Đèn giời, nỗi lòng ai tỏ

Đèn giời, nỗi lòng ai tỏ
TP - Tại một vùng quê có truyền thống làm đèn trời, những bậc cao niên khẳng định đèn trời làm theo lối dân gian - đúng cách sẽ không có nguy cơ gây cháy.

Vào cữ tháng Chạp, năm nào cũng vậy, người dân xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) lại nô nức làm đèn giời.

Vào UBND xã Đồng Minh hỏi thăm về thú chơi đèn giời, cán bộ xã bảo tưởng gì chứ đèn giời thì cả xã ai cũng làm được, đứa trẻ con còn tự làm lấy chơi.

Anh Nguyễn Văn Điềm, cán bộ phụ trách văn hóa xã cho biết, có khoảng 20 gia đình sản xuất đèn giời, nhưng làm thường xuyên để bán thì chỉ có một vài như gia đình các ông Mẩm, ông Hiến, ông Tuân, ông Thiềng...

Đã 82 tuổi, cụ Bùi Văn Mẩm được xếp vào hàng cao thủ cao niên nhất làng Bảo Hà về làm đèn giời. Giữa trưa đang nằm nghỉ, nghe con cháu gọi có chú phóng viên về hỏi đèn giời, ông lão bật dậy quên cả việc giới thiệu, pha nước mời khách mà hồ hởi kể về kỹ thuật làm đèn giời, thú chơi đèn giời.

Cụ bảo, đèn giời trước các cụ thường thả vào đêm giao thừa, hội làng, tết Trung thu hay những ngày quan trọng của làng, còn giờ thì ngày nào thả cũng được.

Cụ Mẩm quả quyết, cả đời cụ làm đèn giời dễ đến hàng chục nghìn quả đem thả khắp nơi như Hà Nội, Hải Dương, còn ở Hải Phòng thì các huyện Kiến Thụy, quận Kiến An..., nhưng chưa thấy quả nào bay lên bị cháy bùng rơi xuống gây hoả hoạn cả.

Ông Hoàng Văn Hiến (70 tuổi, ở xóm Quyết Tiến, thôn Bảo Hà, xã Đồng Minh) gia đình nhiều đời gắn bó với trò chơi dân gian đèn giời này. Ông Hiến kể: “Kỹ thuật chỉ đơn giản như thế này thôi: Thông thường, đường kính vành đèn phải ít nhất 85 cm và được làm bằng tre vót nhỏ bằng đầu đũa ăn cơm, chóp đèn hình vai chuông (hay còn gọi là chuông đèn) phải cao cỡ 1,6 m trở lên, chuông đèn được làm bằng giấy bản nên nhẹ.

Việc chế biến bấc đèn khá cầu kỳ. Bấc đèn phải được làm bằng loại vải thô (không được pha nilon) cắt nhỏ bằng cỡ ngón tay đem vào chảo xào với mỡ lợn cho nó hút càng nhiều mỡ càng tốt rồi để nguội rồi xào lại tiếp bằng mỡ lợn nữa.

Cứ như thế vài lần nên mỗi bấc đèn thường ngấm hai đến ba lạng mỡ. Mà phải là mỡ lợn bởi nó cháy sáng, từ từ rất lâu. Việc chế bấc đèn mới kỹ lưỡng như vậy rất quan trọng bởi nó cháy lâu thì đèn bay lâu, bay cao được.

Tuy nhiên, để có cái đèn giời tốt còn phụ thuộc vào kinh nghiệm làm đèn lâu năm, khéo tay của người thợ chỉnh bấc, chuông đèn sao cho nó cân”.

Ông Hiến hồ hởi: “Đèn của tôi bay cao đến 5 cây số là chuyện thường. Những đêm Trung thu, trăng sáng nhìn rõ đèn giời lẫn vờn vào các đám mây lúc ẩn, lúc hiện thật đẹp.

