Đại biểu Quốc hội:

Đề xuất cho ở nhà làm việc thay vì đến cơ quan

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội)
TPO - Theo đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), với khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin, người lao động có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Mặt khác, làm việc ở cơ quan chưa chắc hiệu quả bằng ở nhà.

Làm việc ở cơ quan chưa chắc hiệu quả bằng ở nhà 

Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng đánh giá, sau 5 năm áp dụng cơ chế đặc thù, có thể nguồn thu của TP. HCM tăng lên nhiều. Nhưng có một câu hỏi đặt ra ở đây là việc đảm bảo phát triển bền vững sẽ thế nào? Lưu ý đến việc tăng sức hấp dẫn môi trường đầu tư, ông Hiểu đề nghị không tăng thuế suất như dự thảo đề nghị.

Ủng hộ chủ trương tăng thu nhập cho cán bộ, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, đi kèm với đó nên cho TP. HCM quy định về tuyển dụng cán bộ, thu hút nhân tài, không nên thi tuyển cứng nhắc như hiện nay.

Thậm chí, đại biểu Ngọ Duy Hiểu còn đề xuất giải pháp thí điểm cho cán bộ, công chức viên chức một số lĩnh vực có thể làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan. Theo ông Hiểu, nhiều lĩnh vực cán bộ công viên chức có thể chỉ đến cơ quan 1- 2 ngày mỗi tuần. Khi đến cơ quan, chưa chắc hiệu quả làm việc đã cao hơn ở nhà. Trong khi đó, người lao động khi ra đường kéo theo nhiều hệ lụy như gây ùn tắc giao thông, mất nhiều thời gian, chi phí điện nước…

“Khuynh hướng của thời đại công nghệ thông tin nên có thể làm việc ở nhà thay vì đến cơ quan. Đến cơ quan chưa chắc làm việc đã hiệu quả bằng ở nhà”, ông Hiểu nói.

Liên quan đến tăng thu cho cán bộ, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, TP. HCM có thể tăng thêm mức thu nhập, nhưng đi kèm theo đó phải thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người, tuyển dụng người có năng lực, sàng lọc cán bộ yếu kém. Cũng theo đại biểu, đã ủy quyền thì phải gắn với trách nhiệm của các cấp, tránh cấp đó không hoàn thành lại đùn đẩy công việc lên cấp trên.

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) đánh giá, những cơ chế đặc thù cho TP. HCM còn mạnh hơn cả đặc khu kinh tế, vì đặc khu ở tương lai, còn cơ chế đặc thù này lại áp dụng ngay. Cơ chế đặc thù trao rất nhiều quyền cho TP. HCM, nhưng theo đại biểu, đi kèm với nó, phải nằm trong khuôn khổ, đảm bảo tính hiệu quả.

Nhất trí với việc áp dụng tăng thu nhập cho cán bộ, công viên chức, nhưng theo đại biểu Quân, TP. HCM phải đảm bảo tỉ lệ chi thường xuyên giảm nhanh. “Tăng lương, chi thường xuyên phải giảm nhanh hơn tốc độ bình quân cả nước”, ông Quân lưu ý.

Mở rộng thu thuế môi trường, thuế tài sản...?

Đề cập đến hạn mức vay, đại biểu Vũ Lưu Mai lo ngại khi điều chỉnh mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố, trong khi đó quy định hiện hành, thậm chí Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cũng chỉ dừng lại ở mức 70%. Theo bà Mai, tới đây các địa phương khác cũng đưa ra đề nghị như vậy, từ đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến an toàn nợ công.

Về cơ chế thu nhập tăng thêm của cán bộ, công viên chức, bà Mai đồng tình cơ chế đặc thù này để thu hút nguồn nhân lực cho thành phố. Bà Mai cũng liên hệ tới đặc thù của thủ đô, Hà Nội cũng không nên chần chừ áp dụng.

Đồng tình với việc ban hành nghị quyết, song đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề nghị cân nhắc khi cơ chế đặc thù quá chú trọng vào tài chính, tăng thu để có đồng vốn nhiều hơn. Điều này là cần thiết, nhưng nếu quá chú trọng vào việc đó chưa chắc đã tạo được sự phát triển bền vững. “Cần tăng đặc thù trong thu hút đầu tư, thúc đẩy đầu tư, phải có cơ chế thu hút đầu tư đặc biệt ở đây”, ông Cường nêu.

Với lĩnh vực tài chính, đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị phải hết sức cân nhắc trong việc tăng thuế, phí, vì giải pháp này chưa chắc đã tăng thu. Thay vào đó, theo ông Cường, có thể mở rộng đối tượng thu thuế mới. TP HCM có nhiều tiềm có thể áp dụng tăng thu, như thuế môi trường, hay thuế tài sản, phí du lịch lưu trú… Nếu TP HCM thí điểm làm tốt, có thể áp dụng rộng rãi ra cả nước.

MỚI - NÓNG