Đề xuất xóa điểm trông xe trên 150 tuyến phố

Xã Đàn - một trong các tuyến phố được đề nghị xóa điểm đỗ xe trên đường. Ảnh: Trọng Đảng
Xã Đàn - một trong các tuyến phố được đề nghị xóa điểm đỗ xe trên đường. Ảnh: Trọng Đảng
TP - Cùng với chủ trương giao lòng đường cho Tổng Cty Vận tải Hà Nội (Transerco) quản lý, Sở GTVT cũng vừa đề xuất với UBND TP Hà Nội rút giấy phép trông giữ xe trên 153 tuyến phố.

Hơn 90% các điểm đỗ xe không phép

Theo Sở GTVT, tính đến tháng 6 TP Hà Nội có 1.245 điểm, bãi đỗ xe có phép với tổng diện tích 43,84ha, riêng nội thành là 687 điểm. Các bãi đỗ xe này mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu giao thông tĩnh của người dân, 90% thường xuyên phải đỗ ở lòng đường, vỉa hè, ngõ cụt, chung cư hoặc tại các điểm đỗ tự phát khác...

“Các vị trí này đều không được cấp phép và rất nhiều điểm có vi phạm về trật tự, an ninh - xã hội, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Bên cạnh đó hầu hết bãi đỗ xe không được cấp phép, thường xuyên tái phạm mặc dù đã bị lực lượng chức năng xử lý nhiều lần”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết.

Theo Sở GTVT, mạng lưới điểm, bãi đỗ xe công cộng phân bố không đều, chủ yếu tập trung tại các quận, khu vực từ trung tâm thành phố đến vành đai 2 và kém về chất lượng. Nhằm từng bước khắc phục những nguyên nhân trên và thực hiện các chỉ đạo về trật tự giao thông của thành phố, Sở GTVT cũng lên kế hoạch sắp xếp lại các điểm, bãi đỗ xe cho phù hợp.

Qua rà soát, điều tra tại 9 quận, Sở GTVT thấy rằng, có 304 tuyến phố ở các quận này có hoạt động trông giữ xe dưới lòng đường. Trong đó chỉ có 206 tuyến được cấp phép tạm thời, 98 tuyến còn lại chưa có phép. Từ con số này, Sở GTVT đưa ra phương án chỉ để lại 206 tuyến còn rút hoặc không cấp phép cho 153 tuyến, điểm.

Cụ thể, gồm: Hoàn Kiếm có 30/72 tuyến, Ba Đình 38/56 tuyến, Hai Bà Trưng 26/63 tuyến, Đống Đa 25/33 tuyến, Cầu Giấy 10/29 tuyến, Thanh Xuân 6/12 tuyến, Tây Hồ 11/12 tuyến, Hoàng Mai 4/18 tuyến, Hà Đông 3/9 tuyến.

Xóa nhiều điểm trông giữ xe trên vỉa hè

Sở GTVT cũng đưa ra phương án sắp xếp lại các điểm, bãi đỗ xe tạm thời trên vỉa hè tại 7 quận trung tâm, gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân.

Theo thống kê, tại 7 quận này đang có 384 điểm trông giữ ô tô và 335 điểm trông giữ xe máy trên hè. Sau khi rà soát, Sở GTVT thống nhất chỉ cấp phép lại cho 24 điểm trông giữ ô tô và 195 điểm trông giữ xe máy.

Nếu cấm trông giữ xe trên nhiều tuyến phố như vậy, người dân sẽ gửi xe ở đâu? Sở GTVT cho biết vừa trình và được thành phố chấp thuận cho triển khai xây dựng ngay 9 bãi đỗ xe cao tầng với tổng kinh phí 31,5 tỷ đồng để kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hầu hết các bãi đỗ xe này được bố trí tại nội thành, trong đó 3 bãi đã xong thủ tục và sẽ triển khai, hoàn thành đầu năm tới là Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình); Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm).

Một số tuyến phố trung tâm được đề nghị thu hồi giấy phép đỗ ô tô dưới đường: Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Lê Lai, Lê Thái Tổ, Tràng Thi, Trần Bình Trọng (Hoàn Kiếm); Bà Triệu, Phố Huế, Quang Trung, Thiền Quang, Lò Đúc (Hai Bà Trưng); Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Láng Hạ, Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh, Điện Biên Phủ (Ba Đình); Cát Linh, Chùa Bộc, Đào Duy Anh, Huỳnh Thúc Kháng, Khâm Thiên, Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn, Thái Hà, Thái Thịnh (Đống Đa); Thanh Niên, Thuỵ Khuê, Xuân Diệu, Đường ven Hồ Tây (quận Tây Hồ)...
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.