Năm 2008, tôi cũng chỉ làm có được gần 300 quả đèn bán với giá 20 nghìn đồng mỗi quả. Năm 1974, tôi được huyện bảo làm đèn giời rồi cử đi Hà Nội thi các trò chơi dân gian và được giải thưởng gồm bằng khen và bộ ấm chén”.

Câu chuyện về đèn giời chợt chùng xuống, khi ông Hiến nói xem tivi thấy người ta chiếu, thanh niên đốt đèn giời ở khu vực sân vận động Mỹ Đình, Hà Nội rồi ở khắp nơi trong dịp Tết vừa rồi gây cháy nổ nguy hiểm.

“Nhìn trên tivi, tôi khẳng định là loại đèn giời họ đốt gây cháy rơi là đèn không đúng tiêu chuẩn, bé tí thế thì lửa nó bén ngay vào chuông đèn, chưa kịp bay lên đã bị cháy bùng rớt xuống là đúng rồi. Đường kính vành đèn chắc chỉ 50, 60cm nên nó bị lửa liếm cháy ngay chứ như chúng tôi làm bao đời nay đèn có bị thế bao giờ đâu. Đèn chúng tôi làm khi cháy hết bấc, nó còn bay một lúc mới từ từ hạ xuống...” - Ông Hoàng Văn Hiến nói.

Ông Trần Văn Phước và anh Nguyễn Văn Thiều (cùng ở thôn Nhân Mục, xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo) kể, du khách, nhất là du khách nước ngoài đến làng xem múa rối nước xong rất thích thú khi được viết những điều ước nguyện của mình lên giấy điều rồi dán vào đèn giời thả với hy vọng ước muốn của mình sẽ thấu tới Thượng Đế.

Anh Thiều cho biết, mỗi năm làm và đốt hơn 1.000 quả đèn giời cho du khách nhưng chưa hề thấy bao giờ nó bị bùng cháy rơi xuống gây cháy nhà cửa cả...

Vì đâu đèn giời chưa bay đã cháy?

Tôi đem câu hỏi này đặt ra với các cụ, các ông có thâm niên hàng chục năm thậm chí hơn, có người 50 năm làm đèn giời như cụ Mẩm, ông Hiến ở xã Đồng Minh rồi ông Phước, ông Thiều ở xã Nhân Hòa.

Tương truyền năm 1076, sau khi đánh thắng quân xâm lược nhà Tống, vua Lý Nhân Tông cho bố cáo toàn cõi nước Nam mở hội vui chơi.

Các miền quê, vùng đất có trò chơi truyền thống góp vui gì đều được đem ra thi thố.

Riêng, tại miền đất ven biển (nay là Hải Phòng), người dân đã góp vui bằng cách lấy cây tách nhỏ rồi qua bàn tay khéo léo tạo thành chiếc đèn hình quả chuông đốt thả lên trời với ước nguyện thanh bình, ấm no... Đó là “thiên đăng”, người quê gọi mộc mạc là đèn giời (trời).

Và đều nhận được câu trả lời chung: Loại đèn giời chưa bay lên đã bị lửa liếm vào thành đèn gây bùng cháy là do đường kính vành đèn quá nhỏ (dưới 70 cm) và bấc đèn không được làm cẩn thận bằng vải thô tẩm mỡ lợn mà bằng vải có pha nilon tẩm dầu, xăng thậm chí dùng cả lốp, xăm xe đạp thay làm bấc nên ngọn lửa bùng phát lớn, nhanh.

Vải pha nilon cháy nhỏ thành giọt xuống, lại thêm đường kính đèn quá nhỏ nên lửa táp vào gây bùng cháy ngay vừa mới thả lên.

Một nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc đèn giời bị làm quá nhỏ là để bớt nguyên liệu, hạ giá thành, dễ cạnh tranh. Dịp Tết vừa rồi, tại Hà Nội, Hải Phòng, đèn giời được bán đầy vỉa hè với giá chỉ 20 nghìn đồng/chiếc, thậm chí nếu mua nhiều có nơi chỉ bán 15 nghìn/chiếc.

