vụ án tham nhũng nào như thế, chỉ mấy chục ngàn USD trở lại. Với số tiền tham nhũng như thế, lại có những tình tiết giảm nhẹ, thì đối chiếu khung hình phạt là chưa đủ để tử hình.

Còn việc chúng ta nghi ngờ người này, người kia có thể tham nhũng hàng triệu USD hoặc lớn hơn, nhưng không có chứng cứ chứng minh thì cũng không thể xử lý tử hình được.

Nguyên nhân có nhiều, trong đó có tổ chức bộ máy của chúng ta, rồi quy định của pháp luật. Cụ thể đây là cơ quan tư pháp, pháp luật đã quy định các cơ quan tư pháp việc phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, tức “thượng phương bảo kiếm” đã giao rồi, chỉ việc vận dụng cho đúng.

Có ý kiến cho rằng một điều tra viên cấp tỉnh, nếu được giao đi xử lý vụ việc liên quan cán bộ lãnh đạo cấp sở, thậm chí trong Tỉnh ủy, sẽ thiếu sự độc lập?

Pháp luật của ta chưa quy định cho phép CQĐT những thẩm quyền có tính chất tương đối đặc biệt, như điều tra bằng biện pháp kỹ thuật, hay là việc “cài cắm” người vào các tổ chức nghi vấn tham nhũng.

Chúng tôi cũng đề nghị khi chỉnh lý Bộ luật Tố tụng hình sự, cần có điều chỉnh quy định đối với các biện pháp điều tra để phù hợp thông lệ quốc tế hiện nay.

Một số biện pháp kỹ thuật quốc tế cho phép như nghe trộm điện thoại, dùng kỹ thuật theo dõi ngầm..., nhiều nước đã áp dụng trong điều tra. Tất nhiên, khi làm như vậy phải phù hợp với thực tiễn đất nước và tuân thủ quy định chặt chẽ.

Nếu không áp dụng những biện pháp như vậy, sẽ rất khó điều tra các loại tội phạm nguy hiểm, trong đó có tội tham nhũng. Đối với tội phạm ma tuý, hiện pháp luật đã cho phép được sử dụng các biện pháp nghiệp vụ như trên, còn đối với các loại tội phạm khác, cho đến nay chúng ta chưa mở ra theo hướng này.

Ngoài ra, tổ chức CQĐT trong chừng mực nào đó độc lập hơn, điều tra viên cũng được độc lập hơn trong hoạt động điều tra của mình. Chỉnh lý theo hướng đó, chúng ta mới có thể đẩy mạnh hoạt động chống tham nhũng nói chung và điều tra án tham nhũng nói riêng.

Cảm ơn ông!

Võ Văn Thành ghi

MỚI - NÓNG