Đêm nay, bão cấp 11 vào Hà Tĩnh - Quảng Bình

Đêm nay, bão cấp 11 vào Hà Tĩnh - Quảng Bình
TPO - Theo nhận định của TT dự báo KTTV T.Ư, từ 19h đến 22h hôm nay, bão số 5 sẽ đi vào địa phận Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình. Các đài khí tượng quốc tế cũng dự báo bão số 5 đi vào Bắc Quảng Bình.

>> Nghệ An: Mưa lớn, gió mạnh, cả TP Vinh mất điện
>> Hà Tĩnh : Hối hả chạy bão trong mưa
>> Sơ tán gần 300.000 dân tránh bão

Ông Bùi Minh Tăng, GĐ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết, sáng nay, bão số 5 di chuyển theo hướng Tây Tây Nam nhưng đến 15h bão chuyển hướng, quay lại di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc.

Đến 16h chiều nay, bão số 5 đã gây ra gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ở đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị); cấp 6, giật cấp 7 ở thành phố Đồng Hới; cấp 8, giật cấp 11 ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh); cấp 8, giật cấp 11 ở Hòn Ngư (Nghệ An)…

Đêm nay, bão cấp 11 vào Hà Tĩnh - Quảng Bình ảnh 1
Dự báo tâm bão đổ bộ vào đất liền trong tối nay của các đài khí tượng Việt Nam và quốc tế. Ảnh của Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Trung ương lúc 15h ngày hôm nay, 3/10.

Bộ Quốc phòng thành lập Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão

Để chủ động đối phó với cơn bão số 5, Bộ Quốc phòng đã thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại Quân khu 4, dưới sự chỉ huy của Trung tướng Nguyễn Đức Sóat - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã thành lập 4 đòan kiểm tra trên các hướng: Thanh hóa do Thiếu tướng Nguyễn Văn Học- Phó Tư lệnh Quân khu chỉ huy. Trên địa bàn Nghệ an do Trung tướng Đòan Sinh Hưởng - Tư lệnh Quân khu chỉ huy. Hướng Hà Tĩnh do Thiếu tướng Mai Quang Phấn- Chính ủy Quân khu chỉ huy. Hướng Quảng Bình do Thiếu tướng Nguyễn Đình Giang, Tham mưu trưởng Quân khu 4 đã chỉ huy.

Quân khu đã tổ chức lực lượng, huy động 1.027 bộ đội của các đơn vị Đòan B24, Đòan pháo binh Thuận An, Đòan xe tăng H06 và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa về các huyện trọng điểm của tỉnh Thanh Hóa, giúp nhân dân thu họach lúa để giảm thiệt hại do cơn bão số 5. Đồng thời ém quân sẵn để khi bão đổ bộ vào địa bàn Thanh Hóa thì số bộ đội này phối hợp cùng các lực lượng tham gia cứu nạn theo mệnh lệnh của Quân khu.

Vị trí tâm bão vào khoảng 17,9 độ Vĩ Bắc; 107,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển Hà Tĩnh – Quảng Bình khoảng 50km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (103 - 133km/h), giật trên cấp 12, tăng thêm 1 cấp.

Dự kiến từ 19h đến 22h, bão số 5 di chuyển vào địa phận Hà Tĩnh và Bắc Quảng Bình. Từ chiều nay các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã ghi nhận được gió cấp 6, cấp 7.

Do ảnh hưởng của bão, trong chiều và đêm nay khu vực Bắc Trung Bộ, Trung Trung Bộ và một số vùng phía Bắc có mưa vừa và to. “Lượng mưa lớn nhất vẫn tập trung ở khu vực từ Quảng Bình đến Thanh Hóa. Theo số liệu đo được, tại khu vực từ Quảng Bình đến Nghệ An lượng mưa có nơi dao động từ 40- 50mm/h (mưa rất lớn)”- Ông Tăng nói.

Cũng theo ông Tăng, do ảnh hưởng của bão kết hợp triều cường, nước lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Thanh Hóa đã ở dâng lên từ cấp 3 trở lên. Một số sông như Kiến Giang (Lệ Thủy, Quảng Bình), sông La, Ngàn Phố có thể có lũ lịch sử. Chính vì vậy các nơi này cần đặc biệt đề phòng lở đất, lũ quét ở khu vực đồi núi.

1 người thiệt mạng, 1 người bị thương

Đêm nay, bão cấp 11 vào Hà Tĩnh - Quảng Bình ảnh 2
Sáng hôm nay, tỉnh Hà Tĩnh phát lệnh di dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Người dân xã Xuân Hội chạy vào Trường THCS trú ẩn. Ảnh : Quang Long

Đại tá Phan Văn Quang, Trưởng phòng cứu hộ, cứu nạn Bộ Tham mưu, Bộ tư lệnh biên phòng, đến 13h hôm nay, trên khu vực ven biển toàn quốc đã có 18 vụ tai nạn, với 82 người, 17 tàu cá và 2 phương tiện vận tải bị nạn do ảnh hưởng của bão số 5 và gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh.

