Đêm Xuân Sa Pa

Đêm Xuân Sa Pa
TP - Điểm xuyết trên các sườn đồi là màu trắng tuyết của hoa mận, hoa mơ xen sắc đào phai. Xuân sang, cây lá nảy lộc đâm chồi, Sa Pa như bức tranh thủy mặc đẹp lạ thường.

Đêm vẫn còn rất lạnh giá. Nhưng ngoài chợ - có một đêm Sa Pa khác hẳn thường ngày - ai chưa một lần đến chợ đêm sẽ không thể hiểu hết nơi này.

Những cô gái đến từ bản xa

Đêm Xuân Sa Pa ảnh 1
Một góc chợ đêm Sa Pa. Ảnh: Minh Tuấn

Rất trẻ và hồn nhiên đó là dấu ấn đầu tiên khi gặp họ. Những em gái đang độ trăng rằm, những Mẩy, Mai, Thu, Sy mà tôi đã gặp ở ngoài phố lúc chiều tối.

Hóa ra, các em đến chợ từ sáng để tối nay biểu diễn những điệu múa dân tộc phục vụ du khách. Bên ánh lửa rực hồng của than củi, Mẩy có nụ cười thật đẹp. Vẻ đẹp của những cô gái mới lớn, còn e ấp và ngập ngừng như nụ hoa vừa hé.

Đêm ấy, Mẩy và các bạn đã biểu diễn rất hay những bài dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Bên ngọn lửa bập bùng, hũ rượu ngô thơm nồng, điệu múa của các em càng quyến rũ, như có ma lực.

Có lúc mạnh mẽ, có lúc sôi nổi, nồng nàn tình yêu cuộc sống. Đời thường các em vẫn phải đi rừng, đi nương, đôi bàn tay chai sạn và chưa hết xanh màu chàm nhuộm.

Vậy mà, đêm nay những bàn tay ấy trở nên thuần thục, khéo léo, đầy gợi cảm trong khuôn múa truyền thống. Những động tác mô tả cuộc sống yên bình, những sinh hoạt ngày thường của bà con đang hiện lên như một bức tranh sống động.

Còn đây, một điệu múa khác rất trữ tình, như  khoe chính vẻ đẹp tình tứ của những trai làng, gái bản: Chàng trai cầm khèn, cô gái mang ô vừa đi vừa hát. Bài háy rất da diết, có thể là họ đang hát về chợ xuân, về những mối tình.

Mẩy hái một chiếc lá ven đường đưa lên môi. Chiếc lá bỗng cất lên những thanh âm trong vắt, lời hát lúc vi vút, lúc thẳm sâu như lời tỏ tình, trong như ánh sáng đêm rằm.

Bài hát ấy hát rằng: “Anh đã hẹn em đến đây/ Em đến rồi sao chưa thấy anh/ Anh không đến hay anh hẹn với người khác rồi/ Dẫu thế, em vẫn chẳng tin điều đó/ Vì anh là một chàng trai tốt/ Em sẽ đợi anh vì lòng em đã hướng về anh/ Từ mùa xuân năm ấy…”.

Ở vùng núi cao, trai gái chỉ có thể hẹn hò và đợi nhau ở những buổi chợ phiên mà thôi. Cuộc hẹn không tính bằng ngày, bằng giờ mà tính bằng tuần, bằng tháng mới thấy đó là cuộc hẹn kỳ lạ.

Đã hẹn thì sâu sắc vô cùng. Đã yêu sẽ chẳng bao giờ phai, dù vì một điều gì đó sau này họ không thể lấy được nhau. Khi chàng trai dồn hết đam mê vào vũ điệu quay, lắc, đá chân, lăn lộn nhiều vòng mà tiếng khèn vẫn âm âm không dứt, như nhập đồng, như say thì tất cả mọi người đều lặng đi.

Khi buổi diễn kết thúc, tôi tò mò đến hỏi chuyện Mẩy bảo: “Bọn em cũng chỉ nghiệp dư thôi anh ạ!”. Rồi Mẩy kể, bọn em vẫn còn đi học mà. Thì ra, những cô gái Mông đến từ bản Cát Cát này vẫn còn là học sinh lớp 7, lớp 8.

Mai nói: Bản Cát Cát ra thị trấn Sa Pa có 3 cây số, nhưng bọn em vẫn đi bộ cho khỏe. Đi bộ quen rồi, hơn nữa đi múa như thế này cũng không được bao nhiêu, bọn em phải dành tiền mua sách vở và phụ giúp bố mẹ”.

Sau buổi diễn, những “nghệ sỹ” sơn cước ấy cũng chỉ dám thưởng cho mình một bát phở nóng hoặc có khi chỉ là mấy bắp ngô non, mấy quả trứng nướng, ăn vội cho ấm lòng. Nhưng trên môi các em luôn nở những nụ cười thật tươi với mọi người.

Mơ màng chợ đêm

Đêm Xuân Sa Pa ảnh 2
Mơ màng phố đêm Sa Pa

Chúng tôi theo Mai, Mẩy, Thu, Sy ra chợ đêm. Sương đêm dày đặc, có lúc quánh lại trộn với ánh đèn cao áp tạo nên một màu vàng kỳ ảo. Tụ dưới chân đèn là hàng quà đêm, mấy cô bé váy áo chàm đang cùng nhau ăn bỏng ngô, tiếng cười giòn tan.

