Đền bù khống và bỏ sót diện tích - chuyện như đùa

Dân bức xúc rào đường quanh khu vực thi công thuộc dự án thủy lợi tây nam Hương Trà. Ảnh: Ngọc Văn
Dân bức xúc rào đường quanh khu vực thi công thuộc dự án thủy lợi tây nam Hương Trà. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Dự án Thủy lợi tây nam Hương Trà có tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng, từ nguồn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Chi phí đền bù, GPMB trị giá 25 tỷ đồng. Theo yêu cầu của đối tác ADB, việc tổ chức thi công chỉ được phép thực hiện sau khi công tác đền bù và giải quyết các khiếu nại liên quan (nếu có) đã hoàn tất. Tuy nhiên, thực tế dự án làm ngược lại: Thi công công trình trước, đền bù đất đai cho dân sau nên xảy ra chuyện nâng khống trị giá đền bù.
Dân bức xúc rào đường quanh khu vực thi công thuộc dự án thủy lợi tây nam Hương Trà. Ảnh: Ngọc Văn
Dân bức xúc rào đường quanh khu vực thi công thuộc dự án thủy lợi tây nam Hương Trà. Ảnh: Ngọc Văn.

Năm 2009, nhiều hộ dân xã Hương Hồ (huyện Hương Trà) kê khai đất đai, tài sản phục vụ công tác giải phóng mặt bằng xây dựng công trình thủy lợi tây nam Hương Trà. Sau khi nhận tiền đền bù, dân xì xào có khuất tất. Ông Nguyễn Hữu Ngộ và Lê Chiêu Minh (thôn Chầm), bị thu hồi hơn 6.100m2 đất rừng, số tiền đền bù cho hai trường hợp này tổng cộng trên 88,5 triệu đồng.

Thực tế, tổng số tiền đền bù đất rừng mà gia đình ông Ngộ và ông Minh được hưởng chỉ hơn 16,4 triệu đồng. Hồ sơ áp giá biến đất rừng thành đất nông nghiệp này với mức chênh lệch lớn được Hội đồng bồi thường-hỗ trợ và tái định cư (HĐBT-HT&TĐC) huyện Hương Trà lập gian lận đã dễ dàng “lọt” lên Sở Tài chính và UBND tỉnh và được chấp nhận.

Ông Nguyễn Hữu Ngộ nói: “Tui có nhận số tiền vượt trị giá thực tế đến hơn 46,3 triệu đồng. Gần đây tui mới biết nó là tiền áp giá sai lệch”.

Trong quá trình bồi thường, HĐBT-HT&TĐC huyện Hương Trà lại bỏ lọt hàng chục nghìn mét vuông đất đã được kê khai và niêm yết công khai của các gia đình khác. Theo danh sách niêm yết tại UBND xã Hương Hồ năm 2009, hộ ông Nguyễn Thế Thao có hơn 47.800 m2 đất các loại được công bố đền bù một phần kèm khối lượng tài sản trên đất. Tuy nhiên, khi được thông báo nhận tiền đền bù, đối chiếu hồ sơ ban đầu, hộ ông Thao bị hô biến hơn 24.000m2 đất cùng khối lượng tài sản rất lớn kèm theo.

Ông Thao làm đơn kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh. Qua tái thẩm định, cơ quan chức năng xác định diện tích có tài sản cần đền bù bổ sung cho hộ ông Thao là 24.142m2. Chưa hết, ở xã Hương Hồ hiện còn nhiều trường hợp bị bỏ sót diện tích đền bù hoặc thất lạc, chồng chéo do công tác đo vẽ, xác định tỷ lệ diện tích thiếu đồng bộ và thiếu chính xác.

Thay vì kiểm kê, đền bù nguyên vẹn thửa đất, tại DATL tây nam Hương Trà, công trình làm đến đâu, đất ruộng bị xẻ nhỏ để đền bù đến đó, dẫn đến tình trạng rơi rớt diện tích đất. Ông Phan Tấn Tâm có thửa ruộng được cấp sổ đỏ rộng 734m2. Khi đền bù, thửa đất này bị rơi rớt gần 100m2.

Kỳ lạ hơn, trong lúc gần 100m2 đất ruộng bị hô biến chưa được giải quyết, ông Tâm đột nhiên nhận thông báo nhận tiền đền bù một mảnh đất ruộng từ trên trời rơi xuống rộng khoảng 36m2. Đất đai không rõ ràng, ông Tâm từ chối nhận tiền. Trường hợp hộ ông Nguyễn Lợi tham gia trồng rừng cùng HTX Nông nghiệp Hương Hồ 2 bị bỏ lọt phần đền bù cây rừng trên đất của ông và HTX.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Võ Quang Vinh cho biết: “Công tác giải phóng mặt bằng của huyện Hương Trà quá chậm. Tuần nào chúng tôi cũng họp, đốc thúc, không biết vì nguyên nhân gì, việc đền bù, giải phóng mặt bằng cứ ì ạch”. Ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch HĐBT-HT&TĐC huyện Hương Trà: “Chúng tôi đã làm hết trách nhiệm, không thể cầu toàn được. Hàng trăm hộ dân dính vào đền bù, nên không thể tránh khỏi sai sót”.

MỚI - NÓNG