Đi bộ giữa Sài Gòn

Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ người dân TPHCM mà cả những người ở địa phương khác với sự hiện đại mang tầm thế giới. Ảnh: Việt Văn
Quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ người dân TPHCM mà cả những người ở địa phương khác với sự hiện đại mang tầm thế giới. Ảnh: Việt Văn
TP - Hơn 6 giờ chiều ngày 4/5, hàng trăm người, đa phần thanh niên đã tụ tập thành vòng tròn xung quanh khu vực đài phun nước trên quảng trường Nguyễn Huệ, cho dù phải đến 7 giờ, chương trình nhạc nước nghệ thuật mới bắt đầu.

Phố đi bộ, hay quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM) là khu vực đi bộ đầu tiên của cả nước được hình thành đúng với ý nghĩa một quảng trường dành cho người dân tản bộ. Công trình được nói có mức đầu tư gần 430 tỷ đồng bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 29/4, cho dù một số hạng mục vẫn chưa hoàn tất.

Người dân thích thú

Thuộc loại hiện đại nhất nước hiện nay, quảng trường Nguyễn Huệ được nhiều người dân đón đợi ngay từ ngày khởi công, 15/10/2014. Đã từ lâu, đường Nguyễn Huệ nổi tiếng là khu vực trung tâm nhất của Sài Gòn-TPHCM. Đường hoa Nguyễn Huệ cũng từ nhiều năm trở thành đặc sản của TPHCM mỗi dịp Tết.

Sáng 5/5, cho dù giữa ban ngày, trời nắng khá to nhưng vẫn có một số người dân và du khách đến quảng trường thăm thú, chụp ảnh. Theo dự kiến, khi hàng cây hai bên đường cao thêm và tán cây rộng hơn, quảng trường Nguyễn Huệ sẽ có thêm nhiều bóng mát. Người ta cho trồng hai hàng cây chạy dọc quảng trường, gồm các loại cây lộc vừng, giáng hương, dầu và cây sứ trồng xung quanh khu vực đặt tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, được bao bọc bởi một hàng sen.

Mặt đường và vỉa hè quảng trường được lát đá granite, có hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, đài phun nước. Quảng trường dài 640m, rộng 64m, điểm đầu từ đường Lê Lợi và điểm cuối là đường Tôn Đức Thắng nhìn ra sông Sài Gòn, bên kia là Thủ Thiêm. Theo dự kiến, một cầu vượt sông Sài Gòn dành riêng cho người đi bộ cũng sẽ được xây dựng, nối quảng trường Nguyễn Huệ với khu vực công viên Thủ Thiêm rồi quảng trường trung tâm Thủ Thiêm cũng sẽ được xây dựng nay mai.

 Như vậy, không gian đi bộ của khu trung tâm thành phố sẽ được mở rộng thêm rất nhiều. Khu đô thị Thủ Thiêm được quy hoạch làm trung tâm kinh tế-tài chính mới của TPHCM tương tự phố Đông của thành phố Thượng Hải. Với ý tưởng này, có thể thấy những người thiết kế đã tính toán để biến khu Thủ Thiêm, kết hợp với quảng trường Nguyễn Huệ và cầu đi bộ thành một London thứ hai với cầu Tháp London bắc qua sông Thames. Khi ấy, nhiều người làm việc tại trung tâm kinh tế, tài chính sẽ hoặc đi bộ, hoặc chỉ cần đi xe đạp tới chỗ làm.

Ở mức độ hiện tại, quảng trường kết nối liên hoàn với khu vực ẩm thực chợ Bến Thành, khu vực mua sắm trên đường Đồng Khởi và một số trung tâm thương mại lân cận tại trung tâm TPHCM. Cuối quảng trường là khu vực công viên Bạch Đằng nằm sát bờ sông Sài Gòn.

Sáng 5/5, anh Trần Anh Khánh (25 tuổi) từ Vĩnh Long lên Sài Gòn du lịch, ghé qua quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ tham quan. Anh Khánh bảo thích thú nhất là “hệ thống đèn giao thông có âm thanh “tít, tít… và lời thông báo mời khách băng qua đường”.

Nhưng anh và nhiều người chưa rành cách sử dụng đèn tín hiệu sang đường nên cứ lóng ngóng đứng chờ. Một nhóm du khách, có lẽ là Nhật Bản bước tới, ấn vào nút báo hiệu chuẩn bị băng ngang đường. Khi đèn xanh sáng lên, thiết bị trong cột tín hiệu phát ra lời mời sang đường cả bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. 