Ảnh hưởng của bão cũng làm mất tích 1 người (Cà Mau), bị thương 1 người (Quảng Bình), làm chìm 12 phương tiện, hư hỏng 6 phương tiện, làm tốc mái 7 nhà.

Theo báo cáo nhanh của lực lượng biên phòng, lúc 6h55 ngày 3/10, tại xã Nam Thịnh (Thái Bình) có 2 ngư dân đi trên xuồng từ lều nuôi ngao vào bờ để tránh bão đã bị sóng đánh chìm. Biên phòng Thái Bình đã điều động lực lượng cứu vớt đưa 2 người vào bờ an toàn.

Lúc 7h45, tại khu vực cách Hòn Khoai (Cà Mau) khoảng 26 hải lý về hướng Tây Tây Nam, tàu đánh cá của Trà Vinh, biển kiểm soát  TV0236 Ts/06 hành nghề giã cào, do ông Nguyễn Đăng Sơn ở Long Vĩnh (Trà Vinh) làm thuyền trưởng, bị hỏng máy trôi dạt. Thuyền trưởng đề nghị cứu hộ khẩn cấp. Biên phòng Cà Mau đã liên lạc và huy động một tàu cá của ngư dân Sông Đốc tổ chức đi cứu nạn.

Cũng theo báo cáo của biên phòng đồn 184 (Ròn, Quảng Bình) gió lớn đã làm tốc mái 7 ngôi nhà, làm bị thương 1 công nhân của ban quản lý cảng La.

Lực lượng biên phòng cũng cho biết các đơn vị đã triển khai việc cấm biển nhưng tính đến chiều nay các lực lượng đã ngăn chặn được thêm 373 tàu cá/2.391 ngư dân cố tình vượt trạm kiểm soát ra khơi. Trong số này Thái Bình có 15 tàu/300 người, Ninh Thuận 10 tàu/45 ngư dân, Bình Định 31 tàu/97 ngư dân, Ninh Bình 14 tàu/52 ngư dân, Thanh Hóa 189 tàu/1.675 người.

Mưa lớn gây thiệt hại tại một số địa phương

Theo báo cáo của Ban Phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Trị: tính đến 15 giờ ngày 3/10/2007, trên địa bàn tỉnh mới có khoảng 200 hộ được di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Theo kế hoạch, đến 20 giờ cùng ngày sẽ phải di dời hơn 15.000 hộ ở ven biển, vùng dễ sạt lở và vùng ngập sâu ra khỏi nơi nguy hiểm trước khi bão số 5 đổ bộ vào đất liền.

Hiện tại, lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hội chữ thập đỏ, Công an tỉnh... đang phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương di dời hàng ngàn hộ dân vùng ven biển, vùng ngập sâu, và vùng có nguy cơ xẩy ra lũ quét ở các xã Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), xã Trung Sơn (huyện Gio Linh) và thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh)...

Tỉnh Quảng Trị đã chuẩn bị được 14.000 thùng mì tôm, 100 tấn gạo, 10.000 lít dầu hỏa, sẵn sàng cung cấp đến người dân khi cần thiết.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn đang có mưa lớn, lượng mưa đo được từ 13 giờ ngày 1/10 đến 16 giờ ngày 3/10 phổ biến là 335-355 mm, ở thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) 436 mm. Mực nước ở sông Bến Hải đã lên 6,88 mét, dưới mức báo động 2 là 1,12 mét; ở sông Thạch Hãn là 4,79 mét, trên báo động 2 là 0,79 mét.

Trên địa bàn tỉnh đã có 10 tàu va đập vào nhau bị hư hại, trong đó có 3 chiếc đã bị vỡ, 3 nhà bếp bị sập, 8 trụ sở cơ quan, nhà dân và trường trường mẫu giáo đã bị tốc mái và một giàn ăngten của lực lượng Biên phòng đảo Cồn Cỏ bị đổ gãy.

Mưa lớn cũng đã làm sạt lở nhiều đoạn đường của vùng đồng bằng, đường thôn bản miền núi, gây ách tắc đường Hồ Chí Minh đoạn A Bung đi Hồng Thủy thuộc huyện miền núi Đakrông; làm ngập các ngầm đường A Vao, A Ngo, A Đeng (huyện Hướng Hóa).

Đến chiều 3/10, tại Thừa Thiên-Huế, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 5 làm ngập lụt trên diện rộng, trong đó có nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt.

