Đề xuất đường rộng 7m trở lên sẽ được đỗ xe một bên

Áp lực giao thông tăng cao những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
Áp lực giao thông tăng cao những ngày cận Tết Nguyên đán Mậu Tuất.
TP - Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an thành phố Hà Nội cho biết,  đã đề xuất những tuyến phố có diện tích lòng đường từ 14m trở lên được đỗ xe hàng dọc 2 bên đường, thu tiền theo quy định. Những tuyến đường có mặt cắt từ 7 m trở lên thì được đỗ ô tô một bên đường. 

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an thành phố Hà Nội nhận định, 1.300 chiến sĩ CSGT căng mình trên phố cũng khó có thể đáp ứng được bởi áp lực giao thông ngày càng gia tăng, các công trình thi công kéo dài, chậm tiến độ khiến mặt đường bị thu hẹp. Do đó, để giảm ùn tắc, cần các giải pháp đồng bộ và từ chính ý thức của người tham gia giao thông.

Dù rất nhiều nỗ lực, nhưng Hà Nội vẫn là “điểm nóng” về ùn tắc giao thông, đặc biệt là những ngày cuối năm này, thưa ông?

Ngay từ đầu năm 2017, áp lực giao thông tại thành phố đã hết sức nặng nề. Trong hoàn cảnh thành phố có tới 113 công trình xây dựng lớn đang thi công, trong đó có những công trình trọng điểm như: Đường sắt trên cao chạy trên toàn bộ tuyến Hà Đông - Cát Linh, Nhổn - Kim Mã; Tuyến đường Yên Phụ đang rào chắn để làm cầu vượt An Dương… Ngoài ra là các công trình xây dựng nhà ở, chung cư… Giao thông qua những điểm này hết sức phức tạp, bởi phương tiện thì tiếp tục gia tăng trong khi đường sá không những không được cải thiện mà còn bị thu hẹp bởi rào chắn.

Hiện nay các công trình trên địa bàn Thủ đô thi công còn chậm, nhiều nơi gần xong nhưng điểm rào chắn để nguyên đó. Đây cũng là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông, bởi chỉ cần va chạm do không nhường nhịn là có thể ùn ứ cả một tuyến.

Một nguyên nhân nữa là tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân rất nhanh. Hiện, Phòng CSGT Hà Nội đang quản lý gần 600.000 xe ô tô, 6 triệu xe máy, chưa tính xe các địa phương về công tác, học tập, chưa kể xe của trung ương, quân đội quản lý, các phương tiện xe đạp, xích lô, xe máy điện… Nhiều tuyến đường mật độ tăng từ 8 - 10 lần so với thiết kế, lực lượng CSGT chốt chặn gần như không có ngày nghỉ trong dịp cận Tết, tuy nhiên sức người không thể căng ra khắp nơi nếu không đưa khoa học kỹ thuật vào quản lý, trong khi Thủ đô các nước có cả nghìn camera để quản lý giao thông và xử phạt người vi phạm thì Hà Nội chỉ có hơn 100 camera, nên gần như không thể giải tỏa hết các điểm ùn ứ.

Vậy Phòng CSGT Hà Nội đã có những phương án gì để giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn, đặc biệt vào dịp cận Tết Nguyên đán, thưa ông?

Chúng tôi đã có tới 6 kế hoạch đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn thành phố.  Trong đó, xây dựng phương án đảm bảo giao thông cho nhân dân đi lại 63 điểm chợ hoa, chợ Tết đã được thành phố quy định và 30 điểm dự kiến bắn pháo hoa trong đêm giao thừa. Quan tâm bố trí lực lượng đến các điểm trọng tâm như xung quanh hồ Hoàn Kiếm, công viên Thống Nhất, sân vận động Mỹ Đình… Ngoài những điểm đó, 15 tuyến quốc lộ ra vào thành phố và 6 bến xe trên địa bàn cũng là những nơi cần quan tâm.

Các tuyến đường áp lực giao thông lớn đều có lực lượng bố trí ứng trực, phân luồng giao thông giờ cao điểm.

Tiếp đó, việc tổ chức giao thông cũng phải làm bài bản, khoa học. Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất với lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố, Giám đốc Công an thành phố quan tâm chỉ đạo cơ quan chức năng trong công tác tổ chức giao thông. Tổ chức tốt kết nối các tuyến nội thành, ngoại thành, các tuyến hướng tâm. Nếu tổ chức giao thông tốt, hướng dẫn phân luồng tốt sẽ giảm tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Còn về những giải pháp lâu dài để đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc trên địa bàn Hà Nội là gì, thưa ông?

Việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông không chỉ là phần việc của CSGT mà còn là trách nhiệm của tổng thể các lực lượng khác: Công an phường, quận, lực lượng tự quản, thanh tra giao thông… Ngay chính quyền địa phương cần có phân công, bố trí lực lượng để giải quyết tình hình đó. Riêng lực lượng CSGT không đủ để dàn trải trên 4.000 nút giao thông, 360 nút giao thông trọng điểm và 15 tuyến quốc lộ trên địa bàn.

Bên cạnh đó, nhu cầu điểm đỗ đối với nhân dân Thủ đô rất quan trọng, cần đặt lên hàng đầu để có giải pháp các điểm đỗ xe trên cao, dưới hầm… Chúng tôi đã đề xuất những tuyến phố có diện tích lòng đường từ 14m trở lên được đỗ xe hàng dọc 2 bên đường, thu tiền theo mức phí UBND thành phố quy định. Những tuyến đường có mặt cắt từ 7 m trở xuống thì được đỗ ô tô một bên đường. Đã được đỗ ô tô một bên đường thì xe máy cũng có thể xếp như vậy chứ không nhất thiết cho đỗ xe máy trên vỉa hè, tránh ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân, đặc biệt là vỉa hè những tuyến phố cổ, vốn nhỏ hẹp. Ngoài ra, nếu kêu gọi xã hội hóa đầu tư các điểm trông giữ xe hiện đại sẽ giải toả ùn tắc rất nhiều. Ngoài ra, cũng có cần có những giải pháp dài hơn như trong Đề án tăng cường quản lý phương tiên đường bộ mà HĐND thành phố đã thông qua tháng 8/2017 như hạn chế phương tiện trong một số khu vực trung tâm; phát triển giao thông công cộng và thu phí vào nội đô. Tuy nhiên, những giải pháp này cần lộ trình để thực hiện.

Một vấn đề nữa tôi muốn nhấn mạnh là ý thức của người cán bộ thực thi công vụ và người tham gia giao thông. Tôi đã nói với các cán bộ chiến sĩ CSGT, mỗi chiến sĩ hãy làm tốt nhất nhiệm vụ được giao, không chịu một can thiệp nào khi đang thực thi nhiệm vụ. Mỗi người tham gia giao thông cũng cần nâng cao ý thức, góp phần cho giao thông Thủ đô ngày một phát triển. Như vậy người dân sẽ ủng hộ chúng ta như ủng hộ các tuyển thủ ở đội tuyển U23 Việt Nam, các em đã đá bóng cống hiến hết mình vì Tổ quốc thiêng liêng thì cả dân tộc đều đồng lòng ủng hộ.

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.