Âm thanh “tít, tít” phát ra từ chậm đến nhanh để báo cho người đi bộ qua đường biết khi nào sắp có đèn đỏ, cần nhanh chóng di chuyển khiến anh Khánh rất khoái chí. Tại khu vực quảng trường, các nhà thiết kế đã cho bố trí ba nhà vệ sinh công cộng ngầm dưới đất, tiêu chuẩn 5 sao rất hiện đại. Nhà vệ sinh còn có thang máy dành cho người tàn tật di chuyển lên xuống.

Hệ thống âm thanh được bố trí dọc theo hai bên quảng trường với mức âm lượng vừa đủ nghe, không gây ồn ào. Hệ thống phun hơi nước cũng được lắp đặt dọc theo quảng trường để đủ tạo độ ẩm, vừa giúp hoa, cây cảnh sinh trưởng vừa làm dịu mát không khí.

Đúng 7h tối, hai hệ thống vòi phun nước nhiều màu sắc kèm tiếng nhạc du dương bắt đầu hoạt động và đây luôn là điểm nhấn cảnh quan của quảng trường. Trong ngày đầu tiên hệ thống phun nước hoạt động, cũng có một hai người phấn khích nhảy vào “tắm” rất hồn nhiên. Trên quảng trường không có cảnh hàng rong chèo kéo bởi luôn có lực lượng bảo vệ. Một anh bán bò bía ngọt vừa ghé vào lề đã vội vặn ga đi luôn khi thấp thoáng bóng hai anh bảo vệ tới gần.

Theo kế hoạch, ban ngày, từ 7h đến 11h và từ 13h đến 18h, cứ cách một giờ hệ thống sẽ phun nước một lần, mỗi lần kéo dài 15 phút sau khi quảng trường hoàn thành tất cả các hạng mục. Ban đêm từ 19h đến 23h, quảng trường sẽ có phun nước kết hợp ánh sáng nghệ thuật.

Đi bộ giữa Sài Gòn ảnh 1

Khu vực tầng hầm chỉ huy của quảng trường đi bộ.  Ảnh: Việt Văn.

Phố cũ và phố mới

Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1 cho biết, trong thời gian tới, trước ngày 19/5, một số hạng mục khác sẽ hoàn thành như hệ thống wifi miễn phí, 160 ghế gỗ rải đều hai bên đường để người dân, du khách tham quan có nơi ngồi nghỉ chân. Ngoài ra, hệ thống 20 xe điện sẽ được đưa vào sử dụng.

Ngoài ra, theo kế hoạch, quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ sẽ tổ chức các chuyên đề nhạc nước nghệ thuật 3D ở những khu vực vòng xoay, đài phun nước. Tuy nhiên, vì đến ngày 20/5, hệ thống vận hành nhạc nước mới thực sự hoàn tất nên Cty Liên Hoàn Mỹ, chịu trách nhiệm vận hành chưa thể tiết lộ cụ thể.

Với sự ra đời của quảng trường đi bộ, một lần nữa TPHCM lại cho thấy sự sáng tạo và năng động, đi đầu trong các hoạt động phát triển đô thị. Là thành phố đầu tiên xây hầm vượt sông, cải tạo thành công các con kênh “chết”, khởi công xây dựng metro sớm nhất và nay là quảng trường đi bộ. Bên hông quảng trường, cạnh tòa nhà Thương xá Tax đang nhộn nhịp thi công nhà ga metro. Khi hoàn thành tuyến metro, quảng trường, phố đi bộ, cầu bộ hành vượt sông, công viên Thủ Thiêm, tất cả sẽ tạo nên một không gian văn hóa-du lịch hiện đại và tiện ích.

Không gian của quảng trường rất phù hợp với các hoạt động ngoài trời, hoạt động biểu diễn, nghệ thuật đường phố, triển lãm, lễ hội… Một thuận lợi nữa là xung quanh khu vực đường Nguyễn Huệ là rất nhiều tòa nhà, công trình kiến trúc có từ thời Pháp, nhiều địa danh nổi tiếng như bến Nhà Rồng, chợ Bến Thành… Quảng trường Nguyễn Huệ và cầu vượt bộ hành qua sông Sài Gòn sẽ nối hai nửa thành phố, một có bề dày lịch sử với một khu đô thị mới Thủ Thiêm mang phong cách hoàn toàn hiện đại.

Theo dự kiến, một cầu vượt sông Sài Gòn dành riêng cho người đi bộ cũng sẽ được xây dựng, nối quảng trường Nguyễn Huệ với khu vực công viên Thủ Thiêm rồi quảng trường trung tâm Thủ Thiêm cũng sẽ được xây dựng nay mai. Như vậy, không gian đi bộ của khu trung tâm thành phố sẽ được mở rộng thêm rất nhiều.

MỚI - NÓNG