Đề xuất tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng

TP - Trao đổi với Tiền Phong về con số 35 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIV dự kiến là người ngoài Đảng, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng “quá thấp”, chưa phản ánh được tính đại diện của 90 triệu quần chúng nhân dân. Ông Túc đề nghị, bên cạnh việc tăng số lượng thì nhiệm kỳ tới nên tạo điều kiện để người ngoài Đảng đảm nhận các vị trí quan trọng trong bộ máy.

Đề nghị tăng gấp đôi

Theo ông Nguyễn Túc, trong những khoá gần đây, có rất nhiều người ngoài Đảng khi vào QH đã phát huy được năng lực, trí tuệ, nói lên được những tâm tư và nguyện vọng chính đáng của quần chúng nhân dân. Điển hình, ĐBQH Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc,… “Trên nghị trường, những đại biểu đó không ngại va chạm, nói được những vấn đề bức xúc của cuộc sống và những lo lắng, mong muốn của quần chúng nhân dân về công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo… Họ luôn luôn được cử tri tin tưởng, yêu mến. Do đó, trong nhiệm kỳ tới, người ngoài Đảng cần có vị trí xứng đáng, không chỉ trên tư cách là đại biểu QH, HĐND mà còn cả ở những chức vụ quản lý quan trọng trong bộ máy”, ông Túc nói.

“Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử QH khóa XIV vừa qua do Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, một số đại biểu đã đề nghị tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng lên gấp đôi, thậm chí tăng lên 100 người. Bởi họp QH đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng. Có tăng tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng thì mới phản ánh được hết những tâm tư nguyện vọng của người dân đến Đảng và Nhà nước”. 

Ông Cao Sỹ Kiêm

Phân tích về tỷ lệ cơ cấu đại biểu ngoài Đảng, ông Cao Sỹ Kiêm, ĐBQH khoá XII, XIII cho rằng, trong hai khóa QH gần đây, luôn có khoảng 42 - 43 người ngoài Đảng. Vì thế, dự kiến cơ cấu ĐBQH ngoài Đảng khóa XIV chỉ có 35 người thì so với trước là “lẻ loi” quá. “Tại hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về bầu cử QH khóa XIV vừa qua do Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, một số đại biểu đã đề nghị tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng lên gấp đôi, thậm chí tăng lên 100 người. Bởi họp QH đâu phải hội nghị đảng viên mở rộng. Có tăng tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng thì mới phản ánh được hết những tâm tư nguyện vọng của người dân đến Đảng và Nhà nước”, ông Kiêm nói.

Đề cập đến Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Hiến pháp năm 2013 xác định, tất cả quyền lực, quyền làm chủ thuộc về nhân dân, ông Túc cho rằng, tinh thần đó cần được phát huy cao độ trong lần bầu cử QH lần này. “Muốn quyền làm chủ của nhân dân được thực thi thì ĐBQH là người ngoài Đảng phải cao hơn con số 35. Bởi phần lớn người dân hiện nay là người ngoài Đảng, trong Đảng thì chỉ có 4,5 triệu người thôi. Ủy ban Bầu cử và Ủy ban Thường vụ QH cần phải xem xét lại để tăng số người ngoài Đảng tham gia vào QH và HĐND một cách hợp lý”, ông Túc nói.

Đề xuất tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng ảnh 1

ĐBQH Nguyễn Lân Dũng. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Dân làm được thì nên để dân làm

Trao đổi với Tiền Phong về cơ cấu ĐBQH ngoài Đảng khóa XIV, ông Hà Minh Sơn, Phó trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, cơ cấu định hướng là khoảng 35 người và có thể đến 50 người. Tuy nhiên, đây  mới chỉ là cơ cấu định hướng, chứ không phải đã “chốt” nên sau khi các địa phương có kiến nghị, Ủy ban Bầu cử, Ủy ban Thường vụ QH sẽ xem xét. Ông Sơn cho rằng, những cá nhân ngoài Đảng, nếu thấy mình có đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì có thể làm đơn xin ứng cử vào QH. Số lượng ĐBQH ngoài Đảng hoàn toàn có thể tăng thêm.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Túc cho rằng, nếu Ủy ban Bầu cử, Ủy ban Thường vụ QH không điều chỉnh dự kiến cơ cấu thì việc tăng được tỷ lệ ĐBQH ngoài Đảng khóa XIV là rất khó. “Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã chỉ rõ trong nhiệm kỳ này phải đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế. Vì thế, những cái gì mà người dân làm được thì nên để cho nhân dân làm. Người ngoài Đảng vào QH, HĐND nhiều thì sẽ thể hiện được tiếng nói của quần chúng nhân dân một cách rõ ràng hơn”, ông Túc nói.

Từng là ĐBQH ngoài Đảng các khoá X, XI, XII, ông Nguyễn Lân Dũng cho rằng, cơ cấu chưa phải là tất cả, điều quan trọng là chất lượng đại biểu ngoài Đảng đến đâu, có thực sự là những đại biểu ưu tú đại diện cho 90 triệu quần chúng nhân dân hay không? Thực tế, theo ông Dũng, có những người khi ứng cử thì là người ngoài Đảng, nhưng sau khi vào QH được một vài tháng lại được kết nạp vào Đảng, rất bất cập. “Đã là người ngoài Đảng thì từ đầu nhiệm kỳ cho đến cuối nhiệm kỳ đều phải là người ngoài Đảng. Chứ khi ứng cử là người ngoài Đảng, đến khi trúng cử rồi lại làm đơn xin vào Đảng sẽ làm mất đi tính đại diện, ảnh hưởng đến quyền lợi và nguyện vọng mà cử tri đã bỏ phiếu bầu cho”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, việc cơ cấu đề ra chỉ có 35 người đại diện cho hàng chục triệu dân ngoài Đảng vào QH là quá thấp, chưa phản ánh đầy đủ tính tiêu biểu. “Có những cái mà trên nghị trường Đảng viên không nói được thì đại biểu ngoài đảng có thể nói lên được. Do đó, việc điều chỉnh cơ cấu để tăng tỷ lệ người ngoài Đảng vào QH là hợp lý”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.