Quảng Nam:

Đề xuất thuê chuyên gia theo dõi vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện

Nhiều người lo ngại việc xả lũ của hồ thủy điện nếu không phối hợp chặt chẽ với địa phương sẽ gây thiệt hại đến sản xuất của người dân hạ du. Trong ảnh Hồ thủy điện Sông Tranh 2 vận hành điều tiết xả lũ.
Nhiều người lo ngại việc xả lũ của hồ thủy điện nếu không phối hợp chặt chẽ với địa phương sẽ gây thiệt hại đến sản xuất của người dân hạ du. Trong ảnh Hồ thủy điện Sông Tranh 2 vận hành điều tiết xả lũ.
TP - Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Quảng Nam vừa đề xuất phương án thuê chuyên gia phục vụ công tác theo dõi, tham mưu ra quyết định vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn trong mùa mưa lũ 2017. 

Theo đó, dự kiến thuê 2 chuyên gia là nhà khoa học tại Trường ĐHBK Đà Nẵng và Viện Khoa học thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên. Hiện, văn phòng thường trực BCH PCTT & TKCN đã xây dựng phương án, trình lãnh đạo Ban xem xét, báo cáo lên UBND tỉnh phê duyệt. 

Sáng 24/8, tỉnh Quảng Nam tổ chức cuộc họp với các nhà máy thủy điện, phó chủ tịch các huyện về phối hợp phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ 2017.

Nhiều vấn đề được đặt ra tại cuộc họp liên quan công tác chuẩn bị ứng phó với thiên tai, công tác phối hợp trong công tác quản lý vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du trong mùa mưa lũ.

Theo Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Quảng Nam, đến nay UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Công Thương đã phê duyệt 12 phương án phòng chống lũ lụt, bảo đảm an toàn đập của các thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Sông Tranh 2, Đak Mi 4A – B, Sông Bung 4, Sông Bung 6, Khe Diên, Za Hung, An Đềm II, Đak Mi 4C, Sông Bung 4A, Đak Sa.

Từ ngày 22/8 đến 8/9, Sở Công Thương thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng chống lụt bão, công tác quản lý an toàn đập năm 2017 của các nhà máy thủy điện.

Dù chưa vào mùa mưa bão nhưng hiện nay, mực nước thượng lưu các hồ chứa thủy điện đang ở mức cao so với mực nước tối thiểu quy định, đặc biệt là thủy điện A Vương và Sông Tranh 2 (A Vương 32,27m/340m; Sông Tranh 2 159,84m/140m). Nhiều ý kiến lo ngại, việc xả lũ tại các hồ thủy điện nếu không có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương sẽ gây ảnh hưởng tới sản xuất của người dân vùng hạ du.

Ngoài ra, hệ thống loa cảnh báo chưa phát huy hiệu quả. Loa phát cảnh báo chỉ cảnh báo xả tràn của thủy điện chứ không có thông tin cảnh báo lũ cho người dân; việc tiếp nhận thông tin xả lũ đến người dân còn chậm…

Theo ông Lê Trí Thanh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cần nghiên cứu tích hợp thông tin cảnh báo lũ và cảnh báo xả tràn trong hệ thống loa cảnh báo; Nghiên cứu phương án nhắn tin đến từng người dân các thông tin về xả tràn, xả lũ… để người dân chủ động nắm bắt thông tin hạn chế thiệt hại; Tổ chức đưa người dân đi tham quan thủy điện, tuyên truyền cho người dân về công tác vận hành, điều tiết hồ chứa, kỹ năng phòng tránh tai nạn đuối  nước khi sản xuất, đi lại tại các khu vực sông, suối hạ du các nhà máy thủy điện.

MỚI - NÓNG