Hà Nội

Di chuyển cơ sở SX ra ngoại thành: Loay hoay tìm cơ chế

Di chuyển cơ sở SX ra ngoại thành: Loay hoay tìm cơ chế
TPO - Hôm qua (1/6), Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã họp với Sở TNMT&NĐ nhằm tìm kiếm biện pháp khả thi cho việc di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra ngoại thành, trong lộ trình từ nay đến 2015.

Theo Phó Chủ tịch Phí Thái Bình, di chuyển các cơ sở này được coi là một trong nhiệm vụ trọng tâm của việc chỉnh trang đô thị; đồng thời góp phần làm trong sạch môi trường sống thủ đô.

Đề án của Sở TNMT&NĐ đã vạch ra lộ trình tổng thể đến năm 2015 thành phố di chuyển toàn bộ các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, gây ô nhiễm ra khỏi nội đô; nhưng sớm hơn-đến năm 2010 di chuyển xong các cơ sở gây ô nhiễm nặng, như cơ sở sản xuất rượu, dệt may, các cơ sở có sử dụng hoá chất gây độc hại.

Còn trước mắt-trong tháng này, các cơ quan chức năng của thành phố phải hoàn tất việc lên một danh sách những cơ sở gây ô nhiễm, mức độ ô nhiễm; danh sách cơ sở không phù hợp với quy hoạch chung.

Phó Chủ tịch Bình đề nghị Sở TNMT&NĐ soạn thảo ngay quy chế, quy trình-thủ tục về việc di dời, trong đó có tham khảo ý kiến của các sở ngành, các doanh nghiệp trong diện di dời.

Cùng với đó, lãnh đạo thành phố yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp Hà Nội lập quỹ đất, chuẩn bị các điều kiện để các doanh nghiệp ổn định sản xuất khi di dời theo quyết định của thành phố.

Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm đã được thành phố trăn trở từ nhiều năm trước, với 3 văn bản liên quan đã ban hành. Tuy nhiên, việc di chuyển các cơ sở này dường như dậm chân tại chỗ-do thành phồ chưa đưa ra được cơ chế phù hợp, khả thi. Do đó, các doanh nghiệp đều đồng ý về chủ trương, nhưng khi nói đến chuyện di dời thì lại không mấy mặn mà.

Dùng tiền đấu giá đất để di chuyển cơ sở gây ô nhiễm

“Thành phố công khai lộ trình, quy trình, thủ tục của việc di dời; đồng thời có cơ chế, chính sách công bằng, đảm bào quyền lợi cho các doang nghiệp, đặc biệt không phân biệt thành phần kinh tế của các doanh nghiệp này”- Phó Chủ tịch Phí Thái Bình.

Theo Sở TNMT&NĐ, vướng mắc chủ yếu là cơ chế-chính sách. Cụ thể, quyền lợi, trách nhiệm của cơ sở phải di dời là gì, chưa được xác định rõ.

“Theo thống kê, các cơ sở sản xuất trong nội thành hiện đang sử dụng hàng chục ha đất-chủ yếu dưới hình thức thuê đất. Vậy khi di dời, phải có cơ chế rõ ràng để các doanh nghiệp yên tâm, tạo điều kiện để họ có đủ kinh phí ổn định, phát triển sản xuât tại nơi mới”- Giám đốc Sở TNMT&NĐ Vũ Văn Hậu nói.

Hiện nay,  nếu áp dụng các văn bản hiện có, các doanh nghiệp đều không thể cân đối được chi phí (nhất là với dự án sử dụng đất cho công trình công cộng); trong khi đó thành phố cũng thiếu thông tin quy hoạch, các thủ tục chưa rõ ràng.

Sở TNMT&NĐ đề nghị, cơ sở di dời được giữ lại từ 30-50% giá trị thu được từ việc đấu giá quyền sử dụng đất mà doanh nghiệp đó đã sử dụng khi di chuyển.

Theo Giám đốc Vũ Văn Hậu, thực chất của việc di chuyển các cơ sở ô nghiễm ra ngoại thành là chuyển đổi mục đích sử dụng đất (theo hướng phù hợp quy hoạch của thành phố)-chuyển từ sản xuất ô nhiễm sang mục đích khác như kinh doanh thương mại, bất động sản, công trình công cộng…

“Số tiền đấu giá thu được khi chuyển mục đích sử dụng đất phải được dùng để chi trả cho các doanh nghiệp khi họ di dời đi nơi khác. Không nên để cho các doanh nghiệp tự thoả thuận chuyển nhượng với nhau”- ông Hậu đề xuất.

Hiện Hà Nội đang khẩn trương hoàn thiện một cơ chế-chính sách đủ sức thực hiện được việc di chuyển các cở sở sản xuất ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch ra ngoại thành, tạo bộ mặt đô thị hiện đại cho thủ đô, theo lộ trình đề ra.

Nguyễn Tuấn

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.