Đêm trắng pháo đài trong tháng tri ân

TP - Rất có thể vì cái tâm, cái duyên nên việc làm tâm linh chưa từng có sau 40 năm chiến tranh biên giới phía Bắc đã được tổ chức long trọng ngay tại một vị trí được coi là lịch sử nhạy cảm: Cầu siêu cho các Anh hùng liệt sỹ, đồng bào tử nạn trong pháo đài Đồng Đăng.

Trong hai ngày cuối tuần (ngày 19 và 20/7), rất đông người dân thị trấn biên ải Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn tề tựu tại khu pháo đài Đồng Đăng nằm trên dãy núi đồi cao, trọng yếu mạn phía Đông nam thị trấn để dâng hương hoa, tiến hành các nghi lễ “đại cầu siêu”.

Bên cạnh đồng bào địa phương còn có nhiều khách thập phương trong cả nước, các tăng ni, phật tử đến từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn cùng các cựu chiến binh (CCB) tiểu đoàn 4, trung đoàn 12, sư đoàn 3 Sao Vàng. Họ tri ân mừng tủi, tràn đầy xúc cảm khi gặp cảnh cũ, người xưa, người còn, kẻ mất.

Đêm trắng pháo đài trong tháng tri ân ảnh 1 Ông Nguyễn Bình Hòa tưởng nhớ cha và 6 em ruột đã tử nạn trong pháo đài. Ảnh: Duy Chiến

Bài ca không quên

Có mặt tại khu vực pháo đài từ rất sớm, là trung tá Nguyễn Xuân Thu, Hội trưởng hội CCB tiểu đoàn 4. Ông Thu năm nay 66 tuổi đến từ thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình. Hôm nay, đoàn CCB tiểu đoàn 4 có trên 30 CCB từ mọi miền đất nước trở về chiến trường xưa. Ông tha thẩn đến các góc pháo đài, sờ lần vết rêu như tìm về quá khứ, gọi từng tên đồng đội của mình.

Ông Thu cho biết, tháng 6/1978 khi đó ông đeo lon trung úy, là Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 dẫn quân lên biên giới Lạng Sơn đóng tại khu vực thị trấn Đồng Đăng. “Ngày ấy, đơn vị có 835 cán bộ, chiến sỹ rải quân phòng ngự dài 7 km dọc biên giới Việt - Trung, trọng yếu tuyến Hữu Nghị - Đồng Đăng. Rạng sáng ngày 17/2/1979 quân Trung Quốc huy động một sư đoàn bộ binh có xe tăng, pháo yểm trợ nổ súng vào các đơn vị của chúng tôi. Đơn vị lập tức bước vào cuộc chiến đấu mới, cam go, gian khổ. Trên các trận địa, các chiến sỹ tiểu đoàn 4 sát cánh cùng các đơn vị lực lượng vũ trang khác, dân quân và nhân dân địa phương dũng cảm chống trả các đợt tấn công với quy mô lớn của địch suốt trong 4 ngày đêm ngay cửa pháo đài”. Ông Thu nhớ lại.

Ông Thu chỉ cho tôi thấy cứ điểm vô cùng kiên cố của pháo đài Đồng Đăng nhờ hệ thống hầm xây chìm xuống lòng núi, trên đỉnh là những lô cốt kiên cố với lỗ châu mai chĩa về 4 hướng.

“Trong cuộc chiến đấu tại đây có 50 cán bộ, chiến sỹ do thiếu úy Hoàng Quý Nam, Đại đội trưởng đại đội 42 chỉ huy sử dụng súng DKZ 82, súng cối 60, B41 chống trả hàng vạn quân xâm lược với xe tăng, đại bác. Đến sáng ngày 21/2, quân xâm lược nã pháo dữ dội khiến nhiều chiến sĩ hy sinh và đã chiếm được cửa pháo đài. Chúng phát loa kêu gọi đầu hàng, nhưng đáp lại là những tiếng súng của các chiến sĩ ta bắn ra. Dụ hàng không được, chúng tức tối ném lựu đạn và dùng bộc phá đánh sập lối ra vào pháo đài.

Dã man hơn, quân xâm lược thả lựu đạn cay qua các lỗ thông hơi, đổ xăng và dùng súng phun lửa dội vào ngách hầm pháo đài. Chưa hết, địch còn phun thuốc độc hóa học vào trong pháo đài khiến cho trên 400 cán bộ, chiến sỹ và dân thường thiệt mạng. May mắn chỉ có 6 người sống sót là nhân chứng sống cho vụ thảm sát đó”. Ông Thu kể lại.

