Đề xuất dưới 18 tuổi vẫn là trẻ em

Theo Dự thảo Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em, chưa đến 18 tuổi vẫn được coi là trẻ em. Ảnh: Như Ý
Theo Dự thảo Luật Bảo vệ Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em, chưa đến 18 tuổi vẫn được coi là trẻ em. Ảnh: Như Ý
TP - Tại Hội thảo về Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em sửa đổi tổ chức sáng 12/9, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) Vũ Thị Kim Hoa cho biết, trong dự thảo đã đề xuất nâng độ tuổi của trẻ em thêm 2 tuổi so với hiện nay. Quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi đảm bảo sự hài hòa với luật pháp quốc tế, phù hợp với xu thế chung của đại đa số các nước trên thế giới. 

Hiện nay, có 54 nước quy định tuổi trẻ em là dưới 18. Chỉ có 6 nước là quy định giống Việt Nam độ tuổi trẻ em là dưới 16. 


Theo bà Hoa, xét về khía cạnh thể chất, nhận thức, tâm lý, tình cảm, đạo đức và xã hội thì các nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đều chỉ ra rằng độ tuổi dưới 18 là độ tuổi còn non nớt về thể chất, trí tuệ, tinh thần, quan hệ ứng xử chưa chín chắn và chuẩn mực. 

Do vậy, các em trong độ tuổi này cần được quan tâm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, tạo điều kiện cho các em phát triển toàn diện. Đây cũng là giải pháp phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao. 

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, do năm 2004 đề xuất nâng tuổi trẻ em chưa được chấp thuận vì ngân sách Nhà nước còn khó khăn. 

Đến nay cần sửa đồng bộ với các luật khác để nâng tuổi trẻ em lên 18 tuổi theo đúng khuyến cáo của quốc tế. “Khi xảy ra vụ án Lê Văn Luyện nhiều ý kiến đề xuất giảm độ tuổi trẻ em, tôi cho rằng đó là những quan điểm sai lầm. 

Ở độ tuổi dưới 18 các em chưa hoàn thiện bản thân nên vẫn cần được quan tâm, giáo dục để các em hướng thiện chứ không phải là loại bỏ những cá nhân phạm tội ở độ tuổi dưới 18 khỏi cộng đồng”, ông An nói. Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống giám sát chất lượng độc lập về đảm bảo quyền trẻ em ở các cấp. 

Điều này sẽ chặn đứng được tình trạng bạo hành trẻ em đã xảy ra trong thời gian qua. “Luật có đầy đủ các quy định về bảo vệ trẻ em nhưng chính vì không có đủ các nhà trẻ công lập mà nhiều gia đình nghèo, công nhân phải chấp nhận gửi trẻ tại các cơ sở tư thục với nỗi lo bị bạo hành”, ông An nói. 

Dự thảo luật cũng cần bổ sung nội dung mọi trẻ em đều được hưởng dịch vụ toàn diện trong 1.000 ngày đầu đời. TS Trần Tuấn, Giám đốc RTCCD cũng cho rằng, trong 3 năm đầu đời các em cần được nhà nước chăm sóc toàn diện, không để như hiện nay, lẫn lộn giữa tiêm phòng vắc xin dịch vụ và vắc xin nhà nước. 

“Chính điều này đã khiến các cơ sở y tế chỉ chăm chăm tổ chức tiêm vắc xin dịch vụ, quyền trẻ em đáng được hưởng là tiêm chủng vắc xin nhưng cha mẹ đang phải bỏ ra 500- 600 nghìn cho mỗi lần tiêm vắc xin dịch vụ”, ông Tuấn nói.

Quy định trẻ em là người dưới 18 tuổi đảm bảo sự hài hòa với luật pháp quốc tế, phù hợp với xu thế chung của đại đa số các nước trên thế giới. Hiện nay, có 54 nước quy định tuổi trẻ em là dưới 18. Chỉ có 6 nước là quy định giống Việt Nam độ tuổi trẻ em là dưới 16.

MỚI - NÓNG