Hơn 23 giờ, nhiều cửa hàng đã đóng cửa. Người dân Sa Pa cũng tắt đèn ngủ sớm tránh rét. Những cây sa mu lặng lẽ đứng bên đường trong sương đêm.

Nhưng ngoài chợ, các bà các chị vẫn quây quần tâm sự. Họ đốt củi sa mu để sưởi ấm, lửa gỗ sa mu thơm nồng và còn có thể xua đuổi muỗi, vắt và côn trùng. Đây là khu chợ của đồng bào Mông, những ngày đầu xuân hay buổi chợ phiên họ thường thồ gạo, măng, thổ cẩm ra bán.

Chị Hoàng Thị Chỏi, đến từ bản Lao Chải kể rằng phiên chợ nào chị cũng về đây bán hàng cho khách du lịch. Về chợ quen rồi, không đi là thấy nhớ. Còn bà Hoàng Thị Cháy ở Sa Pả (cách thị trấn nửa ngày đường) năm nay đã 80 tuổi  nhưng vẫn đủ sức mang theo mấy thứ lặt vặt về chợ. Tiêu điểm của chợ đêm là phố Nhà Thờ.

 Cái tên này chỉ là cách quen gọi của du khách. Thật ra phố có tên là phố Nguyễn Xuân Huân, một đầu cắt chợ Sa Pa, nối vào Cầu Mây, một đầu nối ra Hàm Rồng. Đây cũng là đường lên ngọn Hàm Rồng cao chót vót, ngắm vườn mây với bạt ngàn hoa lan.

Đêm nào ở đây chợ chẳng họp, nhưng đông nhất phải là đêm thứ Bảy, Chủ nhật-vì đó là hai ngày chợ phiên truyền thống. Khách du lịch thường chọn cuối tuần lên Sa Pa để được xem “chợ tình”. “Chợ tình” chỉ là cách nói của người dưới xuôi, gọi thế không đúng dễ gây hiểu lầm.

Những năm trước khu chợ này nguyên là một cánh rừng thông. Sau một ngày từ các bản xa về chợ tìm được người ưng ý, đêm xuống trai gái thường vào rừng ngắt lá làm kèn thổ lộ tâm tình.

Chàng trai hát rằng: “Anh đã để ý đến em lâu rồi/ Em là cô gái ngoan hiền / Nhà anh phía sau dãy núi kia/ Nếu không ngại khổ hãy theo anh về làm dâu nhà anh…”. Có khi nhiều chàng trai cùng thích một cô gái, khi đó, cô chỉ trả lời người mình yêu: “Nếu đã yêu thì đừng dối lừa nhau/ Bụng em cũng rất ưng anh/ Nhưng anh như con nai trên rừng/ như con cá dưới suối/ Ơi chàng trai sao không đến tìm em”…

Lời hát rất mộc. Tình cảm chân thành, nghĩ sao nói vậy. Nếu ưng, chàng trai sẽ “kéo”cô gái về nhốt vào trong buồng nhà mình. Anh ta để vào đó một tấm vải, nếu cô gái lấy kim chỉ ra thêu thì coi như họ đã đồng ý lấy nhau.

Gần nửa đêm, vài đôi trai gái dập dìu hò hẹn. Khu vực nhà thờ, những người phụ nữ bán những chiếc túi thổ cẩm nhỏ xinh đựng điện thoại, vài chị người Dao bán những chiếc vòng trang sức được chế tác bằng đồng hay bạc vẫn đang chào mời khách.

Cảnh chợ sôi động hơn khi có một đôi trai gái người thổi khèn lá, người kéo nhị réo rắt. Góc kia, mấy cậu bé choai choai làm duyên bằng những bài múa khèn truyền thống.

Nhiều người xúm lại xem, mỗi lúc một đông. Đèn flash của máy ảnh chớp sáng cũng không làm các chàng trai nhỏ thẹn thùng. Bởi họ đã rất quen với sự có mặt của khách du lịch rồi.

Ngồi bên cạnh chúng tôi, Mai bảo: “Bây giờ chợ không tự nhiên như xưa nữa, vì có thêm các bà các chị bán hàng chào mời khách. Rồi những cậu bé choai 12, 13 cũng mang khèn ra tập tọe để xin tiền”.

Sa Pa đã không còn nguyên sơ nữa. Những kiểu kiến trúc hiện đại với kính và chóp ra đời, nhiều nam nữ Mông không còn biết hát giao duyên gọi bạn, những em bé gái nhỏ tuổi đi chợ mang theo đàn môi nhưng sử dụng không thành thạo.

Nhưng Sa Pa vẫn còn những em gái như Mai, Mẩy, Thu, Sy. Mai nói rằng bọn em vẫn biết thêu, ở nhà mẹ và chị vẫn dệt vải. Vải lanh sau khi se xong sẽ được nhuộm chàm. Mỗi bộ váy áo, người Mông phải làm mất gần năm trời…

Đêm ấy, sau khi đèn đường tắt hết, tôi đã nghe thấy đâu đó phía xa kia, bên một gốc cây sa mu tiếng khèn của một chàng trai nào réo rắt:

Mình không có vợ mình lên đường đi tìm/ Mình không có vợ mình cất bước đi kiếm/ Bố mẹ mình làm bữa cơm thật sớm /Thế là mình đi chơi chợ/ Tìm xem cô nào chưa chồng...

MỚI - NÓNG