Khúc ca vang mãi

Tập tễnh trên chiếc nạng gỗ, thi thoảng được đồng đội dìu khi đi qua những đoạn đường khó, thương binh Phùng Hưng Sơn (SN 1960, quê Ba Vì, Hà Nội) đến thắp nhang tại đường hầm số 1 pháo đài Đồng Đăng. Ông lẳng lặng lau giọt nước mắt trào qua khóe mắt già nua. Mắt ông một bên đã bị lòa...

Ông Sơn dõi mắt về phía mặt đồi rồi bồi hồi kể câu chuyện thương tích của mình: “Chúng tôi thuộc Đại đội 2, tiểu đoàn 4 án ngữ tại đồi Cây Trẩu đối diện với pháo đài Đồng Đăng. Lúc đó đơn vị tôi có 120 người, sau hơn một tuần số còn sống và bị thương chỉ còn 16 người. Sau khi đã chiếm pháo đài Đồng Đăng, địch tập trung hỏa lực tấn công vị trí án ngữ đồi Cây Trẩu.

Sáng 26/2/1979, tôi bị mảnh đạn pháo găm vào đỉnh đầu, cánh tay rồi ngất đi. Khi tỉnh dậy đã thấy mình nằm trong hầm thông hào cùng với 4 đồng đội khác. Chiều cùng ngày, chúng tôi được lệnh rút về phía sau. Khi ngang qua pháo đài, chúng tôi ứa nước mắt khi những đồng đội của tôi, những người lính cùng quê, nhập ngũ cùng ngày vẫn còn ẩn mạng trong đó...

Đêm trắng pháo đài trong tháng tri ân ảnh 2 Lần tìm dấu tích đồng đội. Ảnh: Duy Chiến

Ông Sơn được cứu chữa và tiếp tục công tác, chiến đấu đến cuối năm 1980 được ra quân. Ông được công nhận là thương binh hạng 3/4 với thương tật 41%. “Mười năm sau cuộc chiến bỗng nhiên hố mắt phải tôi sưng đau, khi đi khám phát hiện một mảnh pháo vẫn còn ở trong đó”. Ông Sơn nói.

Buổi tụng kinh, cầu siêu kéo dài cả ngày lẫn đêm da diết. Đêm xuống, tiếng kinh cầu càng vang vọng khắc khoải dội vào núi Con Voi sừng sững nơi biên ải.

Khuya rồi mà ông Nguyễn Bình Hòa, 65 tuổi, nhà ở khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng vẫn còn ngồi yên lặng bên mâm lễ của gia đình. Ông nhìn sâu vào không gian tĩnh mịch, về phía cửa vào pháo đài Đồng Đăng. Nơi đó, có cha và 6 người em của ông đã tử nạn đến nay chưa tìm thấy xác.

“Khoảng 5 giờ kém 15 ngày 17/2/1979, tôi là công nhân đường sắt đang làm nhiệm vụ đón một đầu máy nối vào đoàn tàu khách tuyến Hà - Lạng thì thấy phía biên giới Hữu Nghị có tiếng rít của bom đạn cùng những ánh chớp lóe lên. Một quả đạn pháo rơi gần chỗ tôi đứng. Anh em nhà ga và hành khách vội vã thúc giục nhau rút chạy xuống dốc 51 thuộc Tam Lung, huyện Cao Lộc, men theo sườn đồi, góc núi đi về phía thị xã Lạng Sơn. Gần một tuần sau, tôi được tin cha tôi là Nguyễn Bình Tề cùng 6 em trong gia đình tôi (gồm 3 nam 3 nữ) cùng nhân dân thị trấn Đồng Đăng đã thiệt mạng trong pháo đài. Khi đó, may mắn, mẹ tôi đang đi công tác tại huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn nên thoát nạn”. Ông Hòa thẫn thờ kể lại câu chuyện buồn.

...Từ trên đỉnh pháo đài, có tiếng hát vang vọng của các CCB tiểu đoàn 4 cùng nhân dân hòa nhịp trong ánh trăng mờ tỏ. Bỗng bầu trời xanh xuất hiện những ngôi sao lấp loáng phía xa xăm gợi những ký ức bi hùng khắc khoải. Lời bài hát cứ đung đưa theo gió: “Ta hát lên. ngợi ca pháo đài Đồng Đăng/ Ta hát lên. tên anh Hoàng Quý Nam/ Trước quân thù sống bất khuất, hiên ngang/ Vì nhân dân chết anh dũng vẻ vang”. 

MỚI - NÓNG