Tại huyện Quảng Điền có khoảng 40.000 hộ dân thuộc các xã Quảng Thái, Quảng An, Quảng Thọ, Quảng Phúc bị ngập sâu; riêng tuyến tỉnh lộ 4 và tỉnh lộ 8 nối với trung tâm huyện bị ngập sâu, giao thông bị chia cắt. Đường 14B (lên huyện miền núi Nam Đông) sạt lở khoảng 2.000 m3 tại Km22+300, vị trí tại cầu Cây Xoài đầu thị trấn Khe Tre gây tắc đường, đơn vị quản lý đang khắc phục và dự kiến thông xe vào hôm nay.

Các xã dọc theo triền sông Bồ thuộc huyện Phong Điền bị ngập từ 0,3m đến 0,5 mét. Tỉnh lộ 49B ngập sâu 0,5 mét. Toàn xã Hương Phong có 150 hộ dân với 750 nhân khẩu ở các thôn Thuận Hoà A và Thuận Hoà B nằm ở ven sông có nguy cơ sạt lở cao do nước sông, nước biển tràn vào nên đã được dời đến nơi an toàn.

Tại thành phố Huế, đường qua Đập Đá ngập sâu 0,70m, giao thông bị đình trệ từ chiều 1/10 đến nay. Hệ thống đường đô thị, vành đai như khu vực thành nội ngập sâu, bình quân từ 0,5 đến 0,8m, giao thông đi lại khó khăn.

Đặc biệt các tuyến đường ở khu vực phường Phú Cát, Bạch Đằng, Đào Duy Anh... đều ngập sâu, phải sử dụng phương tiện đi lại bằng thuyền. Đoạn cầu Lòn đường Bùi Thị Xuân ngập sâu 0,90m, nên giao thông phải dựa vào đường tránh phía Tây thành phố Huế. Các tuyến đường Hùng Vương, Bến Nghé (phía nam thành phố Huế) vẫn còn bị ngập sâu trong nước.

Thừa Thiên-Huế đã huy động hàng trăm chiếc tàu thuyền, xe lội nước của các lực lượng Công an, Quân đội, Biên phòng thường xuyên túc trực đề phòng tình huống đột xuất xảy ra, nhất là chủ động đói phó với lũ quét vào ban đêm. Ban chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế từ hôm qua đến sáng nay đã tập kết hơn 500 khối đá và 3.000 rọ thép sẵn sàng chi viện để bảo vệ các công trình giao thông, thuỷ lợi trọng điểm trên địa bàn.

Trong nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 4, 5 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có mưa lớn và kéo dài, nước các sông Krông Nô (huyện Krông Nô), sông ĐắkR'tíh ( huyện ĐắkR'Lấp và thị xã Gia Nghĩa), sông Đồng Nai ( huyện ĐắkGlong và thị xã Gia Nghĩa)... dâng cao từ 2 đến 3 mét đã làm ngập hàng trăm ngôi nhà dân.

Các xã dọc sông Krông Nô (huyện Krông Nô) là Quảng Phú, Nâm N'dir, Đức Xuyên, Buôn Choah và Đắk Nang bị thiệt hại nặng nhất. Trận lũ đã làm ngập hàng chục ha cà phê, lúa, tiêu; trường phổ thông trung học cơ sở Phan Bội Châu xã Nâm N'dir bị ngập sâu hơn 2 mét; hàng chục chiếc cầu bị lũ cuốn trôi. Đã có 2 người bị lũ cuốn trôi là cháu gái 3 tuổi Ngô Thị Ánh, con anh Nguyễn Văn Doanh ở thôn Nam Sơn - xã Đắk Sô và chị Nguyễn Thị Mỵ 26 tuổi ở thôn 4, xã Quảng Phú.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Nông cho biết: đêm 3/10 và ngày 4/10, địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục có mưa lớn kéo dài và trên diện rộng, nước lũ trên các sông suối tăng nhanh, có nguy cơ gây ngập lụt và sạt lở đất nhiều nơi nữa. Vì vậy, các địa phương cần chủ động phòng chống và di chuyển người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Do ảnh hưởng của bão số 5, tại huyện miền núi Kỳ Sơn (Nghệ An) đang có mưa rất to, làm sạt lở đất đá; nguy cơ lũ quét có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là từ chiều 3/10 đến ngày 4/10.

Huyện Kỳ Sơn đang tập trung cao nhất lực lượng, phương tiện tại những nơi xung yếu để di dời dân đến nơi an toàn. Ông Bùi Trầm, Chủ tịch UBND huyện cho biết: nguy cơ sạt lở và lũ quét cao nhất là các bản Khe Tang, Lưu Tiến, Hồng Tiến (xã Chiêu Lưu); Khe Tỳ (xã Hữu Kiệm); khối 1, 4, 5 (thị trấn Mường Xén); bản Xốp Phe (xã Mường Típ); bản Xốp Lau, Yên Hòa (xã Mỹ Lý). Tại các bản này vẫn đang có hàng trăm hộ dân chưa được di dời đến nơi an toàn.

MỚI - NÓNG