Đền bù đất sát giá thị trường, nhưng không theo giá ảo

Đền bù đất sát giá thị trường, nhưng không theo giá ảo
TPO -  Nếu học theo mô hình ở các nước thì chúng tôi cũng đề xuất thành lập các dịch vụ định giá đất.  Tuy nhiên việc đền bù sẽ tính theo giá thị trường trong điều kiện bình thường chứ không phải tính theo giá ảo. Bộ trưởng Mai Ái Trực cho biết.

Chiều nay Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn 13 ý kiến của các đại biểu Quốc hội xung quanh những bức xúc về đất đai, nước và môi trường cùng những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ.

80% ca bệnh ung thư ở Thạch Sơn là do ô nhiễm môi trường.

Đền bù đất sát giá thị trường, nhưng không theo giá ảo ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đặt câu hỏi: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nông dân có cơ sở pháp lý trong giao dịch dân sự không? Khi người dân muốn vay tiền thế chấp ở ngân hàng thì phải mang sổ chứng nhận quyền sử dụng đất đến Sở tài nguyên Môi trường để đăng ký và phải trả một khoản phí cho phòng Tài nguyên môi trường. Vì sao phải có quy định này trong khi các tổ chức tín dụng, ngân hàng không yêu cầu?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên vẫn phải đăng ký tại phòng quản lý sử dụng đất vì luật có quy định vấn đề này. Điều 153 của Luật Đất đai cũng quy định như vậy. Luật Dân sự cũng có điều khoản này. Việc đăng ký như vậy nhằm đảm bảo các vấn đề về mặt pháp lý. Cũng phải thừa nhận là thủ tục của chúng ta còn rườm rà. Tôi ủng hộ ý kiến nên đơn giản hóa các thủ tục nhưng cũng cần lưu ý nếu bỏ qua khâu này thì ai sẽ chịu trách nhiệm nếu xảy ra tranh chấp.

Việc thu phí khi đăng ký giao dịch thế chấp là do Bộ Tài chính và Bộ Tư Pháp quy định. Bộ TN&MT không quy định mức phí mà chỉ tham gia đóng góp ý kiến với Bộ Tài chính và Bộ Tư Pháp về việc thu phí.

Đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) khẳng định việc giải quyết ô nhiễm môi trường không chỉ là vấn đề xây dựng các công trình cung cấp nước sạch mà có cả việc điều trị cho những người bị bệnh do môi trường ô nhiễm; bồi thường thiệt hại cho họ. Bộ đã xử lý giải quyết những cơ sở gây ô nhiễm như thế nào? Nếu đó là những doanh nghiệp có nhiều huân, huy chương thì sao? Biện pháp xử lý những cơ sở này là thế nào ?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Trường hợp “làng ung thư” Thạch Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế điều tra nguyên nhân. Dù Bộ Y tế vẫn chưa làm rõ nguyên nhân nhưng chúng tôi nhìn nhận 80% ca bệnh ung thư là do ô nhiễm môi trường. Bộ cũng đã buộc các cơ sở ở đây phải xử lý ô nhiễm xong trước 31/12/2006. Chúng tôi cũng đang theo dõi những cơ sở gây ô nhiễm và sẽ kiên quyết xử lý, kể cả đó là những cơ sở được nhận nhiều huân, huy chương vì những thành tích đóng góp cho nền kinh tế.

Bộ TN&MT hoàn toàn có khả năng xác định nguyên nhân môi trường bị ô nhiễm nhưng không xác định nguyên nhân bệnh tật, gây bệnh. Chúng tôi chỉ ghi nhận là nhất định có nguyên nhân từ môi trường và chúng tôi tìm cách hạn chế trong khả năng của mình.

Đại biểu Trần Thành Long (TP.HCM) đặt câu hỏi: Chúng ta đặt mục tiêu là giá đất đền bù phải sát giá thị trường. Việc này ai cũng đồng tình nhưng khi đưa ra giá thì các ý kiến không bao giờ gặp nhau. Vậy việc áp dụng sát giá thị trường là như thế nào?