Trong khi đó, giá gốc một đèn giời được làm đúng tiêu chuẩn tại xã Đồng Minh đã 20 đến 25 nghìn đồng/chiếc.

Ông Hoàng Văn Hiến nói: “Xem tivi thấy người ta đốt đèn giời bé không đúng tiêu chuẩn là biết ngay vì chỉ thấy có một người đốt. Chứ đèn của tôi làm to phải 2 người đốt mới được”.

Nói đoạn, dường như để minh oan cho đèn giời truyền thống quê nhà, ông Hiến ới anh con trai giúp ông đốt thử một cái đèn. Cái đèn cao ngang ông Hiến từ từ bay lên.

Dịp đầu năm, việc sản xuất, bán và thả đèn giời không đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật tràn lan, bừa bãi đã gây hậu quả khôn lường như cháy rừng, nhà, cơ sở sản xuất, đe dọa các kho, cây xăng, công trình quan trọng... làm đau đầu các nhà quản lý.

Nhưng có phải vì thế mà cấm sản xuất, chơi đèn giời? Đèn giời là thú chơi tao nhã có gắn với tâm linh của cha ông ta để lại. Không những thế, đèn giời còn góp phần đem lại thu nhập cho nông dân trong những tháng ngày nông nhàn, thu hút du khách nước ngoài như là một trò chơi dân gian mang âm hưởng tâm linh độc đáo của một số làng quê đất Việt.

Vấn đề đặt ra là quản lý sản xuất đèn giời như thế nào cho đúng tiêu chuẩn, đúng kỹ thuật, đảm bảo an toàn.

Không nên hành xử theo lối cái gì không quản lý được thì cấm

Đèn giời, nỗi lòng ai tỏ ảnh 1
Ông Trần Phương
* Ông Trần Phương (Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội VNDGVN TP Hải Phòng): Tục thả đèn giời là trò chơi dân gian truyền thống gắn với tâm linh của cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ. Khi thả đèn người dân tin rằng lời cầu nguyện quốc thái dân an của họ thấu đến các đấng thần linh trên trời.

Các nghệ nhân dân gian ở các làng quê đã có được kỹ thuật rất cao dù họ làm đèn chỉ bằng vật liệu sẵn có ở làng quê như tre, giấy bản, mỡ lợn...

Nguyên lý đèn giời là chỉ rơi khi toàn bộ lửa ở bấc đã hoàn toàn tắt nên nó mới trường tồn đến tận bây giờ chứ nếu xảy ra hỏa hoạn thì các cụ đã bỏ chơi từ lâu rồi.

Vấn đề đặt ra là cơ quan chức năng nên cấp phép cụ thể cho các nghệ nhân ở những làng quê có truyền thống lâu đời làm đèn giời đúng tiêu chuẩn cổ truyền. Không nên hành xử theo lối cái gì chúng ta không quản lý được thì cấm.

Thả đèn giời ở những nơi thích hợp có thể thúc đẩy du lịch

Đèn giời, nỗi lòng ai tỏ ảnh 2
Ông Phạm Trung Dũng
* Ông Phạm Trung Dũng (Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hải Phòng): Chính việc sản xuất tràn lan thứ đèn giời không đúng kỹ thuật, không đúng cách làm truyền thống đã gây ra tình trạng hỏa hoạn.

Theo tôi, không nên cấm sản xuất và thả đèn giời mà nên có những quy định cụ thể về việc sản xuất, thả đèn giời. Vì đây là hoạt động văn hóa dân gian truyền thống mang yếu tố tâm linh rất độc đáo được du khách nước ngoài rất quan tâm, thích thú, nhất là trong các tour du khảo đồng quê.

Trong khi sản phẩm du lịch nước ta chưa phải là phong phú lắm, chỉ vì một số cái đèn giời làm không đúng tiêu chuẩn gây hỏa hoạn mà ta cấm luôn tục thả đèn giời là quá cứng nhắc. Việc cấm đó không chỉ mất đi một tục đẹp lâu đời ở các vùng quê mà còn triệt tiêu một sản phẩm du lịch. 

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.