'Đi Mỹ bán bún cũng sướng lắm!'

'Đi Mỹ bán bún cũng sướng lắm!'
TP - Từ một bữa xơi Bún Ta, ông giám đốc marketing tập đoàn giải trí nổi tiếng thế giới MGM đã đưa lời đề nghị ngọt ngào với ông chủ nhà hàng Phạm Huy Cận.

Tháng Bảy năm 2007 vừa rồi Huy sang Mỹ tham quan địa điểm và ngạc nhiên thấy Bún Ta đứng đầu danh sách chờ hợp đồng của MGM.

'Đi Mỹ bán bún cũng sướng lắm!' ảnh 1

Cũng nhiều người trừng mắt vì nghe như mạo phạm cố thi sỹ Tràng giang, Ngậm ngùi, nhưng tên thường gọi của Phạm Huy Cận là Huy. Đang làm trưởng đại diện một Cty nước ngoài tại Việt Nam, thoắt cái, anh chuyển sang làm bún.

Từ nhỏ, chàng trai mê thơ đã khoái khẩu với những sợi bún trắng sạch tinh khiết trong lá chuối thôn quê, cả câu nói thương thương ám ảnh: “Trong cuộc đời phụ nữ nông thôn có thể chưa một lần ăn phở, nhưng ít nhất một lần họ đã ăn bún”. Đến mức giờ đây Huy táo bạo đặt hương vị dân dã vào không gian sang trọng với ý tưởng “Bún là thời trang!”.

Tại nhà hàng của anh ở Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) hay Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TPHCM), tất cả đều sạch sẽ và nằm trong những không gian đẹp. Tô, chén nhiều loại, màu sắc tươi vui, nhân viên giới thiệu tận tình từng chi tiết nội thất lẫn cách chế biến bún. “Tôi không chỉ bán bún mà còn “bán” ý tưởng ăn bún theo một phong cách sống mới trong môi trường ẩm thực mới”.

Nhưng, Bún Ta vẫn có nghĩa là “bún của chúng ta”. Cái tên Bún Ta dễ nhớ, dễ nghe và dễ đọc cho cả tây lẫn ta. Huy và Cty Tam Sơn đã mất nhiều thời gian cho logo và câu slogan...

Sau cửa hàng đầu tiên tại TPHCM, hiện Bún Ta đã có thêm 3 cửa hàng nữa tại Hà Nội, Đà Nẵng và đang xúc tiến khai trương nhà hàng đầu tiên tại thành phố Las Vegas (Mỹ) năm 2008.

Chưa có nhà hàng Việt Nam nào lọt vào thành phố đắt đỏ Las Vegas. Cách thành phố này 4 giờ xe là California - nơi luôn sẵn bún tươi, bởi vậy nguyên liệu không phải là thứ khó kiếm. Bắc Cali cũng sẽ khai trương đồng thời một nhà hàng Bún Ta. Tương lai, Bún Ta sẽ mở chuỗi cửa hàng quy mô nhỏ hơn (boutique) ở Phú Mỹ Hưng, the Manor, Nha Trang, Phú Quốc...

Năm 2006, Bún Ta được Trung tâm sách kỷ lục Vietbooks bình chọn là “nơi xuất hiện nhiều bún nhất Việt Nam” với khoảng 70 loại. Hiện, Huy đang làm thêm nhiều ngành dịch vụ khác nhưng bún “chắc chắn sẽ theo hết đời”.

'Đi Mỹ bán bún cũng sướng lắm!' ảnh 2

Tham vọng của Huy là đưa từ “bún” vào từ điển tiếng Anh. Thực đơn có song ngữ Anh- Việt nhưng riêng chữ bún anh vẫn giữ nguyên. Slogan của Bún Ta cũng vậy: “Everything is Bún”. Mọi thứ đều là bún, các món ăn xoay quanh bún.

Phạm Huy Cận làm Tổng Giám đốc Cty Tam Sơn quản lý hệ thống nhà hàng này, nhưng nguồn thu nhập chính của anh là từ “chân” trưởng văn phòng đại diện của một Cty nước ngoài tại Việt Nam.

Một thực khách nước ngoài nói với Huy: “Nhắc đến Việt Nam tôi chỉ biết có phở nhưng khi đến đây tôi được thưởng thức bún. Tôi rất bất ngờ và thích thú, bún ở đây lạ và ngon”.

Bún Ta có trên 100 loại. Thực đơn được lên với tư vấn của chuyên gia nấu ăn - thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo. Đủ đầy món bún nổi tiếng 3 miền, lại có cả những món sáng tạo: bún 3 màu.

Ngoài hiển nhiên bún trắng, còn lấp lánh bún vàng nhờ nước nghệ và hấp dẫn bún xanh nhờ lá dứa (lá nếp). Rồi bún khô, bún nước, bún xào, bún cuốn, rồi cơm tấm, bánh tầm bì, bánh hỏi, bánh ướt..., tất cả đều từ hạt gạo trắng thơm đất Việt.

'Đi Mỹ bán bún cũng sướng lắm!' ảnh 3

Một trưa Hà thành nhè nhẹ, bên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, sau giây lát ngỡ ngàng “bún mà làm được thế này sao?”, ngồi nếm đủ loại Bún Ta và thử dùng một số loại chè tráng miệng, thật thanh thản.

Nam thanh nữ tú vào đây cũng dịu dàng nói nhẹ đi khẽ. Hóa ra, ăn bún không phải bao giờ cũng chật chội như bún bò (mô phỏng) Huế trên phố Nguyễn Thượng Hiền, ồn ào như bún bò Nam Bộ trên phố Trần Quốc Toản (Hà Nội).

Giá trung bình 3USD/tô, hơi cao so với mặt bằng món bún Việt, nhưng đó là chủ ý của Huy. 6,5 tỷ đồng được anh “vắt” vào nhà hàng để làm một điều gì đó khác những gì người ta đang làm, tạo ra cách thưởng thức mới cho một món ăn quá quen khắp chợ cùng quê.

Huy chọn bún vì muốn nâng bún lên đẳng cấp cao hơn, trở thành một thương hiệu. Đối tượng khách hàng mục tiêu mà Bún Ta hướng đến là người nước ngoài, Việt kiều, giới doanh nhân và cả những người... hiếu kỳ.

Thanh Lam cũng lây cái mê bún của Phạm Huy Cận đến mức lấy tên album mới là Blue Ta, và ra mắt cũng tại quán Bún Ta. Hoa hậu Trái đất 2006 cùng Hoa hậu Nước, Hoa hậu Trái đất của Singapore trong dịp đến TPHCM hồi tháng 10/2007 đã chọn nhà hàng của Huy để thưởng thức món Bún Ta.

“Nếu trực tiếp đứng bếp, có lẽ tôi sẽ đầu tắt mặt tối suốt cả cuộc đời mà chỉ bán được một vài món. Tôi là người kinh doanh bún, điều đó mới quan trọng. Tôi nghĩ không nhất thiết cứ phải nấu ăn giỏi mới có thể kinh doanh ẩm thực”.

Bún Ta có bán vào dịp Tết không? “Bún Ta bán 365 ngày, không đóng cửa ngày nào. Ngày Tết có khi còn phải tăng giá 20% ấy chứ” - Huy cười.

MỚI - NÓNG