Bộ trưởng Mai Ái Trực: Việc định mức giá đất sát giá thị trường thuộc về chức năng của Bộ Tài chính. Nếu học theo các mô hình ở các nước thì chúng tôi cũng đề xuất thành lập các dịch vụ định giá đất, và việc đền bù sẽ dựa vào những đơn vị dịch vụ có uy tín để định giá đất theo đúng mục đích sử dụng.  Tuy nhiên việc đền bù giá đất sẽ tính theo giá thị trường trong điều kiện bình thường chứ không phải tính theo giá ảo.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực cũng trả lời các câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Minh (Bình Thuận) về việc xử lý các dự án treo gây thất thóat về đất đai của nhà nước và câu hỏi nhưng như việc chậm trễ trong thu hồi đất của Bộ TN&MT cũng như câu hỏi có nên trao danh hiệu về bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài họat động hiệu quả hay không của đại biểu Tôn Nữ Thị Ninh (Vũng Tàu).

Tiếp sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ TN&MT Mai Ái Trực là phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Đền bù đất sát giá thị trường, nhưng không theo giá ảo ảnh 2
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, có tổng cộng 18 đại biểu đặt 22 câu hỏi chất vấn trong 6 nhóm vấn đề cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát. Các câu hỏi chất vấn xoay quanh việc bùng phát dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi trong đó có dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa đang xảy ra ở khu vực Nam Trung Bộ;

Việc tổ chức hệ thống kiểm lâm; Vấn đề sạt lở ven sông, biển ở một số địa phương; Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn và những hỗ trợ trong lĩnh vực nông nghiệp sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới  (WTO).

Chưa thể miễn giảm thủy lợi phí cho nông dân

Đại biểu Vũ Văn Mão (Thái Bình) đặt vấn đề Bộ NN&PTNT có nên miễn giảm thủy lệ phí cho nông dân như một số tỉnh đã làm hiện nay.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, giảm thủy lợi phí phải tính đến công bằng xã hội. Hiện nay trên cả nước có 4,9 triệu ha đất nông nghiệp thì mới có 3,2 triệu ha có hệ thống thủy lợi. Vấn đề đặt ra hiện nay đó là chúng ta không có vốn. Theo tính tóan chúng ta cần khoảng 60 nghìn tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện hệ thống thủy lợi. Bộ đã có nhiều biện pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng các hệ thống thủy lợi này.

Thủy lợi phí hàng năm nếu thu theo Pháp lệnh về bảo vệ công trình thủy lợi là 940 tỷ đồng và mức thu phí bao nhiêu là do địa phương quy định. Năm nay ta mới thu được 780 tỷ đồng (đạt 80%). Số tiền thu thủy lợi phí theo quy định phải chi cho 15 khoản nhưng nay ta chủ yếu mới chi trả tiền lương cho 20.000 công nhân làm việc tại 110 doanh nghiệp về thủy lợi, chi trả tiền điện và duy tu, bảo dưỡng các công trình thuỷ lợi. Chính vì vậy nếu chúng ta có nguồn thay thế thủy lợi phí thì tôi cũng ủng hộ việc bãi bỏ thu thủy lợi phí.

Tôi cũng đề nghị Nhà nước chỉ nên giữ lại việc quản lý các công trình thủy lợi lớn, quan trọng còn các công trình nhỏ thì giao cho các hợp tác xã thủy lợi quản lý thì hiệu quả chắc chắn sẽ cao hơn.

Sau phần trả lời chất vấn trên, các đại biểu khác đã đặt nhiều câu hỏi trước cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chuẩn bị để trả lời vào buổi chất vấn vào sáng ngày mai, 25/11.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) đặt câu hỏi: Khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn và đô thị ngày càng lớn. Là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thì Bộ NN&PTNT đã có chính sách gì và nội dung của chính sách ra sao? Hiện nay mức trông phí xe máy tại các nhà cao tầng là 60.000 đồng/tháng trong khi Bộ giao hạn mức cho người dân vùng cao là 50.000 đồng/năm để trông nom và chăm sóc 1 ha rừng. Hạn mức này căn cứ vào đâu để tính. Liệu người dân có yên tâm mà giữ rừng?

Đại biểu Trần Luân Kim (Phú Yên) đặt câu hỏi liên quan đến việc phòng chống lụt bão ở nước ta. Các đại biểu khác đặt câu hỏi về việc liệu chương trình trồng 5 triệu ha rừng đến năm 2010 như mục tiêu đề ra có khả thi cũng như những giải pháp có liên quan….

Phiên trả lời chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát sẽ tiếp tục vào sáng ngày mai. TPO sẽ tiếp tục tường thuật các phiên trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ.

Phạm Tuyên ghi

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.