Đến tâm vùng dịch lợn 'tai xanh'

Đến tâm vùng dịch lợn 'tai xanh'
TP - Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành thú y TP Đà Nẵng liên tiếp công bố những điểm dịch lợn “tai xanh” mới bùng phát. Số con lợn chết cũng tăng lên từng ngày, từng giờ.

Những báo cáo “ôn hoà” kiểu: “Dịch đã được khống chế” vẫn không thể nào làm giảm nước mắt của người nuôi lợn đang chảy ròng trong vùng “rốn dịch”.

Đến tâm vùng dịch lợn 'tai xanh' ảnh 1
Ông Lưu Đi đang lo lắng cho số phận những con heo còn lại

Cầu nguyện thần linh đuổi dịch cho heo rừng

Trang trại heo rừng của anh Trần Đức Quốc tại xã Hoà Ninh (huyện Hoà Vang) là trang trại duy nhất của miền Trung và miền Bắc nuôi heo rừng với quy mô trên 200 con.

Cách đây 3 năm, đang ổn định với nghề tài xế chở tiền ngân hàng, Trần Đức Quốc bỏ tất cả lên vùng rừng núi heo hút Hoà Ninh, bỏ vốn khai hoang, sau đó vào Bình Dương mày mò học cách nuôi heo rừng.

Cho đến nay, trang trại gần 4ha của anh đã có hơn 200 con heo rừng. Trung bình mỗi lứa, anh xuất khoảng 70 – 80 heo giống, thu về trên 200 triệu đồng. Hiện nay, Trần Đức Quốc là một trong những tỷ phú trẻ thành danh ở miền Trung nhờ mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo rừng.

Vào trang trại Trần Đức Quốc trên con đường gập ghềnh trong nắng hè thiêu đốt, chúng tôi khựng lại bởi tấm bảng trắng loá, in đậm dòng chữ: “Hiện nay dịch heo tai xanh đang lan rộng nên quý khách thông cảm tham quan vào dịp khác”.

Dưới gốc cây đa xum xuê bên trong trang trại là một am thờ nghi ngút khói hương, Quốc đang lầm rầm thắp hương, đốt vàng mã khấn vái. Xong, ngẩng đầu lên buồn rầu nói: “Có thờ có thiêng anh ạ, em đốt hương cầu nguyện cho trận dịch qua mau để yên tâm chăn nuôi. Cứ nay dịch, mai cúm như thế này, lo lắm anh ạ”.

Hơn 200 con heo rừng nằm trong khu đất được bao bọc bởi thép B40 và rải vôi trắng xoá, Quốc còn phải mua thuốc phun hàng ngày, nhờ thế nên hiện nay, đàn heo vẫn khoẻ mạnh, chóng lớn và đang chờ xuất chuồng một lứa khoảng 80 con. Quốc nói: “Heo rừng có sức đề kháng tốt hơn heo nhà rất nhiều, trang trại của em lại cách xa vùng dịch, nhưng em vẫn luôn chú ý đề phòng, ngộ nhỡ xảy ra điều gì thì trắng tay. Xuống dưới dân, thấy dịch hoành hành mà nhiều người nuôi heo còn chủ quan thế thì chết là phải”.

Người chăn nuôi khốn đốn

Ông Cao Xuân Thái – Chi Cục trưởng Thú y Đà Nẵng khẳng định với Tiền phong: “Nói dịch bùng phát vào thời điểm này là không chính xác, hiện chúng tôi đã cơ bản khống chế những con lợn dịch, không cho lây lan sang khác đàn lợn khác. Lực lượng thú y từ thành phố xuống phường xã trên dưới 100 người...”. Tuy nhiên, sau 1 ngày tìm hiểu tại vùng “rốn dịch” xã Hoà Sơn (huyện Hoà Vang), thực tế không hoàn toàn như thế. Tại đây, hàng trăm “lão Trư” vẫn đang ngắc ngoải và nước mắt người dân nuôi heo vẫn chảy ròng.

Ông Lưu Đi (thôn An Ngãi Tây 1, xã Hoà Sơn) mừng rỡ chạy ùa ra sân vì thấy có khách lạ ghé thăm. Hoá ra, ông vui mừng vì tưởng chúng tôi là cán bộ thú y, đến tiêm phòng cho đàn lợn nhà ông. Bà Nguyễn Thị Tơ - vợ ông Đi vừa dẫn chúng tôi thăm quan đàn lợn, vừa buồn bã: “Bỏ ra 2 chục triệu, gây dựng đàn lợn từ đầu năm, giờ sắp thành tay trắng”.

Đàn heo của ông Đi lúc đầu có 60 con, sau cơn dịch chỉ còn lại 35 con. Ông Đi không nén được tiếng thở dài não nuột: “35 con còn lại cũng có triệu chứng chú ạ, lờ đờ, chán ăn hơn bình thường, thấy mà lo quá”. Một con heo trong chuồng ông Đi đã nằm liệt mấy ngày nay, mắt lờ đờ, run rẩy, chưa bị “hoá kiếp” vì ông vẫn hy vọng nó sẽ khoẻ lại.

Sát bên vách nhà ông Lưu Đi là hộ chị Lê Thị Nhiệm cũng đang lo ngay ngáy vì cơn dịch đã cướp mất của gia đình chị 15 con lợn, giờ chỉ còn lại 10 con nhưng cũng nằm cả ngày vì chán ăn. Chị Nhiệm lo lắng: “Thuốc bao nhiêu cũng vô ích, 1 con bị tiêu hủy là cả bầy lăn ra ốm. Mất tiền thuốc gần cả triệu bạc vẫn không ăn thua gì”.

Hộ nhà anh Lê Minh Hùng cách đó không xa cũng chẳng khá khẩm hơn những người hàng xóm, bởi 70 con heo của anh giờ chỉ còn lại 28 con dở đau dở ốm, trong đó, 1 con bị dịch vẫn nằm chòng queo, thoi thóp chờ mang đi tiêu hủy.

Theo lời kể của anh Hùng, sáng 21/7, lực lượng thú y ghé thăm nhà anh, có cả truyền hình quay phim chụp ảnh. Cán bộ thú y hứa buổi chiều quay lại sẽ mang heo đi tiêu hủy, nhưng chờ đến nay vẫn không thấy. Chị Nguyễn Thị Khoa, vợ anh Hùng kể: “Chúng tôi thấy chưa chết nên không mang đi tiêu hủy, cách ly để không lây lan ra các con khác”. Anh Hùng nói: “Hồi giữa tháng 7, heo nhà tui bệnh, chết hàng loạt, tui chẳng đem chôn được, đành quẳng vào xe rác. Số khác tui đưa lên núi vứt. Mai mốt mà con heo bệnh này không khỏi, chắc cũng cho nó lên núi luôn”.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND xã Hoà Sơn, cho biết: “Người chăn nuôi ở đây đang gặp rất nhiều khó khăn vì lợn khoẻ mạnh bán cũng không ai mua mà giữ lại thì nguy cơ phát sinh dịch bệnh rất dễ tái phát”.

Được biết, toàn xã có trên 20 ngàn con lợn thì thôn An Ngãi Tây 1 đã chiếm gần một nửa. Theo phản ánh của người dân, hiện số heo chưa bị bệnh cũng đang mang triệu chứng chán ăn, lờ đờ, không còn khoẻ mạnh. Trước thực tế đáng lo ngại như thế, liệu có quá vội vàng không khi mạnh dạn tuyên bố: Dịch “tai xanh” ở Đà Nẵng đã được khống chế, đang dần dần bị dập tắt?

MỚI - NÓNG