Đi chợ Hà Khẩu mua... tình

Đi chợ Hà Khẩu mua... tình
Ở chợ Hà Khẩu, Trung Quốc không chỉ có những mặt hàng tiêu dùng. Lợi dụng sự lỏng lẻo của chính quyền sở tại, nhiều gái mại dâm Việt Nam đã kéo nhau sang đây và trở thành cư dân chợ người.
Đi chợ Hà Khẩu mua... tình ảnh 1
Bán hàng rong ở Hà Khẩu

Chỉ cách thành phố Lào Cai có một cây cầu vài chục thước, nhưng Hà Khẩu, thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đã là một thế giới khác. Ở đó có những người dân Việt đang miệt mài lao động để mưu sinh, bất chấp những khác biệt văn hoá...

Tại Hà Khẩu, người Việt tập trung ở bốn khu vực chính, bao gồm các khu chợ Thuốc Lá, Kim Vinh, Lợi Hồng và Cầu Sập. Người Việt không thể mua nhà, nên giải pháp mà chính quyền Hà Khẩu đưa ra khá mềm mại và phù hợp là đưa họ vào các khu chợ tập trung.

Mỗi thương nhân hoặc bỏ ra khoảng 20.000 - 30.000 tệ (40 -60 triệu đồng tiền Việt) để "mua" lấy một kiốt chừng 12m2 sàn tầng một, hoặc trả tiền thuê mỗi tháng khoảng 2.000 tệ để buôn bán và sinh hoạt.

Một Hà Khẩu của người Việt

Tính ra, ở Hà Khẩu có khoảng 300 kiốt như thế của người Việt, hoạt động nhộn nhịp từ sáng sớm đến tối mịt. Người Lào Cai đã có công "mở đường" sang Hà Khẩu, nhưng chính người Vĩnh Phúc lại đang chiếm số lượng áp đảo tại Hà Khẩu và cũng là những người có tiềm lực nhất.

Chị Nguyễn Thị Loan, quê ở Yên Lạc (Vĩnh Phúc) theo gia đình sang Hà Khẩu sống gần 10 năm nay, kể rằng ban đầu chỉ có một vài người trong làng đi, sau thấy làm ăn được thì về rủ thêm người, dần dần hình thành chợ của người Việt.

Không chỉ có người Vĩnh Phúc, ngày nay Hà Khẩu cũng là quê thứ hai của nhiều người từ Thanh Hoá, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An... Tổng cộng phải có đến hàng ngàn người Việt đang sinh sống tại Hà Khẩu và đang dần trở thành một bộ phận không thể thiếu của thị trấn biên giới này.

Nhưng đối với đa phần người Việt, việc buôn bán vẫn chỉ là chuyện tạm thời, giống như là dân quê đi xuất khẩu lao động, bao giờ tích cóp được kha khá thì lại quay về Việt Nam mở công ty.

Theo nhận định của nhiều người, dù chỉ buôn bán song những người Việt Nam bám trụ ở Hà Khẩu hàng chục năm nay và có tiền tỉ cũng không phải là quá hiếm.

Hàng ta, hàng Tàu lẫn lộn

Ở Hà Khẩu, hàng hoá không phải là hàng sản xuất tại tỉnh Vân Nam mà là hàng nhập từ các tỉnh phía đông như Quảng Tây, do hàng hoá cũng không rẻ hơn mấy so với hàng Trung Quốc ở các tỉnh miền xuôi Việt Nam vốn lấy hàng theo đường Quảng Ninh, Lạng Sơn.

Với người Việt tại Hà Khẩu, hàng đắt hay rẻ không quan trọng bằng hàng có bán được hay không, bởi thực tế là hàng luôn được nói thách với giá trên trời và nhiều lúc cũng bán được với giá trên trời.

Hơn nữa, khách hàng chủ yếu của các khu chợ Việt lại không phải là người Việt hay người Trung Quốc sở tại mà là du khách Trung Quốc ở khắp các nơi tới.

