Di dân Formosa Hà Tĩnh: Đón Tết đầu tiên ở phố núi

Di dân Formosa Hà Tĩnh: Đón Tết đầu tiên ở phố núi
TP - Dự án Formosa đầu tư vào khu vực Cảng Sơn Dương và Khu công nghiệp Vũng Áng thuộc huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh gần 10 tỷ USD.

Năm 2010 khoảng 1.500 hộ gia đình phải dời lên 5 khu tái định cư được xây dựng theo mô hình đô thị dọc theo chân dãy Hoành Sơn. Đi đầu trong việc di dân là xóm Lê Lợi thuộc xã Kỳ Liên.

Di dân Formosa Hà Tĩnh: Đón Tết đầu tiên ở phố núi ảnh 1
Nhà mới xây ở  “phố núi” 

Cuối 2009, xóm Lê Lợi đã có 120/160 gia đình nhận đất làm nhà tại khu vực mới; trước Tết Nguyên đán, 78 hộ cơ bản hoàn thành các công trình đón năm mới ở “phố núi”. Hệ thống đèn cao áp đã hoàn thành, soi sáng các đường đi lối lại.

Tại khu vực trung tâm đã có sân bóng chuyền cho thanh niên chơi bóng cả trong đêm. Nhiều điểm đặt bàn bi-a thu hút khá đông tuổi trẻ vui chơi. Gần 300 nhân khẩu đã đón giao thừa nơi ở mới.

Sáng mồng 5 Tết, trời mưa gió rét buốt, chúng tôi cùng đoàn cán bộ UBND huyện do ông Nguyễn Kiên Quyết dẫn đầu về chúc tết bà con “phố núi” Liên Sơn. Cùng đi có ông Trần Văn Hiếu - Phó Bí thư Đảng ủy xã Kỳ Liên và ông Nguyễn Ngọc Điu - phụ trách xây dựng cơ bản của xã.

Ông Nguyễn Xuân Miễn dẫn chúng tôi đi thăm bốn phòng ngủ, một phòng khách, một gian bếp kiêm phòng ăn khá đàng hoàng. Đây là ngôi nhà xây theo mẫu thiết kế của Hội tư vấn TPHCM cung cấp, phù hợp với túi tiền của người dân với giá trị khoảng 200 triệu đồng. 

Cháu Lê Na con út của gia đình hiện đang học lớp kế toán tại Ninh Bình khoe: “Khi bố mẹ lên xây dựng nhà ở đây cháu còn đi học. Nay về Tết thấy cơ ngơi đàng hoàng cứ tưởng như là nhà của ai”.

Chị Trương Thị Du 52 tuổi vợ của ông Hoàng Thế Song kể: “Gia đình tôi nhận đền bù tiền tài sản được 490 triệu đồng, thêm vào 10 triệu tiền đất nông nghiệp làm luôn hai nhà xây, mỗi cái hết 250 triệu đồng. Một cái bố mẹ ở còn một cái cho đứa con trai đầu chưa xây dựng gia đình nhưng sẵn tiền mình lo xa cho cháu sau này khỏi phải lo. Nơi  ở thì đẹp hết ý, chỉ lo việc làm sau này…” 

Ở xóm Lê Lợi, chị Hoàng Thị Tín 45 tuổi có hai con, một gái đã lấy chồng. Nhà đã xây trên khu tái định cư chưa hoàn chỉnh, ra năm mới lên. Đứa con trai là Tưởng Hữu Cường học xong lớp 9 ở nhà, dự định ra năm đi học một nghề công nhân gì đó để sau này xin vào khu công nghiệp.

Anh Lê Văn Sính 34 tuổi có vợ là Nguyễn Thị Luyến 31 tuổi, nhà có hai con, đứa lớn 6 tuổi, đứa nhỏ 3 tuổi: “Nhà em mới nhận tiền xong, đợi hết Tháng Giêng sẽ lên xây nhà “trên phố”. Thấy người ta lên xây dựng cơ đồ khang trang, mình chưa làm được cũng thấy sốt ruột”- Anh Sính thật thà nói. 

Nhìn khu tái định cư nhà mới khang trang, khu vực trung tâm mô hình trường học, trú sở UBND xã đều là nhà ba tầng đã được hình thành nền móng.

Chẳng còn bao lâu xứ Liên Sơn này sẽ trở thành một đô thị. So với vùng quê cũ xóm Lê Lợi nhà cửa lụp xụp, đường đi lối lại bùn lầy nước đọng, những người dân ở đây đều thấy được việc mình nhường đất ở cho khu công nghiệp, lên đây xây dựng đô thị mới là bước đổi đời.

Bà con chỉ băn khoăn: Mình là nông dân chuyên nghề cấy cày liệu có chuyển kịp tư tưởng và tác phong để bổ sung vào đội quân phục vụ cho khu công nghiệp hiện đại hay không?

MỚI - NÓNG