Với đối tượng này, theo nhận xét của chị Loan là mua bán cũng khá thoáng. Chẳng hạn, mặt hàng thuyền buồm mỹ nghệ được nhập về với giá khoảng hai trăm ngàn đồng nhưng nói thách khoảng… tám trăm ngàn, sau đó mặc cả bao nhiêu thì tuỳ.

Đa phần các mặt hàng tiêu dùng thông thường, từ cây kim sợi chỉ, bấm móng tay hay thậm chí cả quần áo, giày dép đều được bán với "chiến thuật" này.

Một điều đáng chú ý là gần như cửa hàng nào cũng bày bán rất nhiều kiếm Nhật trang trí, khiến người ta có cảm giác là dân Trung Quốc đang "mốt" trưng bày kiếm Nhật.

Thực ra theo các chủ hàng, đây là món hàng trông rất "bắt mắt", có tác dụng hút khách vào cửa hàng để sau đó mời mua những món khác.

Riêng hàng Việt Nam tại Hà Khẩu, ngoài các mặt hàng có tên tuổi như giày dép Biti's hay bánh đậu xanh Quê Hương của Hải Dương, người ta còn dễ dàng nhận ra các mặt hàng khác như hoa quả tươi gồm nhãn, vải, mít, bưởi, chanh...

Thậm chí, có mặt hàng như lược chải đầu làm bằng sừng được sản xuất tại Việt Nam, nhưng sang Hà Khẩu được các chủ hàng dán mác Trung Quốc cho dễ bán.

Theo thừa nhận của các chủ hàng, mức tiêu thụ hàng Việt Nam hiện vẫn rất khiêm tốn so với hàng Trung Quốc. Nhiều cửa hàng dọc các tuyến phố chính vẫn ghi biển là bán hàng Việt Nam nhưng lại bán hàng lẫn lộn lung tung.

Để phục vụ nhu cầu của chính cộng đồng người Việt, hầu hết các khu phố xung quanh các khu chợ người Việt đều treo biển song ngữ với những dòng tiếng Việt ngồ ngộ như "Nhà háng đặc sản", "Mười đống ba cái" (mười đồng ba cái).

Có một Hà Khẩu khác của người Việt

Nếu chỉ nhìn vào cơ ngơi hiện có của người Việt, không thể không vui với những gì họ đang có. Nhưng đến Hà Khẩu một ngày để vui, thì đến Hà Khẩu cũng để buồn bởi ở đó đang tồn tại một thế giới khác của người Việt: thế giới của giang hồ và mại dâm.

Các khu chợ của người Việt đều xây dựng từ 3 đến 4 tầng, nhưng trên thực tế chỉ có tầng một là để kinh doanh, các tầng khác được cho thuê để ở. Khoảng 5 năm nay, hầu hết các tầng trên đều đã biến thành nhà thổ công khai.

Lợi dụng sự lỏng lẻo của chính quyền sở tại, hàng trăm gái mại dâm Việt Nam đã kéo nhau sang Hà Khẩu và trở thành cư dân chợ người. Mặt khác, những tay anh chị đang bị truy nã gắt gao ở Việt Nam, giờ kéo nhau sang Hà Khẩu thuê nhà, tuyển mộ gái và tạo ra một khu... chợ tình.

Theo số liệu của ban quản lý chợ tại Hà Khẩu, có khoảng 300-500 gái mại dâm Việt Nam hành nghề tại Hà Khẩu. Giải thích cho sự tồn tại của các chợ tình này, một người dân buôn bán lâu năm ở đây cho biết sự lỏng lẻo của chính quyền địa phương là nguyên nhân cơ bản nhất.

Các má mì cũng chẳng có gì phải lo lắng và tiền "luật" cũng rất ít. Có mặt tại chợ Kim Vinh vào giờ cao điểm, chúng tôi chứng kiến từng đoàn khách Trung Quốc "ba lô" ghé chợ này mua hàng thì ít mà để ăn chơi thì nhiều.

Chứng kiến những gì đang diễn ra tại Hà Khẩu mới thấy rằng việc tỉnh Vân Nam đưa Hà Khẩu vào danh mục những điểm nóng nhất về dịch bệnh HIV/AIDS rõ ràng không có gì đáng ngạc nhiên!

MỚI - NÓNG